Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Đến vùng sa mạc “giả” nhất thế giới, hình thành từ sự vô trách nhiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Đến nay nơi này đã trở thành điểm tham quan thu hút khách du lịch, nhưng đồng thời đây cũng là lời cảnh báo về việc sử dụng nguồn tài nguyên đất đai vô trách nhiệm.
Ngoài những sa mạc con người từng biết, trên trái đất còn có các vùng đất được gọi là "giả sa mạc". Chúng vốn là những vùng đất từng một thời trù phú, giàu dinh dưỡng với lượng mưa lớn. Nhưng do bị tác động từ nhiều phía khiến chúng biến đổi thành sa mạc khô cằn, nóng bức. Sa mạc Maine ở thị trấn Freeport (Mỹ) là một trong số đó.
Nơi này vốn là một bãi cát và phù sa trải dài trên diện tích khoảng 160.800 m2. Dù thực tế nó không phải là một sa mạc đúng nghĩa bởi bang Maine có lượng mưa lớn và thảm thực vật xung quanh xâm lấn vào các cồn cát cằn cỗi. Thêm nữa, cát ở đây không phải là cát sa mạc mà thực chất là cát phù sa của một sông băng cổ xưa.
Theo các chuyên gia, cát và phù sa ở đây đã tồn tại ít nhất hàng chục nghìn năm kể từ khi các sông băng bao phủ Maine. Đất đá và đá cuội dần hình thành cát khi chúng rút đi trong kỷ băng hà cuối cùng. Nhưng chính những tác động của con người đã khiến nơi này trở lại hiện trạng của hơn 100 năm trước.
Từ một vùng đất màu mỡ đã biến thành sa mạc Maine của ngày nay do việc sử dụng đất thiếu trách nhiệm của con người
Câu chuyện về sa mạc Maine bắt đầu từ năm 1797 khi một người định cư có tên William Tuttle tới mua một khu đất rộng 300 mẫu Anh bên cạnh thị trấn Freeport. Ông đã dùng mảnh đất màu mỡ này để xây dựng trang trại sản xuất quy mô gia đình và bắt đầu chăn nuôi gia súc. Con cháu nhà Tuttle cũng đa dạng hóa việc kinh doanh gia đình nhờ bán len cừu cho các nhà máy dệt.
Do sử dụng tài nguyên đất không trách nhiệm, luân canh cây trồng và chăn nuôi thiếu hợp lý, gia đình nhà Tuttle đã làm cạn kiệt nguồn dinh dưỡng của đất khiến mọi thứ ngày càng tồi tệ hơn. Một ngày nọ, gia đình phát hiện thấy mảng cát nhỏ có kích thước chỉ bằng chiếc đĩa xuất hiện trên mảnh đất của mình. Chẳng ai ngờ khởi đầu này cũng là sự kết thúc của họ.
Dù cố gắng chống lại hiện tượng đất đai bị xói mòn nhưng mảng cát kia vẫn tiếp tục mở rộng và rồi "nuốt chửng" đồng cỏ chăn nuôi của họ. Cuối cùng, không còn lựa chọn nào khác, gia đình Tuttle phải bỏ lại cơ nghiệp để đi nơi khác.
Sự "đầu hàng" của nhà Tuttle chỉ là khởi đầu cho việc hình thành sa mạc Maine. Năm 1919, một thương nhân có tên Henry Goldrup đã mua lại trang trại với giá 300 USD. Sau đó, ông đã biến nơi này thành điểm du lịch hấp dẫn đón khách tới tham quan.
Đoàn du khách nhí tới tham quan.
Sau khi mua lại, vị doanh nhân này đã tìm mọi biện pháp chống lại hiện tượng "sa mạc hóa" nhưng đều vô ích.
Năm 1935, một ngôi nhà được xây dựng ở đây, nhưng đến nay nó đã nằm dưới lớp cát sâu 2,4 m. Một số cây thông trồng trước đó cố thích nghi với mảnh đất đang dần cằn cỗi, nhưng cuối cùng cũng phải "đầu hàng". Hiện tại, hàng thông này chỉ còn lộ phần ngọn. Thân còn lại của chúng nằm vùi dưới lớp cát sâu 15m và phù sa.
Dù tới nay, sa mạc Maine đang là một trong những điểm thu hút khách du lịch của bang, nhưng nó cũng là lời cảnh báo con người nếu sử dụng đất thiếu trách nhiệm. Chăn thả quá mức, luân canh cây trồng kém là những vấn đề nghiêm trọng, kèm theo biến đổi khí hậu trở thành nguy cơ đẩy nhanh quá trình sa mạc hóa ở các khu vực đất đai màu mỡ.
Huy Hoàng (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)