Tập gym từ lâu đã trở thành một xu hướng rèn luyện sức khỏe phổ biến, từ những người trẻ tuổi mong muốn sở hữu thân hình lý tưởng đến những người trung niên tìm kiếm sức khỏe dẻo dai, các phòng tập luôn thu hút đông đảo người tham gia. Tuy nhiên, trong quá trình tập luyện, không ít trường hợp gặp phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến đột quỵ nếu không xử lý kịp thời.
Đột quỵ khi tập thể thao xảy ra bất ngờ
Thực tế, nhiều người đến phòng tập mà không thực sự hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình. Anh Hoàng Nam, một người tập luyện lâu năm tại TP.HCM, chia sẻ rằng bản thân từng chứng kiến một số trường hợp bất tỉnh trong khi tập luyện. “Có người vì muốn đẩy tạ nặng hơn mức cho phép nên gặp tình trạng khó thở, mặt tái nhợt. May mắn là hôm đó có huấn luyện viên kịp thời sơ cứu, điều này cho thấy việc tập luyện quá sức thực sự rất nguy hiểm”, anh kể lại.
Trong khi đó, chị Thu Hà, một người mới bắt đầu tham gia tập gym, cho biết lần đầu đi tập, chị đã cố gắng theo giáo án cường độ cao của bạn bè mà không nghe theo tín hiệu từ cơ thể. “Lúc đó, mình cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi nhưng vẫn cố gắng tập tiếp. Chỉ khi cảm giác buồn nôn xuất hiện, mình mới dừng lại và ngồi nghỉ. Từ đó, mình mới hiểu rằng việc tập luyện cần dựa vào thể trạng cá nhân, không nên chạy theo số đông”.
Theo ThS.BS Nguyễn Võ Hoàng Phúc (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM), những dấu hiệu như mơ hồ, yếu tay chân, thở gấp bất thường hoặc khó thở đột ngột trong quá trình tập gym đều có thể là biểu hiện sớm của một cơn đột quỵ.
Đột quỵ khi tập thể thao có thể xảy ra bất ngờ, kể cả ở những người trẻ khỏe và không có tiền sử bệnh lý nền. Đột quỵ thường liên quan đến hai nguyên nhân chính: thiếu máu não cục bộ và xuất huyết não.
Thiếu máu não cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu lên não bị gián đoạn do cục máu đông hoặc tắc nghẽn mạch máu. Triệu chứng thường gặp bao gồm mờ mắt đột ngột, yếu một bên cơ thể hoặc khó nói. Trong khi đó, xuất huyết não thường nghiêm trọng hơn, gây đau đầu dữ dội, nôn mửa và có thể khiến người bệnh bất tỉnh.
Bác sĩ Phúc nhấn mạnh rằng, trong tình huống đột quỵ, yếu tố thời gian là cực kỳ quan trọng. “Thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ não là trong khoảng 4,5 giờ đầu tiên. Nếu người bệnh không được đưa đến cơ sở y tế kịp thời, các tế bào não sẽ bị tổn thương nghiêm trọng, làm giảm cơ hội phục hồi và thậm chí đe dọa tính mạng”, bác sĩ Phúc giải thích.
Một vấn đề đáng lo ngại là nhiều người tập gym không nhận thức được mức độ nguy hiểm của đột quỵ. Họ thường nhầm lẫn những dấu hiệu ban đầu với tình trạng kiệt sức thông thường khi tập luyện quá sức. Chính điều này khiến việc sơ cứu và can thiệp y tế bị trì hoãn, làm giảm đáng kể cơ hội cứu sống người bệnh.
Trong trường hợp một người bị nghi ngờ đột quỵ khi đang tập luyện, việc xử lý đúng cách có thể quyết định trực tiếp đến tính mạng và khả năng hồi phục của họ.
Theo bác sĩ Phúc, bước quan trọng nhất là giữ bình tĩnh và gọi ngay cấp cứu. Người chứng kiến không nên cố gắng di chuyển bệnh nhân trừ khi họ đang ở trong môi trường nguy hiểm như dưới tạ nặng hoặc máy tập. Thay vào đó, cần đặt người bệnh nằm nghiêng ở nơi thông thoáng, nới lỏng quần áo để giúp họ thở dễ dàng hơn.
Một sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải là cố gắng xoa bóp, bấm huyệt hay tự ý dùng các biện pháp dân gian để sơ cứu người đột quỵ. Bác sĩ Phúc cảnh báo rằng: “Xoa bóp, bấm huyệt hay bất kỳ can thiệp nào không đúng cách đều có thể làm mất thời gian quý giá để cấp cứu y tế chuyên nghiệp. Đặc biệt, việc chậm trễ đưa người bệnh đến bệnh viện sẽ làm giảm cơ hội cứu sống và để lại di chứng nặng nề”.
Tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức sơ cứu
Thực tế, tại nhiều phòng gym hiện nay, không phải huấn luyện viên hay nhân viên nào cũng được đào tạo bài bản về sơ cứu y tế. Điều này đặt ra vấn đề cấp thiết trong việc phổ biến kiến thức hồi sinh tim phổi (CPR) cho cộng đồng tập luyện thể thao.
Bác sĩ Phúc nhấn mạnh rằng: “CPR là một kỹ thuật đơn giản nhưng lại có thể cứu sống người bệnh trong tình huống nguy cấp. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thực hiện CPR kịp thời có thể tăng tỷ lệ sống sót lên rất cao”.
CPR cơ bản không đòi hỏi thiết bị y tế phức tạp. Người tập chỉ cần thực hiện ép tim ngoài lồng ngực liên tục với tần suất 100-120 lần/phút. Nếu không có kinh nghiệm thổi ngạt, người sơ cứu có thể chỉ tập trung vào ép tim cho đến khi nhân viên y tế chuyên nghiệp có mặt.
Phòng tránh đột quỵ không chỉ là trách nhiệm của người tập, mà còn cần sự hướng dẫn chặt chẽ từ các huấn luyện viên và trung tâm thể hình.
Người tập nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là các chỉ số tim mạch, huyết áp trước khi bắt đầu một giáo án tập luyện cường độ cao. Ngoài ra, việc khởi động đầy đủ và lắng nghe tín hiệu từ cơ thể là vô cùng quan trọng. Nếu cảm thấy chóng mặt, buồn nôn hoặc khó thở, cần dừng tập ngay và nghỉ ngơi để tránh nguy cơ đột quỵ.
Anh Trung Kiên, một huấn luyện viên cá nhân, cho rằng việc phổ cập kiến thức y tế là trách nhiệm không thể bỏ qua.
Tập gym và rèn luyện thể thao là hành trình nâng cao sức khỏe nếu được thực hiện đúng cách. Tuy nhiên, những rủi ro như đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ, đòi hỏi mỗi người tập cần trang bị kiến thức đầy đủ về sức khỏe cá nhân và kỹ năng sơ cứu cơ bản. Chỉ khi chủ động bảo vệ bản thân và cộng đồng xung quanh, việc tập luyện mới thực sự trở thành hành trình lành mạnh và an toàn.
Hoàng Sang
Bình luận (0)