Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thông tư mới về dạy thêm, học thêm: Đưa hoạt động dạy thêm vào khuôn khổ

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trng dy thêm trái phép đưc k vng s chm dt vi thông tư mi v dy thêm, hc thêm ca B GD-ĐT, trong đó quy đnh rõ giáo viên tiu hc không đưc dy thêm; không đưc t chc dy thêm thu tin trong trưng và giáo viên phi đăng ký kinh doanh nếu tham gia dy thêm bên ngoài nhà trưng.

Thông tư mới về dạy thêm, học thêm giúp cho việc dạy thêm đi vào khuôn khổ (ảnh minh họa) 

Theo Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm mới được Bộ GD-ĐT ban hành, những quy định nêu ra rất cụ thể, rõ ràng về trường hợp nào giáo viên không được dạy thêm và được dạy thêm. Cụ thể, thông tư nêu rõ: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống”. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường…

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học như sau: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Song song đó, thông tư cũng chỉ rõ quy định để giáo viên được dạy thêm: cho phép dạy thêm ngoài nhà trường nhưng giáo viên phải báo cáo hiệu trưởng và chỉ được dạy học sinh không thuộc lớp chính khóa của mình. Các trung tâm dạy thêm buộc phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, tuân thủ quy định báo cáo và đóng thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Nhiều nhà quản lý giáo dục và giáo viên đánh giá những quy định mới trong Thông tư 29 đã tạo ra lằn ranh rõ ràng để việc dạy thêm được đưa vào khuôn khổ. Quy định sẽ tránh được sự ép buộc không đáng có của giáo viên với học sinh các lớp mà giáo viên đang dạy. Học sinh đi học thêm là vì nhu cầu của học sinh chứ không phải vì nhu cầu của giáo viên đang dạy lớp các em.

ThS. Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1) nhìn nhận, những mặt tích cực của thông tư mới sẽ giúp việc dạy thêm, học thêm vốn rất nhiêu khê trước đây được đưa vào quy củ bởi thông tư chỉ rất rõ các trường hợp giáo viên được dạy thêm và không được phép dạy thêm. Điều này đồng nghĩa với việc học sinh cũng bớt áp lực từ việc học thêm.

Thông tư 29 quy định rõ không dạy thêm với học sinh tiểu học (ảnh minh họa)

“Trước đây, khi dạy thêm bị cấm trong nhiều trường hợp, thỉnh thoảng chúng ta lại thấy hiện tượng “tố” giáo viên trường này dạy thêm, trường kia dạy thêm. Thỉnh thoảng lại đọc các thông tin phụ huynh “tố” giáo viên ép con mình đi học thêm. Nhưng với thông tư mới, các quy định dạy thêm đã rất rõ ràng, giúp giáo viên có thể kiếm thêm thu nhập từ việc dạy thêm một cách chính đáng, đàng hoàng dạy thêm…”, thầy Phú nói.

Tuy vậy, hiệu trưởng này cũng tâm tư, với quy định mới trong thông tư thì việc dạy ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 là nhà trường không được thu tiền của học sinh. Quy định này, về mặt tích cực là giúp giảm áp lực chi phí cho phụ huynh, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Điều này thể hiện sự công bằng, vì kỳ thi tốt nghiệp THPT là một phần bắt buộc trong giáo dục phổ thông, và nhà trường cần hỗ trợ học sinh vượt qua kỳ thi này. Không thu phí đòi hỏi các trường phải đầu tư vào chất lượng giảng dạy và quản lý tốt hơn, đảm bảo tất cả học sinh đều được ôn tập đầy đủ và hiệu quả. Thúc đẩy giáo viên tập trung vào trách nhiệm nghề nghiệp thay vì lợi ích tài chính. Mọi học sinh, bất kể điều kiện kinh tế, đều có cơ hội tiếp cận kiến thức để chuẩn bị tốt cho kỳ thi.

Tuy nhiên, mặt hạn chế là nếu không có nguồn thu, nhà trường phải tự cân đối ngân sách để tổ chức ôn tập, từ đó có thể ảnh hưởng đến các hoạt động khác hoặc gây khó khăn cho giáo viên. Đặc biệt ở những trường công lập, nguồn ngân sách thường hạn chế, nên việc này có thể gây khó khăn thực tế. Khi không có thêm khoản thù lao, một số giáo viên có thể giảm nhiệt huyết, đặc biệt nếu phải làm việc thêm ngoài giờ chính khóa. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng ôn tập và tâm lý làm việc của giáo viên. Nếu việc tổ chức ôn tập không chất lượng hoặc không đáp ứng được nhu cầu của học sinh, nhiều phụ huynh vẫn sẽ tìm đến các lớp học thêm ngoài nhà trường, gây thêm áp lực tài chính.

“Chính sách này rất ý nghĩa, nhân văn và giúp thúc đẩy trách nhiệm xã hội trong giáo dục. Tuy nhiên, cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể từ ngân sách Nhà nước hoặc các nguồn quỹ để đảm bảo nhà trường và giáo viên được hỗ trợ tương xứng. Ngoài ra, việc triển khai cần đi kèm với giám sát chặt chẽ và đánh giá hiệu quả để tránh hình thức hoặc gây thêm khó khăn cho các bên liên quan. Nếu điều kiện cho phép, nhà trường có thể đề xuất phương án linh hoạt, chẳng hạn như vận động phụ huynh đóng góp tự nguyện để hỗ trợ hoạt động ôn tập, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên”, thầy Phú kiến nghị.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)