Đây là những câu chuyện hoàn toàn có thật mà các nghệ sĩ từng đóng phim chung với rắn đã từng kinh qua. Với họ, đây quả là những kỷ niệm nhớ đời không bao giờ quên trong quãng đời làm nghệ thuật của mình.
Kỷ niệm không quên với rắn
Trong bộ phim truyền hình Đất phương Nam của đạo diễn Vinh Sơn năm 1996, nghệ sĩ Mạc Can được chọn vào vai bác Ba Phi nên ông đã về vùng U Minh Hạ “nằm vùng” suốt hai tháng trời. Rừng này rất nhiều rắn nước, rắn hổ mây. Một hôm, đang nấu ăn, chị đầu bếp của đoàn hoảng hồn la lớn rồi quăng đũa bỏ chạy vì một con rắn trên mái nhà rơi tủm vào nồi canh chua. Bản thân của Mạc Can cũng mấy lần toát mồ hôi, nín thở chờ rắn bò qua người lúc nằm nghỉ ngơi dưới mấy bụi tràm chờ cảnh quay. Nghệ sĩ Mạc Can kể: “Lúc đầu trong kịch bản, nhân vật bác Ba Phi không có mấy mẩu chuyện kể về rắn. Nhưng sau mấy ngày tiếp xúc với những thợ săn rắn kỳ cựu ở vùng U Minh Hạ, tôi thu lượm được rất nhiều chuyện về rắn hổ mây khổng lồ mang hơi hướng chuyện của bác Ba Phi. Được sự đồng ý của đạo diễn, nhân vật bác Ba Phi của tôi đã mang những mẩu chuyện này vào trong phim. Chẳng hạn, trong rừng U Minh Hạ, ở khu Vồ Dơi, rắn hổ mây khổng lồ săn mồi rất nhàn nhã. Chúng chỉ việc dựng thân mình qua ngọn cây, há miệng toang hoác để cho các đàn chim tưởng là cây lớn, chui vào miệng đậu, làm tổ, thế là bị nuốt chửng. Khi no mồi, rắn nằm ngủ trong rừng, tôi tò mò lén tới ôm thử, thấy chu vi vòng bụng của chúng hết ba vòng tay người lớn. Hoặc vào mùa khô, nước ở U Minh Hạ rút dần, cá tụ vào những vũng nước trũng nhiều vô kể. Bọn rắn khổng lồ lười xuống vũng nước mò từng con mà ăn nên nó quấn đầu và đuôi vào thân cây, còn phần thân thả võng xuống vũng nước. Bụng nó thóp lại như cái gầu, rồi thân rắn cứ thế đung đưa, tát một lúc thì cạn cả vũng nước rồi tha hồ ăn cá. Trước khi phim lên sóng, về Sài Gòn tôi kể mấy câu chuyện này cho bạn bè nghe, ai cũng ôm bụng cười vì tài… nói dóc của bác Ba Phi…”.
Cũng trong bộ phim truyền hình Đất phương Nam, NGƯT Đoàn Mạnh Dung gây ấn tượng sâu đậm với khán giả qua vai ông Ba bắt rắn. Khi nhận vai này, NGƯT Đoàn Mạnh Dung rất lo sợ vì không có kinh nghiệm bắt rắn. Ông kể: “Trước khi phim bấm máy, tôi phải làm quen với rắn hổ mang. Ê kíp cho người may miệng, hút nọc rắn, bố trí chuyên gia để hỗ trợ tôi xử lý tình huống nếu bị rắn tấn công. Nhưng khi ra phim trường, tôi quên bản thân, lao vào cảnh quay, đến mức khi phim công chiếu, khán giả không hề biết rằng tôi vốn rất sợ rắn. Tuy nhiên, trong quá trình đóng phim, do không có kinh nghiệm xử lý rắn, lại mang tâm lý sợ hãi nên tôi cũng đã bị rắn cắn khá nhiều lần. Trên tay tôi đến bây giờ vẫn còn lưu dấu vết rắn cắn như một kỷ niệm không bao giờ quên khi đóng bộ phim này…”.
Các cố nghệ sĩ khổ vì “bạn diễn” rắn
Trong cuộc đời làm nghệ thuật, cố NSƯT Hồ Kiểng đã đóng hơn 40 vai lão nông Nam bộ. Chính vì thế, việc tiếp xúc với các con vật như trâu bò, ếch, cua, cá, rắn, chuột, heo, ngựa… với ông là chuyện rất bình thường. Sinh thời, ông từng kể: “Đóng riết rồi cũng quen, tôi thành thạo luôn việc nuôi bắt các con vật này như một nông dân thứ thiệt. Tuy nhiên, cũng từ các vai diễn này mà tôi có hai kỷ niệm “sống chết” nhớ đời. Năm 55 tuổi, tôi đi lên Cao Bằng quay phim Rừng xà nu, trong cảnh diễn chung với ngựa, tôi bị ngựa đá ngã gãy đốt sống phải đi cấp cứu, chạy chữa hơn một năm không thuyên giảm, tôi phải sang nước ngoài thay hai đốt sống giả và “sống chung” với nó. Nhưng nhớ nhất là năm 63 tuổi, tôi vào vai ông già bắt rắn trong phim Đêm săn tiền của đạo diễn Thế Ngữ. Cảnh quay tại Biên Hòa – Đồng Nai, trong đêm tối, tôi đeo cái giỏ cùng một cây sắt nhọn dài ra đồng bắt rắn về bán nuôi vợ con. Bất ngờ tôi bị một con rắn hổ mang trong bụi rậm bị bỏ đói mấy ngày cắn cho một phát, tôi chết lâm sàng đúng ba ngày ba đêm. Mọi người trong đoàn khóc lóc lo chuẩn bị hậu sự thì tự nhiên tôi tỉnh lại như một phép màu. Lúc đó, tôi mới biết mình không đi “chầu Diêm Vương” là nhờ chai nước biển mua từ Nhật Bản, chiết xuất từ ngựa là thứ hóa giải được nọc rắn…”.
Đóng xong phim này, cố NSƯT Hồ Kiểng có làm mấy câu thơ kỷ niệm: “Miền Nam trên xa lộ Biên Hòa/ Bắt rắn đóng phim tưởng hóa ma/ Nọc độc thấm vào tim nghệ sĩ/ Đêm săn tiền hóa bản tình ca”.
Năm 2022, diễn viên Quốc Cường – người được VIETBOOKS xác lập kỷ lục gia đồng thời được vinh danh trong chương trình những “Chuyện lạ Việt Nam” do VTV3 tổ chức năm 2005 qua đời để lại nhiều tiếc thương cho các đồng nghiệp, khán giả.
Cố diễn viên Quốc Cường sinh năm 1953, nhờ sự giúp đỡ của gia đình diễn viên Lý Hùng mà ông được tham gia đóng phim, vào những vai độc, quái bậc nhất màn ảnh trong các phim: Hải đường trắng, Vết thù năm tháng, Tiếng hú nơi hoang dã, Khung trời lỗi hẹn, Nước mắt giang hồ, Hồng hải tặc, Kế hoạch 99, Một thời ngang dọc, Người Mỹ trầm lặng…
Khi đóng phim, cố diễn viên lăn xả, không tiếc hy sinh sức khỏe khi thực hiện các cảnh quay mạo hiểm, đánh nhau, nuốt trăn, nhai rắn sống… có một không hai. Cũng vì chuyện “đùa” với rắn độc mà cố diễn viên Quốc Cường cũng đã từng suýt mất mạng.
Năm 1990, ông vào vai một tên cướp biển trong bộ phim Hồng hải tặc. Tên cướp biển này do đói quá đã nuốt sống một con rắn, đạo diễn yêu cầu chỉ cho đầu rắn vào miệng để quay rồi sẽ về làm kỹ xảo, không ngờ ông cho lút vào cổ họng tới 30cm nhưng không hề bị rắn cắn. Lần khác, ông vào vai thầy Savarit trong phim Một thời ngang dọc có biệt tài dùng sáo điều khiển rắn độc và nuốt rắn. Bối cảnh quay ở vùng núi non hiểm trở, không may mắn, ông bị một con rắn hổ mang trong một bụi cây nhào ra tấn công, phặp một vết ngay chân rồi trườn về hang sau khi bị đánh đuổi. Mọi người trong đoàn phim xé áo cột chặt phía trên vết thương ở chân để ngăn độc chạy về tim rồi đưa đến bệnh xá. Do điều trị kịp thời nên nọc rắn hổ mang chưa cướp đi mạng sống của ông. Năm 1992, khi quay phim Vết thù năm tháng, ông vào vai một tay xã hội đen muốn hăm dọa những kẻ khác bằng cách nhai sống các con rắn độc. Trong một cảnh quay, khi ông đưa con rắn rừng vào cuống họng được một đoạn thì nó cắn vào cổ họng ông, máu chảy rất nhiều. Khi ông được đưa vào bệnh viện, bác sĩ đã lắc đầu… Không ngờ sau đó, tự nhiên ông bình phục trở lại. Ai cũng cho rằng chắc là ông nhờ Tổ nghiệp phù hộ…
Khôi Nguyên
Bình luận (0)