Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu: Thiếu tầm nhìn và kết nối

Tạp Chí Giáo Dục

Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu đang được coi là ngành học đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên thu hút sự quan tâm của thí sinh và được các trường đại học tích cực đào tạo. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, vẫn có tình trạng “bình mới rượu cũ”.
Hai ngành học mới là Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu đang thu hút nhiều thí sinh (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: Diệp An
Hai ngành học mới là Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu đang thu hút nhiều thí sinh (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: Diệp An

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện nay trong số hơn 300 cơ sở đào tạo đại học (bao gồm các viện nghiên cứu) có 11 cơ sở đào tạo ngành Trí tuệ nhân tạo (AI) và Khoa học dữ liệu (DS). Tại hội thảo đào tạo AI, DS do Phòng Thí nghiệm Khoa học dữ liệu khảo sát – Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) tổ chức cuối tuần qua, GS.TSKH Hồ Tú Bảo, Giám đốc VIASM, phát biểu, chuyển đổi số là cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và AI là công nghệ cốt lõi để thực hiện chuyển đổi số.

Theo ông, trong tương lai gần có hai nhóm nhân lực về AI và DS, gồm nhân lực dùng AI, DS chiếm 94%, nhân lực làm AI, DS chỉ chiếm khoảng 6%. Ông nói rằng, trên thế giới có 5 hình thức đào tạo về AI và DS; tại Việt Nam đã có 4/5 hình thức đào tạo này, gồm đào tạo thạc sĩ; cử nhân, kỹ sư chuyên về AI và DS; cử nhân hay kỹ sư về AI hoặc DS trong một lĩnh vực khác; đào tạo phổ cập AI ở ĐH hoặc phổ thông. Với trường phổ thông, hiện có duy nhất Trường THPT Lê Hồng Phong TPHCM thử nghiệm đưa chương trình DS vào giảng dạy.

GS Bảo nêu lên một số điểm về chương trình AI, DS ở Việt Nam cần được rút kinh nghiệm. Cụ thể, nhiều chương trình thiếu tầm nhìn chủ đạo xuyên suốt nên đưa vào các môn học thiếu tính kết nối và hướng đích. Chương trình lẽ ra phải xuất phát từ chính nội hàm của AI và DS, nhưng nhiều nơi vẫn có gì dạy nấy. Khi đánh giá một số chương trình, ông nhận ra có những môn học như Toán học cho DS nhưng “ruột” lại giống hệt môn Toán học cho Công nghệ thông tin.

“Một vấn đề nữa cần rút kinh nghiệm là các môn học dạy trong một chương trình không có sự liên kết với nhau. Trong khi đó, AI, DS là đào tạo hẹp, lẽ ra người dạy phải hiểu mình là mắt xích nào trong chuỗi đào tạo đó thì chất lượng mới nâng cao”, ông nói. Đặc biệt là kết nối sang các môn học khác cũng rất cần được quan tâm. Ông gợi ý khung chương trình AI và DS gồm nền tảng Toán, AI nâng cao, nền tảng Công nghệ thông tin, Nền tảng AI, dữ liệu lớn, AI và xã hội, môn học chung.

GS.TS Phùng Quốc Định (ĐH Monash, Úc) cho rằng, cần phải rõ mục đích xây dựng chương trình có phù hợp với nhu cầu xã hội hay không. Đồng thời, phải nghiên cứu cấu trúc tổng thể chương trình hợp lý, phù hợp với đầu vào sinh viên; sinh viên được trải nghiệm để khi ra trường có thể đi làm luôn. Theo ông Định, không nhất thiết phải đưa AI hay DS vào dạy phổ thông mà nên phát huy thế mạnh của Việt Nam là Toán học và bổ sung một số phần về xác suất thống kê. Điều này rất quan trọng, phục vụ người học sau này học lên bậc ĐH.

Vì AI và DS là hai ngành học mới nên Việt Nam chưa có tiến sĩ thuộc hai ngành này. PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó giám đốc Viện Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay, với chương trình đào tạo chuyên sâu được giảng dạy bằng tiếng Anh, khó khăn về bài giảng, đội ngũ, môi trường cho sinh viên, trường đã mời giảng viên nước ngoài sang giảng dạy.

Hai bài toán cần giải

Tại Việt Nam hiện nay, mọi người thường nói nhiều hơn đến câu chuyện cách mạng công nghiệp 4.0, IoT (Internet kết nối vạn vật), AI, hy vọng những lĩnh vực này sẽ tạo ra hướng phát triển đột phá ở mỗi ngành và trên cả đất nước. Nhưng theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT, còn một khía cạnh nữa, nếu không phát triển, Việt Nam khó có thể hùng cường; khoảng cách với các quốc gia khác sẽ lớn hơn hiện nay rất nhiều. Đó là chuyển đổi trong giáo dục.

“Không có trí tuệ tự nhiên “ngon lành” thì không thể làm được trí tuệ nhân tạo”, ông Tùng nhận định. Theo ông, với giáo dục, có hai bài toán cần giải quyết. Đó là trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực có tố chất chuyển đổi số để sau này tham gia sự nghiệp chuyển đổi số các luồng kinh tế – xã hội và chính bản thân ngành giáo dục cũng phải chuyển đổi số, nếu không sẽ khó đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này, trong khi thời gian không còn nhiều. Ông Tùng cho rằng, cần đưa AI vào môi trường đào tạo truyền thống, cá thể hóa từng ngành học; đưa yếu tố sư phạm vào giáo dục trực tuyến, vào máy móc là bài toán lớn trong giáo dục trực tuyến nói chung và AI nói riêng.

Theo GS Ngô Bảo Châu, DS là thách thức lớn nhất về Toán học trong thế kỷ 21; Việt Nam cần bắt đầu bằng những công việc cụ thể để xây dựng, phát triển nguồn nhân lực. Hơn một năm nay, VIASM bắt tay xây dựng cũng như đưa ra các khuyến nghị tiêu chuẩn cốt lõi đối với chương trình đào tạo sau ĐH, ĐH và phổ thông trong lĩnh vực này. Theo ông, AI và DS là những ngành khoa học liên ngành; đã đến lúc cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các nhà toán học, nhà khoa học máy tính, chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, các trường ĐH, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu ứng dụng trong các doanh nghiệp.
Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)