Trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 13 năm 2021 diễn ra ở Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) và một số trường THPT mới đây, các chuyên gia đã phân tích kỹ câu chuyện chọn ngành, trường học để tăng khả năng trúng tuyển, qua đó giúp người học tránh được tình trạng “đứt gánh giữa đường”…
TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) tư vấn riêng cho các em học sinh Trường THPT Nguyễn Du
Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố.
Không để rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”
Trước băn khoăn của nhiều học sinh về việc nếu lựa chọn chương trình chất lượng cao nhưng quá trình học muốn chuyển tiếp sang chương trình quốc tế thì có được các trường ĐH tạo điều kiện không? Với vấn đề này, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay điều này tùy thuộc vào từng nhà trường, cân nhắc dựa trên năng lực học tập của sinh viên và một số điều kiện đi kèm, nhất là dựa vào điểm chuẩn đầu vào ngành học mà sinh viên theo học. “Không riêng gì chuyển từ chương trình chất lượng cao sang chương trình liên kết, đối với bất cứ ngành học nào, chương trình học nào, để tránh tình trạng không thể theo học được phải chuyển ngang giữa chừng thì ngay từ đầu các em nên tìm hiểu thật kỹ về ngành học, chương trình học. Mỗi ngành học đòi hỏi những tố chất riêng khác nhau, mỗi chương trình học cũng đòi hỏi điều kiện năng lực học tập và cả tài chính khác nhau. Do đó, các em cần cân nhắc thật kỹ để không rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan””, TS. Thanh Mai cho biết.
Đối với câu chuyện rộng cửa trúng tuyển, các chuyên gia tư vấn cho rằng học sinh không nên quá đặt nặng đến việc chọn học trường nào mà trước hết cần xác định được ngành học mình muốn theo đuổi. |
Cũng theo TS. Thanh Mai, do tác động của dịch Covid-19 nên xu hướng du học hiện đang được học sinh quan tâm chuyển sang du học trong nước thông qua các chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế, chương trình học song bằng… Thông thường, các chương trình này không đòi hỏi điểm đầu vào quá cao nhưng lại yêu cầu đầu ra rất cao, đặc biệt là về ngoại ngữ. Quá trình học cũng đòi hỏi cao về tiếng Anh. Vì thế không phải học sinh nào cũng theo học được, các em cần có năng lực học tập tốt.
Khẳng định tính linh hoạt của các chương trình liên kết khi cho phép người học có thể thỏa mãn ước mơ du học ngay cả khi dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, song ThS. Mai Thị Thùy Trang (đại diện Trường ĐH Hoa Sen) lưu ý người học cần tìm hiểu kỹ về các chương trình liên kết trước khi theo học, đảm bảo việc học không bị gián đoạn. “Các chương trình liên kết được xây dựng ở một số ngành học và có liên kết với các trường ĐH ở những nước khác nhau. Chương trình liên kết học từ 1, 2 hoặc 3 năm tại Việt Nam, số năm còn lại sẽ học tại trường ĐH ở quốc gia liên kết. Nếu xác định theo học chương trình liên kết, các em cần tìm hiểu thật kỹ để có lộ trình chuẩn bị phù hợp, từ điều kiện tài chính, ngôn ngữ cho đến kỹ năng. Quan trọng vẫn là lựa chọn được ngành học, môi trường liên kết phù hợp với mong muốn của bản thân”, ThS. Thùy Trang lưu ý.
Rộng cửa trúng tuyển nếu tìm hiểu kỹ
Mùa tuyển sinh năm 2021, lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt làm một trong những phương thức xét tuyển. Thông tin chi tiết về các phương thức xét tuyển của trường đến học sinh, PGS.TS Dương Thị Hồng Hiếu (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết phương thức xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ áp dụng với các ngành sư phạm: Toán, tin, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn, tiếng Anh, tiếng Trung, CNTT, văn học, Việt Nam học… Phương thức này còn kết hợp với sử dụng kết quả 6 học kỳ THPT. Ngoài kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, nhà trường cũng sử dụng các phương thức: Kết quả thi tốt nghiệp THPT; kết quả học tập 6 học kỳ THPT. “Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường tổ chức với mong muốn chọn được những thí sinh phù hợp nhất với ngành sư phạm. Tuy nhiên, với phương thức mới này cũng mở rộng cửa trúng tuyển cho thí sinh vào các ngành học mà bản thân yêu thích”, PGS.TS Hồng Hiếu nói.
KHÔNG LẠM DỤNG ĐẶT QUÁ NHIỀU NGUYỆN VỌNG Bộ GD-ĐT vừa công bố mẫu phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Năm nay, phiếu đăng ký dự thi có một số thay đổi, học sinh cần phải lưu ý. Theo đó, học sinh phải khai đúng ở mục số 5: Hộ khẩu thường trú và mục số 6: Nơi học THPT và tương đương. Học sinh muốn làm hồ sơ xét tuyển ĐH thì phải đánh dấu vào mục số 9: Thí sinh có dùng kết quả thi để xét tuyển sinh ĐH/CĐ sư phạm. Một lưu ý nữa là khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH/CĐ sư phạm tại mục 21 trong phiếu đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển, các em cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của trường ĐH/CĐ sư phạm có nguyện vọng học để có thông tin chính xác về mã trường, mã ngành/nhóm ngành, tên ngành/nhóm ngành và mã tổ hợp môn xét tuyển. Ghi theo hướng dẫn trên phiếu đăng ký dự thi. Trong đó, đối với điểm a: Thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến có giá trị pháp lý như việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng phiếu. Học sinh phải tự chịu trách nhiệm các thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến đã kê khai trên hệ thống. Khi ghi nguyện vọng, các nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới (nguyện vọng 1 là nguyện vọng ưu tiên cao nhất). Để có khả năng trúng tuyển cao, các em nên đăng ký khoảng 5-10 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 (nguyện vọng mơ ước) là trường mình yêu thích nhất. Nguyện vọng thứ 2 là trường gần như là phù hợp hoàn toàn với khả năng của mình. Còn nguyện vọng thứ 3 là trường có mức điểm thấp hơn một chút so với năng lực của mình. Tiếp theo, nguyện vọng thứ 4, thứ 5… là nguyện vọng dự phòng trường hợp trong quá trình thi các em làm bài kém hơn ngày thường một chút thì vẫn có thể trúng tuyển. Mặc dù không giới hạn số lượng nguyện vọng, song các em không nên quá lạm dụng đặt quá nhiều nguyện vọng sẽ khiến các nguyện vọng bị loãng.
ThS. Phùng Quán |
Đối với câu chuyện rộng cửa trúng tuyển, các chuyên gia tư vấn cho rằng học sinh không nên quá đặt nặng đến việc chọn học trường nào mà trước hết cần xác định được ngành học mình muốn theo đuổi. “Nếu yêu thích ngành y nhưng năng lực học tập của bản thân không thể vào được Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hay Trường ĐH Y Dược TP.HCM thì các em có thể chọn theo học ngành y ở các trường ĐH khác có khoa y. Hiện nay, nhiều trường ĐH ngoài công lập có đào tạo ngành y, với mức điểm đầu vào không quá cao nhưng chương trình đào tạo thì vẫn đảm bảo. Tận dụng chính điều này sẽ giúp các em rộng cửa trúng tuyển”, đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho hay.
Bài, ảnh: Long Quân
Bình luận (0)