Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật
Tạp Chí Giáo Dục

1. Gần đây, chúng tôi thấy nhiều người viết dẫn ra câu “No ba ngày Tết, đói ba tháng hè”, xếp nó vào loại thành ngữ và giải nghĩa là “Tục ăn Tết thời xưa, dù đói cũng vay mượn để ăn no ba ngày Tết, sau đó là những ngày đói khát”, “Đây là thành ngữ nói đến sự lãng phí ngày Tết”, “Thành ngữ chỉ những người tiêu xài hoang phí, làm đến đâu tiêu hết đến đấy thì sau này sẽ hết tiền và trở nên nghèo khó, túng quẫn”, “Thành ngữ sử dụng biện pháp ẩn dụ, trong đó tác giả dân gian mượn hình ảnh người dân lao động xưa cố gắng chắt bóp tiền để chi tiêu thoải mái, ăn no mặc đẹp vào ba ngày Tết, sau đó thì hết tiền và nhịn đói vào những ngày tháng tiếp theo để ẩn dụ cho những con người tiêu hoang, không nghĩ đến dành dụm”. Câu trên còn có dị bản: “Đói đến chết, ba ngày Tết cũng no” với nghĩa: “Dù nghèo khổ đến đâu cũng cố vay mượn để được ăn uống dồi dào trong ba ngày Tết” (Từ điển thành ngữ – tục ngữ Việt Nam, nhóm Vũ Dung).

Một số từ điển thành ngữ – tục ngữ

Về bản chất, trong lúc thành ngữ là một đơn vị ngôn ngữ thuộc từ vựng – đối tượng nghiên cứu của khoa ngôn ngữ học, thì tục ngữ là một đơn vị thuộc thể loại văn học. Tuy nhiên, có lẽ do nhận diện, phân biệt rạch ròi 2 loại đơn vị trên không phải dễ dàng, cho nên nhiều nhà nghiên cứu khi soạn sách, để tránh tình trạng bất đồng trong phân biệt 2 khái niệm, đã nhập chung chúng thành một nhóm “thành ngữ – tục ngữ”, mặc dù chúng không hề có mối quan hệ mật thiết với nhau.

2. Trong nhà trường, thành ngữ và tục ngữ được giới thiệu cho học sinh từ bậc tiểu học, lên bậc THCS, cả hai đều được dạy thành bài riêng biệt, cụ thể trong chương trình lớp 7, nhưng ở 2 thời điểm và thuộc 2 phân môn khác nhau. Cụ thể, thành ngữ được dạy ở tuần 12 trong phân môn “Tiếng Việt” như một loại đơn vị từ vựng; còn tục ngữ thì được dạy ở tuần 18, 19 trong phân môn “Văn học” với tư cách là những văn bản tác phẩm văn học dân gian.

Ngữ văn 7 ghi rõ khái niệm về hai loại trên như sau: “Thành ngữ là loại cụm từ có cấu tạo cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh. Nghĩa của thành ngữ có thể bắt nguồn trực tiếp từ nghĩa đen của các từ tạo nên nó nhưng thường thông qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, so sánh…”. “Nhìn chung, tục ngữ có những đặc điểm về hình thức: Ngắn gọn; thường có vần, nhất là vần lưng; các vế thường đối xứng nhau cả về hình thức, cả về nội dung; lập luận chặt chẽ, giàu hình ảnh”.

Lên bậc THPT, trong bài “Khái quát văn học dân gian Việt Nam” ở chương trình lớp 10, tục ngữ được xếp theo thứ tự ở vị trí thứ 7 trong 12 thể loại của văn học dân gian, còn thành ngữ thì không hề thấy.

Như vậy, trong sách giáo khoa, việc giải thích để giúp cho học sinh phân biệt thật rõ thành ngữ, tục ngữ chưa được chú trọng, chỉ dừng ở mức độ cung cấp khái niệm của từng loại một cách khái quát chứ chưa đưa ra sự đối sánh, phân biệt thật rạch ròi, có lẽ do dung lượng, thời lượng của từng bài học bị hạn chế, không cho phép nói kỹ hơn.

3. Điểm chung giữa thành ngữ và tục ngữ dễ nhận thấy nhất, là chúng có phần giống nhau về hình thức cấu tạo: Đều được cấu tạo từ cùng một loại đơn vị là “từ”. Chúng đều là những tổ hợp từ cố định, kết hợp với nhau theo một cấu trúc chặt chẽ, có thể có vần điệu và đối xứng (về số lượng tiếng).

Có lẽ do tên gọi của hai loại này từa tựa giống nhau, thành ngữ – tục ngữ cùng chứa từ tố “ngữ”, nên thoạt trông dễ nhầm lẫn, tưởng chúng gần gũi nhau hoặc có quan hệ họ hàng với nhau. Thế nhưng, thực ra chúng là hai loại đơn vị khác xa nhau, thuộc hai ngành nghiên cứu riêng biệt là ngôn ngữ và văn học, hoàn toàn khác nhau về phân loại, nội dung ngữ nghĩa và chức năng sử dụng; cho nên hiếm có khả năng một câu vừa là tục ngữ vừa là thành ngữ được.

Nhận xét một cách thỏa đáng thì mối quan hệ giữa chúng khá mờ nhạt chứ không hề khăng khít, mật thiết dễ dẫn đến tình trạng nhầm lẫn, khó phân biệt như nhiều người đang lầm tưởng.

Theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, thành ngữ là “tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó”; tục ngữ là “câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết tri thức, kinh nghiệm sống và đạo đức thực tiễn của nhân dân”. Còn theo thuật ngữ ngôn ngữ học, tục ngữ là một câu hoàn chỉnh (cho nên viết hoa đầu câu), diễn đạt trọn vẹn một ý có nội dung là một nhận định/phán đoán về kinh nghiệm đời sống, ví dụ: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng; Ăn vóc, học hay; Một giọt máu đào hơn ao nước lã… Trong khi đó, thành ngữ chỉ là một cụm từ cố định (cho nên không viết hoa từ đầu cụm), nêu ra một khái niệm một cách có hình ảnh, chẳng hạn: đẹp như tiên, trăm năm hạnh phúc, mẹ tròn con vuông…

Có nhiều cách để phân biệt sự khác nhau giữa tục ngữ và thành ngữ, phổ thông nhất chúng ta có thể tạm căn cứ vào hai phương diện sau: Thứ nhất, về hình thức: Tuy cả hai loại đều có vần hoặc không có vần, có nhịp điệu hoặc không có nhịp điệu, nhưng tục ngữ thường là câu nói ngắn gọn, còn thành ngữ chỉ là cụm từ cố định. Tục ngữ là một câu hoàn chỉnh, còn thành ngữ chưa thành câu, mới chỉ là cụm từ (cho nên chỉ nên nói “câu tục ngữ”, chứ nói “câu thành ngữ” là chưa đúng). Thứ hai, về nội dung: Tục ngữ diễn đạt trọn vẹn một ý, có thể là một nhận xét, một sự đánh giá, một kinh nghiệm, một tâm lý, một phong tục tập quán, một chân lý quen thuộc, nhằm giáo dục khuyên răn, hướng dẫn con người trong ứng xử, cuộc sống; còn thành ngữ chưa diễn đạt một ý trọn vẹn, chỉ đề cập đến một khái niệm.

Như vậy, thành ngữ là một đơn vị thuộc lĩnh vực ngôn ngữ, còn tục ngữ thuộc lĩnh vực văn học. Tục ngữ thường dùng độc lập, kiểu như: Có công mài sắt, có ngày nên kim; Đi một ngày đàng học một sàng khôn; Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao… Còn thành ngữ chỉ là một tổ hợp từ, thường dùng để tạo câu, chêm xen vào trong câu nói, chẳng hạn: Chúc chị “mẹ tròn con vuông”; bạn X. “chớ nên đứng núi này trông núi nọ”, “đừng đánh trống bỏ dùi”…

Mặc dù thành ngữ và tục ngữ đều chứa đựng và phản ánh tri thức của nhân dân về các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan, nhưng chúng khác nhau ở chỗ những tri thức ấy khi được rút lại thành những khái niệm thì tạo nên thành ngữ, còn khi được trình bày thành những phán đoán/nhận định thì tạo nên tục ngữ.

4. Qua sự phân tích trên, chúng ta có thể khẳng định, “No ba ngày Tết, đói ba tháng hè” nêu lên một nhận định, truyền lại một kinh nghiệm trong cuộc sống: Nếu tiêu xài hoang phí trong chốc lát thì hậu quả sẽ thiếu thốn lâu dài về sau. Cho nên, đây là một câu tục ngữ trong kho tàng văn hóa dân gian của cha ông truyền lại, chứ không phải là thành ngữ chỉ nêu lên một khái niệm đơn thuần; vì vậy, nhận diện nó là thành ngữ không phù hợp.

Suy cho cùng, tìm hiểu tường tận nội dung ý nghĩa của thành ngữ, tục ngữ và phân biệt được chúng một cách rạch ròi để sử dụng cho phù hợp với ngữ cảnh, đạt hiệu quả giao tiếp cao, trước hết là giúp học sinh phổ thông hiểu đầy đủ, chính xác, nắm được kiến thức cơ bản của bài học; đồng thời cũng thể hiện ý thức trân trọng tiếng mẹ đẻ giàu đẹp, đậm đà bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc ta.

Đ Song Quyên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)