Gần hai năm kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, công nghệ giáo dục đã thay đổi hoàn toàn cách học. Từ việc xuất phát là con số không, hoàn toàn xa lạ, phương pháp giáo dục trực tuyến hiện nay đã trở thành phương pháp hữu hiệu nhất để kiến thức được tiếp tục truyền tải đến học sinh với phương châm “tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học”.
Đây là thời cơ chín muồi để ngành GD-ĐT TP.HCM thực hiện tốt chuyển đổi số. Trong hình, tiết học của học sinh Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM)
Trong bối cảnh này, ngành GD-ĐT TP.HCM xác định, đây chính là thời điểm “chín muồi”, thích hợp nhất để toàn ngành thực hiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt nhiệm vụ chuyển đổi số giáo dục. Nhiều giải pháp, sáng kiến, đề án đã được toàn ngành mạnh dạn triển khai, tiến tới chuyển đổi một cách đồng bộ về nhận thức, hạ tầng cơ sở, hệ thống trường lớp, cho đến năng lực đội ngũ, chủ động phân cấp phân quyền, tăng tính chủ động cho từng cơ sở giáo dục…
Hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số giáo dục
Ngay ở thời điểm HKII năm học 2019-2020, khi các đơn vị, cơ sở giáo dục tại TP.HCM bước đầu mới tập huấn, học hỏi và mày mò thay đổi từ phương thức giáo dục truyền thống sang thích ứng với phương thức giáo dục tương tác qua các phương tiện, ứng dụng CNTT, ThS. Thái Chương (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã cho rằng, đây là điều kiện thuận lợi để từng giáo viên, nhà trường chuyển đổi số. Theo ThS. Chương, trước đây, các khái niệm về dạy và học trực tuyến; kiểm tra đánh giá học sinh trực tuyến; phòng họp trực tuyến… đều là những thuật ngữ xa lạ, thậm chí ở nhiều người còn cho là hoang đường và không thiết thực thì hiện nay, tất cả các khái niệm này đang được từng bước triển khai, hiện thực hóa tại các nhà trường theo những cách thức khác nhau, phụ thuộc vào sự mạnh dạn cũng như tính chủ động của mỗi cơ sở giáo dục, mỗi giáo viên… “Để quá trình chuyển đổi số được hiệu quả và đồng bộ thì ngành giáo dục cần phải hình thành được một hệ sinh thái giáo dục trong chuyển đổi số, bao gồm không chỉ là cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng cơ sở mà còn là nhận thức “chín muồi” của đội ngũ giáo viên, phụ huynh, học sinh và xã hội, kỹ năng sử dụng CNTT…”.
Nhìn lại quá trình tự chuyển mình thích ứng với dịch Covid-19 của giáo dục TP.HCM, nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục khẳng định, chỉ khi hình thành được một hệ sinh thái giáo dục trong chuyển đổi số thì mới tạo ra sức bật cao, “chạm” được đến những mục tiêu trong giáo dục: đổi mới giáo dục; hình thành kỹ năng của công dân toàn cầu thế kỷ 21, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. “Sau gần 2 năm tự chuyển mình, rõ ràng, TP.HCM đã và đang dần hình thành được một hệ sinh thái giáo dục trong chuyển đổi số. Các nhà trường đã rất mạnh dạn, chủ động xã hội hóa, xây dựng phân cấp phân quyền, hoàn thiện cả về nhận thức đội ngũ, phụ huynh, học sinh cho đến nền tảng cơ sở vật chất… Đến thời điểm này, dạy học trực tuyến đã không còn là rảo cản đối với thầy trò nhà trường”, ThS. Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) nhìn nhận.
Ở vai trò là một chuyên gia giáo dục độc lập, có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục quốc tế, ông Bùi Khánh Nguyên – chuyên gia giáo dục độc lập (hiện đang tư vấn cho Tập đoàn giáo dục EQuest Group) nhận định, với tác động của dịch Covid-19, học tập trực tuyến trở thành phương pháp giáo dục quen thuộc của ngành giáo dục. Tuy nhiên, vẫn có nhiều phụ huynh tỏ ra nghi ngại trước tính hiệu quả của phương pháp học trực tuyến khi băn khoăn việc con khó tập trung, tính tương tác giữa thầy và trò không cao, con không có môi trường giao lưu bạn bè. Chuyên gia này đánh giá, những khó khăn của học sinh Việt Nam gặp phải trong quá trình học trực tuyến không đến từ bản chất phương pháp học trực tuyến mà phần lớn do tâm lý và kỹ năng học tập của học sinh chưa thay đổi để thích ứng kịp. “Một công dân toàn cầu ngày nay có thể học 2-3 bằng đại học, rất nhiều chứng chỉ chuyên môn và học suốt đời để luôn theo kịp thời đại mới. Nếu giáo dục Việt Nam không hỗ trợ hình thành và xây dựng từ sớm kỹ năng học trực tuyến cho học sinh thì đến khi trưởng thành sẽ khó thích ứng kịp với những thay đổi của nền giáo dục, khó có thể làm việc hiệu quả trong thế kỷ 21”.
Quyết tâm đột phá với nhiều đề án
TP.HCM là địa phương luôn tiên phong, mạnh dạn xây dựng nhiều đề án, chương trình mang tính đột phá về giáo dục đào tạo. Nhiều đề án đã và đang triển khai có hiệu quả, góp phần thay đổi và tạo ra những điểm son cho ngành, như: Đề án xây dựng “Trường học thông minh – Trường học không dùng tiền mặt”; Đề án xây dựng thư viện tiên tiến, hiện đại; Đề án trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế. Mới đây nhất là đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn quốc tế, giai đoạn 2021-2030”.
Trong kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số của ngành GD-ĐT TP.HCM giai đoạn 2021-2025 mới đây, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM khi đó là ông Lê Hồng Sơn đã thẳng thắn chỉ rõ 6 nhiệm vụ ưu tiên với lộ trình thực hiện từng năm. Đồng thời nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay chính là “thời cơ chín muồi” để toàn ngành thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng hệ sinh thái số. Cùng với đó còn là các nhiệm vụ về phát triển chính quyền số của ngành; đẩy mạnh triển khai đề án “Trường học thông minh – Trường học không dùng tiền mặt”; tiếp tục triển khai đề án “Xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại”; xây dựng nền tảng số nâng cao hiệu quả hoạt động dạy – học trực tuyến; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành. Mục tiêu chung được ngành GD-ĐT TP.HCM hướng tới là nâng cao, thống nhất nhận thức trong cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và toàn xã hội, hỗ trợ người học và xã hội dễ dàng tiếp cận các dịch vụ giáo dục, được học tập, nâng cao trình độ liên tục, suốt đời.
Tầm nhìn đến năm 2025, ngành GD-ĐT TP.HCM kỳ vọng, chuyển đổi số giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành để có thể đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, chất lượng quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và TP, làm nền tảng cho TP phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, tận dụng tốt thời cơ CMCN lần thứ 4.
Sở GD-ĐT TP.HCM nhận định, chuyển đổi số sẽ giúp ngành GD-ĐT TP đạt được nhiều thay đổi cốt lõi, từ cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành; thay đổi cách tiếp nhận các dịch vụ giáo dục truyền thống sang các dịch vụ giáo dục số nền tảng là dữ liệu số; thúc đẩy đầu tư vào số hóa dữ liệu và ứng dụng CNTT, truyền thông một cách mạnh mẽ; tăng khả năng sử dụng, kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu. Đặc biệt là giúp đa dạng hơn nữa các hình thức, giải pháp “học ở mọi lúc, mọi nơi”, hướng tới xây dựng xã hội học tập.
Từ điều kiện thực tế triển khai trong suốt gần 2 năm kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, ngành GD-ĐT TP.HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục ứng dụng CNTT trong quản lý, quản trị đồng bộ với hệ thống dữ liệu của ngành. 100% đơn vị, cơ sở giáo dục được kết nối đường truyền băng thông rộng đủ để triển khai hiệu quả các ứng dụng trực tuyến trên môi trường internet; 100% học sinh, sinh viên TP được tiếp cận với internet và kho học liệu trực tuyến, hoàn thành cổng thư viện số và hệ thống dạy học trực tuyến…
Phương Yên
Bình luận (0)