Ở độ tuổi 27 với gương mặt ưa nhìn, vóc dáng cao ráo cùng với trình độ học vấn, Nguyễn Nhật Phương thừa sức tìm được công việc an toàn, thoải mái với thu nhập tốt. Thế nhưng chàng trai 9X này lại chấp nhận gắn bó với công việc gian nan, nguy hiểm để cứu những người không may bị nạn, đưa người mất về với người sống.
Anh Phương được tuyên dương Công dân trẻ tiêu biểu năm 2020
Giúp người còn lại được an ủi
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Củ Chi nên Phương thừa hưởng những tính cách tốt đẹp của thế hệ trước đó là sự bản lĩnh, mưu trí, không ngại khó, ngại khổ trước khó khăn, thử thách. Vì lẽ đó, công việc mà Phương lựa chọn cũng đặc biệt hơn bạn bè cùng trang lứa đó là làm lính cứu hộ, cứu nạn.
Phương kể, lần đầu tiên mình tiếp xúc với thi thể đó là những ngày mới chuyển về Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an TP.HCM. Lần đó, đội của Phương nhận nhiệm vụ cứu nạn vụ tai nạn giao thông giữa xe container và xe tải tại chân cầu Phú Mỹ. Vụ tai nạn đã làm 3 người chết, trong đó tài xế và phụ xe bị kẹt trong cabin máu me bê bết. Vừa đến nơi, anh em đồng nghiệp đều nhanh chóng lao vào để tìm cách đưa người mất ra bên ngoài. Lần đầu tiên tiếp xúc với thi thể, Phương cảm thấy vô cùng sợ hãi, cứ tưởng mình sẽ không thể tiếp tục công việc này nhưng có điều gì đó thôi thúc bản thân mình mà chính Phương cũng không thể lý giải, vậy là chàng trai cứ thế mà tiếp tục cố gắng.
Anh Phương lặn tìm phần thi thể của người mất tại cống thoát nước ở Nhà Bè
Từ những vụ đơn giản, Phương dần dấn thân vào những vụ lớn hơn, có những vụ chỉ kể lại thôi cũng đủ làm người nghe lạnh sống lưng, thậm chí bỏ chạy ngay tức khắc nếu gặp phải. Điển hình như vụ đưa thi thể của một người từ cống lên bờ ở huyện Nhà Bè, lúc này, thi thể đã phân hủy nặng, chỉ có một phần được nổi lên mặt nước, phần còn lại đã bị chìm xuống mặt nước. Để đưa thi thể lên, Phương và đồng nghiệp phải đích thân xuống ống cống và dùng đôi tay của mình vớt từng bộ phận của người mất. Phương chia sẻ: “Cống nhỏ nên mỗi lần xuống chỉ được một chiến sĩ nên anh em thay phiên thực hiện nhiệm vụ. Khi chạm vào thi thể thì từng bộ phận cứ rã ra, mình chạm được phần lưng thì phần chân bị đứt và chìm xuống nước, do đó sau khi đưa được một phần ra khỏi ống cống, mình và đồng nghiệp lại tiếp tục tìm phần còn lại. Những vụ như thế này hơi đáng sợ nhưng khi thấy người thân của họ khóc lóc, kỳ vọng vào mình thì mọi nỗi sợ đều tan biến, thay vào đó là động lực để mình có thể giúp người thân của họ được an ủi phần nào, người mất cũng được về bên cạnh người sống” – Phương bộc bạch.
Anh Phương kiểm tra lại bình lặn trước khi thực hiện nhiệm vụ
Bằng sự tâm huyết, lòng yêu nghề, Phương được lãnh đạo và đồng nghiệp tín nhiệm, luôn đề cử anh tham gia những “phi vụ” lớn, khó khăn. Như cuối năm 2019, tại tỉnh Cao Bằng, một nam thanh niên ở thôn Cả Pooc, xã Mã Pa (huyện Hà Quảng) mất tích bí ẩn. Nhận lệnh, Phương và 6 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường. Đây là một vụ vừa khó vừa nguy hiểm cho lính cứu nạn, cứu hộ bởi người này bị rơi xuống hang Cốc Chia rất hẹp và thẳng đứng. Khi vào hang, bộ đàm và các thiết bị thông tin đều không thể liên lạc ra ngoài. Với địa hình phức tạp như vậy, việc tiếp cận vào hang rất khó khăn, có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Sau gần 3 ngày nỗ lực tìm kiếm, Phương và đồng nghiệp đã tìm thấy thi thể nạn nhân ở độ sâu cách miệng hang hơn 200m. Việc tìm kiếm đã khó, quá trình đưa hài cốt nạn nhân ra ngoài còn gian nan hơn. Do hang có nhiều đoạn rất hẹp, thẳng đứng, nên để di chuyển ra khỏi hang an toàn, các chiến sĩ phải chui, bò, đu dây, đặc biệt không ít lần phải dùng tay điều chỉnh kích thước bao đựng hài cốt. “Đây là vụ khó nhất mà mình cùng với đồng nghiệp thực hiện vì địa hình trơn trượt, dốc đá, hang lại sâu, nếu lỡ có chuyện gì thì thi thể người mất sẽ mãi mãi không thể lên được, người thân của họ sẽ rất đau buồn” – chàng trai 9X chia sẻ.
Luôn trong tư thế sẵn sàng
Với những đóng góp thầm lặng, Phương đã cùng đồng đội vinh dự nhận giấy khen của Cục trưởng Cục Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ vì đã có thành tích xuất sắc trong việc trực tiếp chi viện, thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ tại tỉnh Cao Bằng; giấy khen của Giám đốc Công an TP.HCM vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác cứu nạn, cứu hộ. Phương cũng là gương mặt điển hình nhận danh hiệu Công dân trẻ tiêu biểu năm 2020 do Thành đoàn TP.HCM tổ chức. |
Trong suốt gần 5 năm gắn bó với nghề, chưa có đêm giao thừa nào Phương được đón cùng gia đình vì phải “cắm trại” tại đơn vị và sẵn sàng lên đường khi người bị nạn cần giúp. Theo Phương, làm công việc cứu hộ, cứu nạn người cán bộ, chiến sĩ phải luôn trong tư thế sẵn sàng để khi có sự cố mình chỉ được chuẩn bị trong vòng 1 phút. “Những vụ xảy ra vào ban đêm, khi nhận được thông báo là anh em chỉ kịp gom bộ đồ bảo hộ rồi lên xe mặc chứ không được rề rà, tìm kiếm bởi cứu người như cứu hỏa. Nếu chậm một phút thôi là tính mạng của người bị nạn khó đảm bảo vì vậy làm lính cứu hỏa phải chấp nhận hy sinh bản thân” – Phương nói.
Đã không biết bao nhiêu lần đối mặt với hiểm nguy nhưng với Phương, mỗi khi cứu được một người thoát nạn hay tìm được thi thể của những người xấu số về cho gia đình là động lực to lớn để anh tiếp tục với công việc đem lại niềm an ủi tinh thần cho gia đình các nạn nhân xấu số, giúp các vụ án được đưa ra ánh sáng. “Có những hôm được nghỉ trực về nhà với gia đình nhưng có lệnh mình vẫn phải chạy vào tiếp sức, bởi bản thân mình không cho phép được sung sướng nếu người khác đang gặp nạn. Mình nghĩ, tuổi trẻ là phải cống hiến, phải làm đẹp cho đời cái đã, mọi thứ cứ tạm gác lại” – Phương suy nghĩ như vậy.
Hồ Trinh
Bình luận (0)