Ở các nước phương Đông, rắn là loài vật tuy có nguy hiểm và gây sợ hãi đối với con người, nhưng nó lại tượng trưng cho vận may và thịnh vượng. Vì thế con vật không được nhiều người yêu thích này dần dần xây dựng nên mối quan hệ mật thiết với con người và nó trở thành một trong 12 con giáp, xếp thứ 6, kết hợp với “tỵ” trong 12 địa chi.
Trong tâm thức người Việt Nam, rắn để lại dấu ấn rất sâu đậm, với vị thế là vị thần khởi nguyên của dân tộc, rắn hóa thân vào những dòng sông, trườn lượn khắp đất nước. Ở những nơi ấy, hình tượng rắn được lưu lại trong các danh lam thắng cảnh hùng vĩ của người Việt thông qua các truyền thuyết, truyện kể dân gian. Nhân năm Ất Tỵ, xin mời bạn đọc du ngoạn đến những “vùng đất của rắn” dọc theo lãnh thổ Việt Nam…
Suối Rắn Hòa Lạc (Lạng Sơn)
Ở phía Tây miền Bắc có xã Hòa Lạc, thuộc huyện Hữu Lũng (trước là huyện Châu Ôn), tỉnh Lạng Sơn có địa danh Suối Rắn bí hiểm. Dân gian có câu ca dao:
Châu Ôn Hòa Lạc mơ màng
Ai lên Suối Rắn lạ lùng khó quên.
Theo sách “Xà tuyền ký” (Truyện Suối Rắn) của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thì nơi này có một dải suối lạnh từ dãy núi ở xã Ỷ Tịch chảy đến sông Hóa Giang. Trong đoạn suối Hòa Lạc có một cái vực sâu chứa nhiều giao long (rắn lớn hay làm hại người). Trong làng có người chài cá, có cô con gái bị giao long bắt, người cha liền cầm hai thanh gươm rất sắc lặn xuống vực giết chết rất nhiều con giao long, tìm ra xác con mình bị khoét mắt, khoét rốn đưa lên. Hiện ông là Thành hoàng cả bản xã, cùng với vong hồn con gái rất thiêng. Từ sau ngày diệt được rắn, nơi đây suối lặng trời yên, núi non một dãy hữu tình. Bên cạnh núi có chỗ đá lỏm sâu, dân làng làm ngôi đền thờ cha con ông. Dưới đền có một hòn đá phẳng như chiếu, người dân tin rằng, nơi đây là sự quang minh, chính trực, nên những người có tranh chấp thường đem nhau đến đây thề bồi, ai gian xảo, sẽ bị phát hiện.
Ông Cộc ở sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn)
Cũng ở tỉnh Lạng Sơn có sự tích nổi tiếng về sông Kỳ Cùng. Theo Truyền kỳ mạn lục và Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam: Ông Cộc là vị thần rắn khổng lồ vì cướp vợ người mà bị đày lên đây. Nơi này là tận cùng của đất nước nên gọi là sông Kỳ Cùng. Ông Cộc đánh nhau với con thuồng luồng trấn trị ở đây để tranh địa giới. Vua Thủy Tề bắt hai bên chia khu vực. Ông Cộc đưa một tảng đá lớn như một cái đầu đặt ven sông, còn thuồng luồng đưa ra một cái chuông úp ở bờ bên kia làm giới hạn. Thật giả chưa rõ thế nào, nhưng ngày nay bên bờ Nam ông Kỳ Cùng, chỗ chân cầu tỉnh Lạng Sơn, còn một hòn đá lớn như hình một cái đầu, còn bờ bên kia trong ngôi chùa cổ có cái chuông cổ bị xích, du khách có thể đến thưởng ngoạn.
Thần Rắn ở hồ Ba Bể (Bắc Kạn)
Hồ Ba Bể, thuộc tỉnh Bắc Kạn, được ví như một viên ngọc lục bảo ẩn mình giữa thiên nhiên núi rừng Đông Bắc, mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ in bóng núi đá, mây trời. Ngoài cảnh đẹp làm mê hoặc lòng người, khi đến với Ba Bể, du khách còn có cơ hội được nghe người dân địa phương kể về sự tích của hồ Ba Bể, câu chuyện đã được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác của những người dân tộc Tày nơi đây. Theo đó, sự tích hồ Ba Bể kể rằng, thần Giao Long mình rắn hiện thành một bà già bẩn thỉu để thử lòng người và cuối cùng cứu giúp một người đàn bà tốt bụng trong trận lũ lụt lớn để hình thành hồ Ba Bể. Câu chuyện cổ tích cảm động được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác của những người dân ở nơi đây, để giáo dục con cháu muôn đời sau về tình thương người, lòng trắc ẩn, và những người ăn ở hiền lành ắt sẽ gặp được điều tốt.
Rắn thần ở Tây Hồ (Hà Nội)
Ở Tây Hồ có đình Võng Thị, tọa lạc tại làng Võng Thị, thờ Mục Thận người làng này, đã giúp Lý Nhân Tông bắt Thái sư Lê Văn Thịnh, người có phép hóa hổ. Theo sách Danh tích Tây Hồ của UBND quận Tây Hồ, cho rằng: “Đình Võng Thị rất thiêng, có một con rắn to trong hốc cột bên đình, cứ ngày rằm, mồng một lại nằm dưới chân tượng, người dân vào lễ qua lại như thường, chỉ có người gian xảo vào thì bị rắn cắn! Phía ngoại thành Hà Nội, còn có làng Lệ Mật, nơi có nhiều người làm nghề bắt rắn (với điệu múa rắn nổi tiếng vào ngày hội 23-3) gắn với truyền thuyết ông Nguyễn Quỳ, người làng giết rắn lớn, cứu nàng công chúa đời Lý. Ở làng Thanh Trì có di tích Đầm Mực nổi tiếng gắn với truyền thuyết thần thuồng luồng mình rắn dùng nghiên mực của thầy Chu Văn An cứu hạn cho dân.
Miền Trung với “Núi trườn thế rắn”
Đến miền Trung, nói về rắn khó quên được khu du lịch bảo tồn thiên nhiên Vụ Quang (Hà Tĩnh), có 38 loài bò sát, trong đó chiếm nhiều trăn đất và các loài bò sát. Vùng Nghệ An có núi Hồng, sông Lam danh thắng nổi tiếng, mà danh nhân Bùi Dương Lịch đời Lê đã viết “Thanh xà thiên lý tẩu thanh giang” (sông Lam như con rắn xanh chảy nghìn dặm). Thắng tích Lỹ Lâm – Thúy Côi và Lam Sơn (Thanh Hóa) gắn với truyền thuyết danh tướng Đinh Liệt đời Lê Lợi giết rắn trừ hại cho dân. Càng sâu vào miền Trung, càng thấy rõ những sông núi có hình thế rắn làm lưu luyến du khách, như danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) với thế núi uốn lượn như rồng rắn.
Rắn thiêng ở chùa Hang (An Giang)
Về miền Nam nổi tiếng với chùa Hang (Điền Phước tự) ở An Giang, gần Núi Sam, Châu Đốc. Theo truyền thuyết, chùa Hang do bà Lê Thị Thơ, sinh năm 1818 lập nên. Nơi cạnh am bà tu tập, có một hang núi sâu, bên trong có đôi mãng xà to. Điều kỳ lạ, từ khi bà đến tu hành, hàng ngày cặp mãng xà được nghe kinh Phật trở nên hiền lành, ăn đồ chay, không hại người, trông chừng thú dữ, kẻ gian. Khi bà qua đời, cặp rắn này bỗng dưng biến mất. Sau đó để tránh nguy hiểm, hang được lấp kín chỉ còn lối đi vào cửa, sâu khoảng 10m, bên trong thờ tượng Phật. Cảm mến sự đức độ của bà, năm 1885, chùa được người dân xây dựng với nền lát gạch tàu, mái ngói, cột gỗ căm xe… mang tên Phước Điền tự, nhưng dân gian vẫn quen gọi là chùa Hang. Phía bên trong chùa Hang, nằm 2 bên am thờ là 2 bức tượng hình rắn lớn là Thanh Xà và Bạch Xà. Hai con rắn với đôi mắt được thắp sáng bằng đèn khiến cho không gian đầy màu sắc tâm linh và thêm một phần kỳ bí đặc biệt gây ấn tượng với du khách.
Đình Rắn ở quê hương Đồng Khởi (Bến Tre)
Đình Rắn hay còn gọi là đình Định Nhơn tọa lạc ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, nay là Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Nơi đây, từ xưa đã trở thành chốn thiêng, bởi gắn liền với nhiều huyền tích về Thần Rắn cứu hộ người. Không những thế, Đình Rắn còn là nơi Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Định – tức nữ tướng Ba Định khởi phát phong trào Đồng Khởi. Có giai thoại kể rằng, khi cô Ba Định bị Việt gian chỉ điểm, chính rắn thần trong Đình Rắn đã “hộ thể” cho cô Ba (thực ra là tài mưu lược của cô Ba), giúp bà thoát khỏi vòng vây của địch. Đình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1993.
Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín
Bình luận (0)