Nhằm hỗ trợ người lao động mất việc hoặc giảm giờ làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, các tổ chức, trường nghề đã tổ chức nhiều khóa học bồi dưỡng, cập nhật kỹ năng nghề miễn phí để người lao động chuyển đổi công việc.
Trước tác động của dịch Covid-19, người lao động rất cần được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề để chuyển đổi công việc
Theo các chuyên gia lao động việc làm, từ năm 2020 đến nay, nền kinh tế thế giới chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19 và dự báo còn kéo dài với nhiều biến động khó lường. Việt Nam cũng không ngoại lệ, mặc dù Chính phủ đang nỗ lực với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nhưng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thị trường lao động trong nước đã và đang đối mặt với nhiều thách thức, đáng chú ý là tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng.
Chăm lo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19
Từ thực tế lao động thất nghiệp tăng, các chuyên gia cảnh báo nếu không được trang bị, cập nhật kỹ năng nghề cũng như hỗ trợ học nghề để chuyển đổi, thích ứng với điều kiện mới thì tỷ lệ thất nghiệp của lao động Việt Nam càng tăng mạnh, đặc biệt là trong nhóm lao động kỹ thuật trình độ sơ cấp, trung cấp.
Ông Frank Schulze (đại diện Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức – GIZ) cho biết Chính phủ Đức đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực đào tạo nghề cũng như an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Để chung tay góp phần hỗ trợ người lao động Việt Nam thất nghiệp hoặc lao động phổ thông chuyển đổi công việc và có việc làm ổn định, từ năm 2020, thông qua chương trình đào tạo nghề tại Việt Nam, GIZ đã có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề miễn phí cho người lao động. Cụ thể, ở phía Nam, cuối năm 2020, GIZ và Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2 đã tổ chức chương trình đào tạo nghề miễn phí cho gần 130 học viên. Những học viên này là lao động chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Khánh Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2) cho biết chương trình miễn phí này có 4 nghề được đào tạo trong thời gian 3 tháng, gồm: Cơ khí xây dựng; lắp đặt vận hành và bảo trì hệ thống điện khí nén; kỹ thuật gia công cơ khí; kỹ thuật lắp đặt điện và điều khiển tự động hóa.
Được biết, sau khóa học này, Trường CĐ Công nghệ Quốc tế Lilama 2 đã được Chính phủ Đức và Pháp tài trợ vốn ODA đầu tư trang thiết bị dạy và học, đào tạo đội ngũ giảng viên và chuyển giao chương trình đào tạo. Ông Frank Schulze đánh giá, tại khóa học, các học viên được trang bị nhiều kiến thức, cập nhật kỹ năng đảm bảo cho chuyển đổi nghề và có việc làm phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Theo thống kê, 100% học viên theo học các nghề trên đã có việc làm với mức lương trung bình 12 triệu đồng/tháng ngay sau khi hoàn thành chương trình. Trong số này, có một số học viên trước đây đã có việc làm nhưng do doanh nghiệp gặp khó khăn phải giảm giờ làm, một số phải cho lao động nghỉ việc không lương. Anh Đặng Thanh Sơn (học viên học nghề lắp đặt vận hành và bảo trì hệ thống điện khí nén) chia sẻ: “Chương trình đã hỗ trợ người học nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực hành. Với những người đã từng học nghề nhưng chưa có việc làm như mong muốn hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì chương trình này là cơ hội để các bạn chuyển đổi công việc, ổn định cuộc sống. Tôi mong rằng sẽ có nhiều khóa học như thế này để hỗ trợ người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp”.
Đồng hành với người lao động
Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cũng vừa khai giảng chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghề dành cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, chương trình thu hút gần 200 học viên, học các chuyên đề: Thiết kế quảng cáo (photoshop); thực hành khai và báo cáo thuế; lắp ráp, cài đặt máy vi tính và tin học văn phòng; quản trị hạ tầng mạng; lắp đặt – bảo dưỡng máy điều hòa không khí; thiết kế – thi công LED quảng cáo công nghiệp; đấu tủ điện – lập trình PLC; lắp đặt điện công nghiệp – dân dụng; ứng dụng Excel trong kế toán; lập trình ứng dụng IoT; thiết kế 3D; vận hành máy CNC cơ bản; kỹ thuật chăm sóc xe cơ bản/sơn xe; tiếng Anh cho dịch vụ khách hàng… Trong đó, các chuyên đề có đông người lao động đăng ký học như: Thiết kế quảng cáo (35 học viên), thực hành khai báo thuế (25 học viên)… TS. Lê Đình Kha (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) cho biết đây là chương trình thiện nguyện “Cao Thắng vì cộng đồng” được nhà trường và các đối tác thực hiện, nhằm hỗ trợ người lao động mất việc hoặc giảm giờ làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể chuyển đổi hoặc cập nhật kỹ năng nghề để tìm lại việc làm.
Anh Lê Công Danh (học viên theo học chuyên đề lắp đặt điện công nghiệp – dân dụng) chia sẻ, khi có thông báo về chương trình này tôi đã đăng ký học ngay. Đây là cơ hội để tôi cập nhật kỹ năng nghề cũng như bổ sung kiến thức chuyên môn cho công việc chuyển đổi sắp tới.
Bài, ảnh: Trần Tri
Bình luận (0)