Tăng học phí đại học đang là xu hướng của các trường những năm gần đây và trong thời gian tới. Trong năm học 2021 – 2022, các trường có mức thu khác nhau, trong đó có ngành thu trên 200 – 300 triệu đồng/năm học/sinh viên.
Sinh viên nộp học phí ở một trường ĐH tại TP.HCM. ĐÀO NGỌC THẠCH
Nhiều trường công bắt đầu tăng mạnh học phí
Nhiều trường ĐH công lập đang bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, trong đó HP tăng cao so với năm trước. Trong số này có một số trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết khóa tuyển sinh 2021 chương trình chính quy đại trà, HP trung bình dự kiến 2,5 triệu đồng/tháng (tương đương 25 triệu đồng/năm học 10 tháng). Mức thu này sẽ tăng lên 27,5 triệu đồng ở năm thứ 2, lên 30 triệu đồng năm thứ 3 và giữ nguyên mức này trong 2 năm cuối. Mức thu trung bình dự kiến với chương trình tiên tiến và chất lượng cao 66 triệu đồng/năm học, tương tự tăng lên 72 triệu đồng năm thứ 2, 80 triệu đồng năm thứ 3 và giữ nguyên trong 2 năm cuối. Chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật dự kiến 50 triệu đồng/năm và giữ ổn định trong 4 năm. Như vậy, so với năm 2020, HP đại trà tăng gấp đôi so với năm trước đó.
“Khi chuyển qua tự chủ, trường phải tự đảm bảo ngân sách cấp chi thường xuyên. Do vậy, tăng HP là người học chia sẻ thêm với nhà trường trong việc thực hiện cơ chế tự chủ và đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, trường sẽ có chính sách hỗ trợ người học bằng nhiều cách để đảm bảo sinh viên (SV) khó khăn không phải nghỉ học do khó khăn tài chính”, ông Thắng chia sẻ.
Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cũng đưa ra mức thu dự kiến với SV chính quy năm học 2021 – 2022 chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm học. HP dự kiến của trường cũng tăng mạnh các năm tiếp theo: 30 triệu đồng/năm học 2022 – 2023, 35 triệu đồng/năm học 2023 – 2024, 42 triệu đồng/năm học 2024 – 2025. HP dự kiến SV trúng tuyển khóa 2021 chương trình chất lượng cao là 35 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến 45 triệu đồng/năm. Đặc biệt, HP dự kiến chương trình liên kết với ĐH Birmingham City 80 triệu đồng/năm, tăng dần lên 138 triệu đồng cho năm học 2023 – 2024.
Trường ĐH Kinh tế – luật sẽ họp để thống nhất mức HP chính thức trong tuần này. Tuy nhiên, hiện mức thu dự kiến năm học 2021 – 2022 chương trình đại trà trung bình 18,5 triệu đồng/năm học; chương trình chất lượng cao 29,8 triệu đồng/năm học và chất lượng cao tiếng Anh 46,3 triệu đồng/năm học. Như vậy, nếu mức này được áp dụng chính thức thì HP chương trình đại trà tăng thêm gần 9 triệu đồng so với năm học trước đó. Ngoài lý do chung của việc tăng HP khi chuyển sang tự chủ, theo thạc sĩ Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh trường này, chi phí tăng thêm, trường sẽ đầu tư để nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo.
Không chỉ trong khối ĐH Quốc gia TP.HCM, mới đây nhất trong đề án tuyển sinh Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch được công bố, HP dự kiến cho năm học tới các ngành y khoa, dược học và răng – hàm – mặt ở mức 32 triệu đồng/năm. Các ngành khác, HP dự kiến được thu 28 triệu đồng/năm học. Mức thu này tăng khá nhiều so với mức HP tạm thu của năm học 2020 – 2021: 14,3 triệu đồng/năm (SV có hộ khẩu TP.HCM) và 28,6 triệu đồng/năm (SV có hộ khẩu địa phương khác).
Trường đã tự chủ, học phí tăng theo lộ trình
Các trường công lập đã thực hiện đề án tự chủ từ năm trước đó, HP tiếp tục tăng theo lộ trình. HP dự kiến cho chương trình chuẩn trúng tuyển năm nay vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM khoảng 22,5 triệu đồng/năm học thứ nhất, các năm tiếp theo tăng dần lên 29,9 triệu đồng/năm. HP chương trình chất lượng cao không thay đổi trong 4 năm dao động từ 32 – 40 triệu đồng/năm tùy ngành và ngôn ngữ giảng dạy. Với chương trình chất lượng cao tài năng, HP dự kiến 48 triệu đồng/năm (tương đương 192 triệu đồng/khóa).
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dự kiến HP chương trình đại trà khoảng 18,5 – 20,5 triệu đồng/năm. Chương trình chất lượng cao tiếng Việt, HP 29 – 31 triệu đồng và chất lượng cao tiếng Anh 33 triệu đồng/năm học. Mức thu này so với HP năm ngoái tăng khoảng 1 triệu đồng. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thu 23 – 25 triệu đồng/năm với SV đại trà và tăng tối đa 10% các năm tiếp theo. Với SV chương trình chất lượng cao, HP 34 triệu đồng/năm và không tăng trong toàn khóa học.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết trường chưa có quyết định chính thức về mức HP khóa 2021. Nhưng HP của trường này đã tăng mạnh từ năm 2020 khi chuyển qua tự chủ trong khoảng từ 30 – 70 triệu đồng/năm (tùy ngành học). Theo thông tin công bố từ đầu, SV trúng tuyển năm 2020, đến năm học 2021 – 2022 (năm thứ hai), HP tăng khoảng 10% so với năm nhất.
Trường tư thục: có ngành trên 200 triệu đồng/năm
Trong khi trường ĐH công lập thu HP theo mức trần được quy định trong Nghị định của Chính phủ thì các trường ĐH tư thục được tự quyết mức thu.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM công bố mức HP từ 36 – 40 triệu đồng/năm, riêng ngành dược học 46 triệu đồng/năm. Trường ĐH Văn Lang HP dao động từ 40 – 54 triệu đồng/năm, riêng ngành răng – hàm – mặt HP dự kiến từ 160 – 180 triệu đồng/năm.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết mức thu này tăng khoảng 5% so với năm trước theo lộ trình đã công bố. Việc điều chỉnh này nhằm bù trừ trượt giá do lạm phát, bên cạnh đó để thu hút giảng viên giỏi, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị theo xu hướng liên tục đổi mới.
Cũng đào tạo khối ngành sức khỏe, Trường ĐH Duy Tân thông báo HP SV chính quy năm 2021 ở mức 64 triệu đồng/năm học (2 học kỳ) với ngành y khoa, răng – hàm – mặt. Ngành dược sĩ ĐH 35,2 triệu đồng/năm, các ngành đại trà khác từ gần 19 – 23 triệu đồng/năm học.
Đáng chú ý, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, HP các ngành hầu hết dao động từ 50 – 55 triệu đồng. Riêng ngành y khoa và răng – hàm – mặt, HP chương trình tiếng Việt 91 triệu đồng/học kỳ (182 triệu đồng/năm – 2 học kỳ). Với chương trình tiếng Anh, HP 2 ngành khối khoa học sức khỏe lên tới 220 triệu đồng/năm (2 học kỳ).
Theo Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)