Học kỳ 1 năm học 2024-2025, TP.HCM đạt 81% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Tỉ lệ số lớp học thực hiện dạy học đảm bảo đủ thời lượng 2 buổi/ngày đạt tỉ lệ 84%. Sĩ số bình quân/lớp đạt 36,1.
Chiều 21-1, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết HKI năm học 2024-2025 với giáo dục tiểu học.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2024-2025, TP.HCM có 556 trường tiểu học. 100% trường đảm bảo nội dung và số tiết quy định khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo kế hoạch giáo dục trong Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học.
Tỉ lệ số lớp học thực hiện dạy học đảm bảo đủ thời lượng 2 buổi/ngày đạt 84%. Số học sinh đảm bảo đủ thời lượng 2 buổi/ngày đạt 81%. Sĩ số bình quân học sinh/lớp là 36.1; Tỉ lệ phòng học/lớp đạt 0,97.
Toàn thành phố có 15 địa phương tổ chức được cho 100% học sinh đủ thời lượng 2 buổi/ngày, gồm các quận 1; 3; 4; 5; 6; 7; 8; 10; 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận và các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ.
100% trường tiểu học đáp ứng giảng dạy tin học theo Chương trình GDPT 2018 với 994 phòng tin học và 38.068 máy tính; 100% học sinh lớp 3, 4, 5 học tin học theo đúng yêu cầu Chương trình giáo GDPT 2018. Một số trường chủ động hợp đồng thuê máy với các cơ sở, liên kết với trung tâm tin học và hợp đồng thỉnh giảng để học sinh được học tin học ít nhất 1 tiết/tuần; 100% học sinh lớp 3, 4, 5 được học tiếng Anh bằng nhiều giải pháp theo đúng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.
Đối với các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì đa dạng nhiều giải pháp: Quận Gò Vấp linh hoạt trong việc xếp thời khóa biểu nhằm tận dụng tối đa công suất sử dụng các phòng học, đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện chương trình nhà trường đúng quy định, hướng dẫn; Tổ chức dạy học trực tuyến một số tiết ở một số lớp; Quận 12 lại tùy điều kiện thực tế, các trường bố trí cho học sinh học trái buổi hoặc học ngày thứ bảy để đảm bảo thực hiện các môn học theo Chương trình GDPT 2018, đề án nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh, tin học theo chuẩn quốc tế và các hoạt động giáo dục khác để phát triển toàn diện, theo nhu cầu của học sinh.
Thêm 10 trường tiểu học mới được thành lập
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, đầu năm học 2024-2025, quy mô phát triển mạng lưới trường, lớp luôn được quan tâm đầu tư xây dựng với 10 trường tiểu học thành lập mới: Trường TH- THCS PennSchool (quận 5); Tiểu học Hùng Vương (Tân Bình); Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Tiểu học Trần Cao Vân, Tiểu học Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu học Nguyễn Công Trứ, Tiểu học Đinh Công Tráng, Trường Quốc tế Song ngữ Mỹ Việt (Bình Tân); Tiểu học Lê Văn Phiên (Hóc Môn); Trường TH-THCS Đồi Xanh (TP.Thủ Đức).
Cạnh đó, thực hiện sáp nhập 4 trường tiểu học. Cụ thể: quận 1 thực hiện đề án sáp nhập Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quy mô 9 lớp năm học 2023-2024) vào Trường Tiểu học Đuốc Sống, lấy tên là Trường Tiểu học Đuốc Sống; quận Tân Bình sáp nhập Trường Tiểu học Bạch Đằng và Trường Tiểu học Chi Lăng thành Trường Tiểu học Chi Lăng.
Dù vậy, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nhìn nhận, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn; sĩ số học sinh/lớp ở các trường còn cao so với Điều lệ trường tiểu học do dự án xây dựng trường học gặp khó khăn, dân số cơ học tăng cao, một số phường chưa có trường tiểu học.
Một số trường còn thiếu giáo viên dạy mĩ thuật, âm nhạc do không có giáo viên dự tuyển. Còn giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019; Một số đơn vị chưa được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định…
Ông Nguyễn Bảo Quốc cho biết, TP.HCM đang xây dựng đề án 4.500 phòng học mới. Các phòng GD-ĐT tích cực tham mưu UBND quận, huyện đẩy nhanh tốc độ xây dựng trường lớp. Tham mưu các giải pháp thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục, phát triển hệ thống trường học ngoài công lập trong thời gian sắp tới.
Đồng thời, sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về hỗ trợ giáo dục tiểu học TP.HCM để quan tâm, chăm lo đội ngũ giáo viên tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của giáo viên trong sự nghiệp giáo dục.
Yến Hoa
Bình luận (0)