“Ngũ xà thư” là hình tượng 5 ông rắn rất độc đáo được nghệ thuật hóa bằng hình thức họa tự của “ông đồ” – ThS. Nguyễn Hiếu Tín để chào đón năm Ất Tỵ – 2025.
“Ông đồ” Nguyễn Hiếu Tín đang nghiên cứu viết họa tự chữ Tỵ
“Ông đồ” – ThS. Nguyễn Hiếu Tín hiện đang công tác tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Nhiều người còn biết đến anh lại là một nhà thư pháp trẻ tài hoa với nhiều công trình nghiên cứu về lĩnh vực này. Anh đang theo học nghiên cứu sinh ngành văn hóa học với luận án về chủ đề liên quan đến nghệ thuật thư pháp chữ Việt.
Mỗi năm anh đều cho ra đời một bộ họa tự về linh vật trong năm đó. Theo anh, so với chữ Long tạo ra hình rồng và đặc điểm hư ảo rồng, thì chữ Tỵ năm Ất Tỵ 2025 tạo ra hình rắn tương đối khó hơn. Tuy nhiên, sự di chuyển nhịp nhàng cũng như đường cong uyển chuyển của rắn khơi gợi cho anh trí tưởng tượng về hình thể chữ.
Bằng những động tác nhẹ nhàng, bút lực mạnh mẽ, những đường nét điêu luyện và sắc sảo từ đầu ngọn bút lông mềm mại, uyển chuyển, có sự phối hợp cương và nhu, lúc thanh thoát, lúc trầm bổng tự nhiên đã giúp anh tạo ra những tác phẩm hình tượng về rắn với nhiều dáng vẻ phong phú, vừa tinh vi, vừa khoáng đạt, đầy cá tính. Trong năm 2025, anh sáng tạo được 5 hình tượng rắn chỉ bằng chữ “Tỵ”.
+ Rắn chào xuân: Chữ T, Y và dấu nặng được kết hợp một cách khéo léo thành hình ảnh cành đào rực rỡ và chú rắn đang quấn lấy cành đào, đầu rắn hướng lên trên, trông rất mạnh mẽ, sung mãn. Màu đen của mực xạ viết ra hình rắn tương phản với cành đào màu đỏ rực rỡ của mùa xuân. Tất cả tạo nên một không khí vui tươi, may mắn, sung túc đang đón chào mùa xuân mới trong năm rắn đăng quang.
+ Rắn mừng xuân: Cũng chỉ 2 ký tự T và Y và dấu nặng, anh đã khéo léo viết thành hình con rắn uyển chuyển, uốn lượn, với đường đi của bút rất điệu nghệ, biến hóa. Đây là một trong những tác phẩm với bút pháp ấn tượng, nét bút rất khoan thai, liền lạc, kết nối nhau, khiến con chữ tự nhiên vừa thấy hình rắn rất rõ, đồng thời chữ Tỵ cũng hiện lên một cách điệu nghệ. Biểu tượng cho sự sáng tạo, đổi mới, mang lại những hiệu quả tích cực cho một năm mới khởi sắc.
+ Cặp rắn hoàn hảo: Tác giả rất độc đáo cách điệu chữ Tỵ thành 2 con rắn lồng vào nhau tạo thành hình vòng tròn thái cực – một biểu trưng triết lý âm dương của triết học phương Đông về sự biến dịch, quy luật vận hành của vũ trụ. Mang thông điệp về sự trọn vẹn, hoàn hảo, may mắn trong năm mới.
+ Rắn du xuân: Vẫn là chữ Tỵ, anh tạo hình chú rắn đang lao về phía trước như báo hiệu một năm mới với những thành công mới, hứa hẹn sự an lành, và hạnh phúc.
+ Rắn – thần dược: Chữ Tỵ được tạo thành hình biểu trưng của ngành y tế đó là chữ T tạo thành cây gậy thần nguyệt quế (theo truyền thuyết gậy nguyệt quế của vị thần Etquylap (Hy Lạp) là vị thần y, điều hành sức khỏe) và chữ Y tạo thành hình con rắn quấn quanh cây gậy thần (biểu hiện của sự thận trọng, khôn khéo, điều hòa tinh thần và thể xác, có công chống lại dịch bệnh) thể hiện tình trạng sức khỏe hoàn hảo của các nhà hiền triết cổ đại. Do vậy, các thầy thuốc và dược sĩ châu Âu đã lấy hình tượng con rắn và gậy thần làm biểu trưng cho ngành y tế. Hình ảnh chữ Tỵ này, thay cho lời chúc sức khỏe trong năm mới, nên hình rắn rất to khỏe, chắc chắn.
Những họa tự vẽ 12 con giáp của Nguyễn Hiếu Tín cũng thể hiện phần nào của bản sắc văn hóa Việt. Hình tượng 12 con giáp với muôn vàn dáng vẻ, màu sắc rực rỡ, đã từng xuất hiện trong thơ ca, văn học, hội họa, điêu khắc và kiến trúc chùa chiền của các thời đại. Nay, hình ảnh ấy lại thấy xuất hiện trong thư pháp Việt với những nét đột phá, cách tân. Có thể nói, Nguyễn Hiếu Tín đã thành công trong sự mạnh dạn khai phá nền thư pháp cổ điển để mở ra một hướng đi mới, một phong cách mới: họa tự Việt Nam. Quả thật, nét bút tài hoa của Nguyễn Hiếu Tín đã tạo nên bước đột phá mới, thổi luồng sinh khí mới trong không gian văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Hoa Thư
Bình luận (0)