Thầy Cao Đức Khoa (Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, Q.1, TP.HCM) cho biết, trong những năm qua rất nhiều học sinh của trường tự tin bước ra đấu trường học thuật quốc tế. Và lần nào các em cũng đem vinh quang về cho nhà trường, gia đình. Đơn cử, năm học 2024-2025, em Nguyễn Ngọc Minh Khang (học lớp 6/1) đã đạt giải nhất cuộc thi vẽ tranh do Quỹ Dân số Liên hợp quốc phát động; em Nguyễn Đức Gia Bảo (học lớp 8/1) hoàn thành rất tốt cuộc thi World Scholar’ Cup tại ĐH Yale (Hoa Kỳ)…
Cậu bé 11 tuổi vẽ tranh “đòi” bình đẳng cho phụ nữ
Có mẹ là nhà thiết kế thời trang nên từ nhỏ em Nguyễn Ngọc Minh Khang đã được mẹ cho chơi với phấn và bút vẽ. Lúc mới 2 tuổi, cậu bé bắt đầu vẽ nguệch ngoạc lên bất cứ chỗ nào có thể vẽ, từ giấy trắng cho đến bàn ghế, bờ tường… Rồi một ngày mẹ của cậu bé phát hiện trong những bức tranh nguệch ngoạc mà con trai vẽ có khá nhiều nét hay. Từ đó bà bắt đầu quan tâm bồi dưỡng năng khiếu cho con. Mỗi ngày bà đều dành ra một khoảng thời gian nhất định để dạy con vẽ…
Khi Minh Khang học lớp 3 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), được sự động viên của cô giáo và sự khích lệ của mẹ, cậu bé đã cùng một số bạn trong lớp tham gia cuộc thi Olympic ở nội dung vẽ. “Đó là lần đầu tiên em tham gia một sân chơi lớn…”, Minh Khang chia sẻ.
Tháng 10-2024, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phát động cuộc thi vẽ dành cho các đối tượng dưới 16 tuổi với chủ đề “Tương lai mơ ước cho trẻ em gái”.
“Thấy cuộc thi rất có ý nghĩa và được sự khích lệ của mẹ nên em tham gia. Do cuộc thi có chủ đề “Tương lai mơ ước cho trẻ em gái” nên em nhớ đến vụ án nữ bác sĩ 31 tuổi ở Ấn Độ bị cưỡng hiếp và sát hại; ở nhiều nước Hồi giáo, phụ nữ khi ra đường phải đội khăn trùm đầu, thậm chí trẻ em gái còn bị cấm không cho đến trường… Từ những bất bình đẳng này em đã vẽ bức tranh với tên gọi “Girl Power” (Sức mạnh thiếu nữ). Bức tranh nhìn bao quát sẽ thấy một phụ nữ đang ôm trái đất, xung quanh có những phụ nữ trên khắp trái đất với đủ màu da, màu tóc – những người này làm được các công việc mà nam giới đang làm. Bức tranh của em nhằm kêu gọi một xã hội công bằng giữa nam và nữ, chấm dứt tình trạng phân biệt giới…”, Minh Khang kể lại.
Kết quả, bức tranh của Minh Khang đạt giải nhất trong nhóm tuổi 6-11.
Nói về dự định tương lai, cậu học sinh lớp 6 tự tin: “Em sẽ tiếp tục tham gia các cuộc thi vẽ bởi đây là cách rèn luyện kỹ năng cũng như nâng cao trình độ. Em ước mơ sau này sẽ trở thành họa sĩ, nhà thiết kế để tiếp nối sự nghiệp của mẹ…”.
Được biết, hiện nay Minh Khang đang học song song hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Trung.
“Thử đi thi cho biết…”
Đó là chia sẻ của em Nguyễn Đức Gia Bảo khi tham dự cuộc thi World Scholar’s Cup. Đây là Cuộc thi hùng biện quốc tế, hay còn gọi là cuộc thi học thuật đồng đội dành cho học sinh 8-18 tuổi trên toàn thế giới. Hằng năm có hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
“Em biết đến cuộc thi World Scholar’s Cup từ năm lớp 6. Mãi đến giữa năm lớp 7, mẹ khuyến khích: “Thử thi đi con, thi cho biết. Đạt giải thì tốt, không có giải cũng không sao, coi như là một lần trải nghiệm” nên em quyết định cùng 2 bạn học chung tại trung tâm tiếng Anh đăng ký tham dự cuộc thi”, Gia Bảo kể lại.
Cuộc thi World Scholar’s Cup có 3 vòng thi chính, gồm: Vòng khu vực, vòng quốc tế và vòng chung kết. Các thí sinh thi 6 môn: khoa học, lịch sử thế giới, xã hội học, văn học, nghệ thuật & âm nhạc, lĩnh vực đặc biệt; được chia thành 4 phần thi, gồm: Scholar’s Bowl – đấu trực tiếp, Scholar’s Challenge – kiểm tra trắc nghiệm, Collaborative Writing – viết bài luận, Team Debate – tranh luận.
Theo đó, ở vòng khu vực, Gia Bảo và đồng đội tham dự sơ khảo tại Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM). Các em đã hoàn thành xuất sắc phần thi nên tiếp tục được tham dự vòng quốc tế tổ chức tại Bangkok (Thái Lan). Lần này đội của Gia Bảo lại tiếp tục chiến thắng để bước vào vòng chung kết.
“Vòng chung kết được tổ chức tại ĐH Yale (Hoa Kỳ) từ ngày 12 đến ngày 21-11-2024. Trải qua 4 phần thi, về cá nhân, em lọt top 10 phần tranh biện (xếp thứ 9); phần thi viết, em đạt huy chương bạc. Ở giải đồng đội, chúng em đạt huy chương vàng (hạng 34) phần tranh biện; huy chương bạc phần thi viết; huy chương bạc phần thi kiến thức tổng hợp. Lần đầu tiên ra đấu trường quốc tế thi đấu với các bạn học sinh đến từ những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc… mà gặt hái được kết quả như vậy, em rất hài lòng”, Gia Bảo chia sẻ.
Hiện tại ngoài việc học chính khóa cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa ở Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, Gia Bảo đang “đầu tư mạnh” vào môn tiếng Anh.
“Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, em mong muốn được trở thành công dân toàn cầu. Vì vậy, sau giờ học ở trường, em dành nhiều thời gian để học tiếng Anh và công nghệ thông tin. Nếu thuận lợi thì học xong chương trình THCS, em sẽ đi du học…”, Gia Bảo tâm sự.
Anh Kim
Bình luận (0)