Nằm về phía Tây tỉnh Quảng Trị, với các công dân Lào được nhập quốc tịch Việt Nam sau quá trình sinh sống, kết hôn ở miền biên giới này, việc lần đầu tiên được đi bầu cử không chỉ thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của công dân…
Lực lượng biên phòng tuyên truyền cho bà con biên giới về bầu cử. Ảnh: P.Lệ
Hơn 750 người mới nhập quốc tịch được đi bầu cử
Anh Hồ Văn Ven, ở thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi (huyện Hướng Hóa) hồ hởi nói: “20 năm rồi tôi chưa được đi bầu cử lần nào. Nay tôi được cán bộ, chiến sĩ biên phòng Đồn Biên phòng Ba Tầng và cán bộ tư pháp xã đến tuyên truyền, tôi và gia đình đã hiểu về công tác bầu cử. Đây là lần đầu tiên tôi được tự bỏ lá phiếu chọn ra người cán bộ có tâm và tầm để giúp dân phát triển, nâng cao đời sống”.
Anh Ven được nhập quốc tịch Việt Nam từ năm 2019. Sau khi được nhập quốc tịch, anh được cấp đất, phát thẻ bảo hiểm y tế, được hưởng nhiều chế độ, chính sách của đồng bào dân tộc thiểu số theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Không riêng anh Ven, tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông có 756/855 người Lào được nhập quốc tịch Việt Nam. Kỳ bầu cử này, lần đầu tiên các công dân trên sẽ được thực hiện quyền và nghĩa vụ của một cử tri.
Để đảm bảo bà con hiểu, nắm được các quyền bầu cử, các đơn vị chức năng, nhất là lực lượng vũ trang đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền.
Tại huyện miền núi Hướng Hóa, lực lượng biên phòng đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Hướng Hóa, các cấp chính quyền… tăng cường tổ chức các buổi truyền thông về tận thôn bản, đến từng hộ gia đình đồng bào thiểu số. Hội đồng giáo dục pháp luật huyện phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND; trong đó tập trung mạnh vào đối tượng dân di cư tự do, kết hôn không giá thú và những đối tượng đã được nhập quốc tịch Việt Nam.
Trung tá Trần Đức Tứ – chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị – cho biết: “Đồn Biên phòng Ba Tầng đã phối hợp chặt chẽ với địa phương tổ chức tập huấn cho các thành viên trong tổ bầu cử với các hình thức tuyên truyền thông qua họp dân, phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa của đơn vị và địa bàn. Chúng tôi cử lực lượng phối hợp với công an, quân sự xã tổ chức tuần tra lưu động trên địa bàn đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau khi diễn ra bầu cử”.
Tại huyện Đakrông do địa hình hiểm trở, có 96 người di cư tự do được nhập quốc tịch Việt Nam, việc phổ biến công tác bầu cử cho bà con rất được chú trọng.
Phòng Tư pháp huyện Hướng Hóa phối hợp với lực lượng biên phòng tuyên truyền về bầu cử cho cư dân vùng biên giới. Ảnh: P.Lệ
Ông Thái Ngọc Châu – Chủ tịch UBND huyện Đakrông – cho biết, đến nay toàn huyện cơ bản bám sát đúng quy trình và thời gian của Ủy ban Bầu cử quốc gia, mọi công tác chuẩn bị được sẵn sàng, kể cả việc xác nhận cấp thẻ cử tri cho cư dân biên giới. Huyện bố trí 77 tổ bầu cử tại 77 khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thực hiện tốt chính sách đối với nhân dân vùng biên giới
Quảng Trị có hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa có đường biên giới giáp nước bạn Lào. Tổng cộng có khoảng 30.000 cử tri trong diện đi bầu cử. Đa phần là người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.
Thượng tá Phạm Hồng Hải – Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Quảng Trị – nhìn nhận, thực tiễn cho thấy khi tình hình di cư tự do diễn ra nhiều sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý cư trú, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Bên cạnh đó, địa hình miền núi đi lại phức tạp, phong tục tập quán sinh hoạt có những đặc điểm riêng ít nhiều ảnh hưởng đến công tác bầu cử. Từ thực tế này, Công an tỉnh nói chung và Công an huyện Hướng Hóa, Đakrông nói riêng đã chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới biết được tầm quan trọng của việc bầu cử…
QUẢNG TRỊ CÓ 10 NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ 85 NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU HĐND Thông tin từ Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua, việc thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn tỉnh đã được triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ trên các nội dung, bảo đảm tiến độ đề ra. Đặc biệt, tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba đã lựa chọn, thống nhất lập danh sách số lượng ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại tỉnh Quảng Trị gồm 10 người, trong đó, địa phương có 8 người và 2 người do Trung ương giới thiệu; ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 85 người. P.V |
Thời gian tới lực lượng công an các cấp, nhất là công an cấp cơ sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan, ban, ngành địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương về công tác bầu cử tại nơi cư trú. Tăng cường công tác rà soát, quản lý hộ khẩu địa bàn vùng biên, tiếp tục phối hợp Sở Tư pháp nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ nhập quốc tịch đối với những người di cư tự do hoặc có trả lời về các trường hợp còn lại chưa có quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam để chủ động trong việc triển khai công tác đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu, căn cước công dân bảo đảm yêu cầu và thời gian đã đề ra. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp các cơ quan chức năng rà soát, lập danh sách cụ thể các trường hợp công dân là cử tri để phục vụ tốt công tác bầu cử tại địa phương. Tham mưu vận dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức tổ chức bầu cử phù hợp tình hình, đặc điểm dân cư, địa bàn vùng biên như: sử dụng kết hợp các hình thức bỏ phiếu cố định và lưu động… Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và các cơ quan chức năng địa phương nước bạn Lào để giải quyết tốt các chính sách dân cư tại vùng biên, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và thực hiện tốt chính sách đối với nhân dân vùng biên giới.
Phan Lệ
Bình luận (0)