Hiện nay lao động nông thôn (LĐNT) đã hiểu rõ được lợi ích của việc học nghề để có thêm nhiều cơ hội về việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều LĐNT tự bù kinh phí để học nghề theo nhu cầu.
Mô hình trồng và chăm sóc cây kiểng tại TP.Thủ Đức là một trong những mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình của TP.HCM trong thời gian qua
Theo báo cáo tổng kết Đề án đào tạo nghề cho LĐNT tại 12 quận/huyện trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2010-2020, có gần 87.500 LĐNT được đào tạo nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Trong đó có khoảng 87.000 lao động được hỗ trợ chính sách, sau học nghề 80% có việc làm, số còn lại tự tạo việc làm hoặc tự tìm việc làm. Tỷ lệ LĐNT qua đào tạo tăng từng năm, cụ thể: năm 2010 đạt 56,28%; năm 2015 đạt 78,57%; năm 2017 đạt 84,99%; năm 2019 đạt 90,62% và năm 2020 đạt 92%.
Lao động chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp
Trong giai đoạn 2010-2015, TP.HCM đã đào tạo nghề cho 34.808 LĐNT, trong đó có 9.774 người học nghề nông nghiệp và 25.034 người học nghề phi nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2019, đào tạo nghề cho 48.585 người lao động. Riêng năm 2020 đã đào tạo nghề cho 6.500 người. Trong 10 năm qua, TP.HCM đã nhân rộng một số mô hình đào tạo nghề đạt hiệu quả giúp người dân tăng thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Một bộ phận LĐNT đã chuyển sang lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp theo quá trình đô thị hóa.
Người dân đã dần nhận thức được vai trò của việc học nghề, học là để nâng cao tay nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trong sản xuất, trong chăn nuôi, trồng trọt. Từ đó, mạnh dạn chuyển đổi nghề nhằm tạo thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình và địa phương.
Ông Lê Minh Tấn (Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đánh giá công tác đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua có nhiều thuận lợi như: Tuyên truyền, tư vấn học nghề mang lại hiệu quả trong việc gắn kết người học với đơn vị đào tạo và tuyển dụng. Nhận thức của người dân về học nghề ngày càng tích cực hơn, đặc biệt là trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do đô thị hóa, LĐNT đã hiểu rõ được lợi ích của việc học nghề.
ĐỐI TƯỢNG NÀO ĐƯỢC HỖ TRỢ HỌC NGHỀ, HỖ TRỢ BAO NHIÊU? Theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, có 3 đối tượng được hỗ trợ học nghề: Đối tượng 1 – LĐNT thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm: mức tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học; người khuyết tật: mức tối đa là 6 triệu đồng/người/khóa học. Đối tượng 2 – LĐNT thuộc diện hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo thành phố được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa là 2,5 triệu đồng/người/khóa học. Đối tượng 3 – LĐNT khác với mức hỗ trợ tối đa là 2 triệu đồng/người/khóa học. Bên cạnh đó, ở đối tượng 1 còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho người tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng với mức tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật được hỗ trợ tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên. |
Điều đáng mừng là ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều LĐNT đã tự bù kinh phí để học nghề theo nhu cầu. Một bộ phận LĐNT sau khi học nghề đã có việc làm mới ở các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ hoặc chuyển đổi nghề. Trong đó có những người đã trở thành ông chủ của mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình tại TP.HCM. Điều đó khẳng định công tác dạy nghề cho LĐNT trong những năm qua đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì cũng gặp không ít khó khăn trong công tác vận động học nghề giải quyết việc làm đối với hộ nghèo và cận nghèo. Đại diện các quận/huyện cho rằng không ít LĐNT còn ỷ lại chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mặt khác, đa số học viên là lao động chính, việc học nghề sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình nên ngại phải theo học dài ngày.
Hỗ trợ vốn sau học nghề
Trong giai đoạn tiếp theo, số LĐNT tăng lên do quá trình đô thị hóa, đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp để đào tạo nghề cho số lao động này. Thêm nữa, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, LĐNT cần phải được đào tạo bổ sung các kiến thức mới nhằm tiếp cận trình độ phát triển khoa học kỹ thuật, làm chủ công nghệ sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Theo đó, TP.HCM xác định mục tiêu giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 là đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Một số mô hình điển hình trong đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn TP.HCM trong thời gian qua như chăn nuôi bò, bò sữa và trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP (huyện Củ Chi); tạo hình bon sai cây kiểng ở xã Đa Phước, nuôi cá kiểng ở xã Tân Nhựt, trồng rau ở xã Tân Quý Tây, trồng mai ở xã Bình Lợi và trồng lan Dendro ở xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh); sản xuất muối sạch theo phương pháp kết tinh muối trên ruộng trải bạt, nuôi tôm và nuôi hàu lấy thịt (huyện Cần Giờ); trồng và chăm sóc hoa cây kiểng (TP.Thủ Đức)… |
Ông Lê Minh Tấn yêu cầu các địa phương đa dạng hóa các nghề đào tạo theo nhu cầu của người học và thực tiễn của địa phương; chọn lọc nghề phù hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nhằm tạo việc làm, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động. Đặc biệt là không tổ chức đào tạo khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề. Đồng thời tổ chức đào tạo nghề theo các mô hình đã thí điểm có hiệu quả, phù hợp với thực tế ở địa phương theo phương châm gắn nhu cầu đăng ký của người học với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Để đạt mục tiêu này, TP.HCM sẽ gắn dạy nghề với nhu cầu sử dụng lao động trong sản xuất, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm cho LĐNT sau khi học nghề; tăng cường tín dụng đối với LĐNT được tiếp cận và vốn vay ưu đãi, vốn vay hỗ trợ lãi suất nhằm mở rộng sản xuất, thu hút lao động tại chỗ để giải quyết việc làm; huy động các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, nông dân sản xuất giỏi có đủ điều kiện tham gia dạy nghề và tạo việc làm cho LĐNT.
Ngoài ra, ông Tấn cũng kiến nghị cần nâng thêm mức hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT để phù hợp với giai đoạn mới cũng như mở rộng đối tượng thụ hưởng là LĐNT khác có hộ khẩu tạm trú tại xã/phường/thị trấn.
Bài, ảnh: T.Tri
Bình luận (0)