Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) là lời tuyên bố của cơ sở giáo dục tới các bên liên quan (học sinh, sinh viên, phụ huynh, nhà tuyển dụng, Chính phủ, xã hội…) về hiện trạng chất lượng giáo dục của trường.
KĐCLGD là cơ sở vững chắc và dễ dàng nhất về lâu dài khi lựa chọn chương trình đào tạo
Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Luật Giáo dục đại học 2012 quy định rõ các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện đánh giá chất lượng cũng như kiểm định ngay sau khi chương trình có khóa đầu tiên tốt nghiệp. Các trường có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho người học cũng như chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, nếu không sẽ không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định.
Trên thực tế, kiểm định chất lượng có thể được triển khai ở hai cấp: cấp cơ sở đào tạo (CSĐT) hay còn gọi là cấp trường – đánh giá phủ rộng các mặt hoạt động của CSĐT, tập trung nhiều vào sứ mạng, mục tiêu, chiến lược, quản trị và quản lý, đánh giá các nguồn lực như cơ sở vật chất trên phạm vi toàn trường; và cấp chương trình đào tạo (CTĐT) – đánh giá tập trung sâu vào CTĐT và quá trình đào tạo. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng ở hai cấp này dựa trên Bộ tiêu chuẩn do Bộ GD-ĐT ban hành và Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á), hoặc các bộ tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được Bộ GD-ĐT công nhận.
Hiện nay, cả nước có 5 trung tâm KĐCLGD trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Trường Đại học Vinh. Ngoài ra, hai trung tâm tư nhân là Trung tâm KĐCLGD Sài Gòn trực thuộc Công ty CP Đầu tư Giáo dục TP.HCM và Trung tâm KĐCLGD Thăng Long trực thuộc Công ty CP Đầu tư Giáo dục Hà Nội cũng mới được cấp phép thành lập.
Các chương trình đào tạo đại học cần có kiểm định chất lượng để xác nhận được mức độ đáp ứng đối với mục tiêu giáo dục và việc làm trong từng giai đoạn
Trên thế giới thì các đơn vị KĐCLGD uy tín có thể kể đến như ASIIN, ACQUIN của Đức, AAQ của Thụy Sỹ, hoặc AACSB của Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, nhiều đơn vị cũng sử dụng các kiểm định quốc tế tùy theo chiến lược và định hướng phát triển. Ví dụ như Trường Đại học Việt Đức, nhà trường thực hiện các kiểm định quốc tế như kiểm định ASIIN (Đức) đối với ngành kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật điện và máy tính, tính toán kỹ thuật và mô phỏng máy tính, cơ điện tử và công nghệ cảm biến. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thực hiện các kiểm định quốc tế khác như kiểm định ACQUIN: Khoa học máy tính, Kỹ thuật cơ khí, Hệ thống thông tin doanh nghiệp, An ninh thông tin; Kiểm định AACSB: Quản trị kinh doanh, tài chính và kế toán; Kiểm định AAQ: Phát triển đô thị bền vững, Công nghệ tái sử dụng và quản lý nước. Những kiểm định này đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho nhà trường mà cả sinh viên.
Lợi ích của kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Về phía nhà trường
KĐCLGD giúp các trường đại học có cơ hội xem xét lại toàn bộ hoạt động của mình một cách có hệ thống để từ đó điều chỉnh các hoạt động theo một chuẩn mực nhất định. Kiểm định chất lượng sẽ không tạo ra chất lượng ngay cho mỗi đơn vị, mà nó là tấm gương phản ánh toàn bộ thực trạng của nhà trường, giúp cho các nhà quản lý nhìn nhận những mặt mạnh, mặt yếu của đơn vị mình để từ đó có bước hành động tiếp theo phù hợp nhằm cải tiến liên tục chất lượng giảng dạy, học tập, dịch vụ, tất cả các mặt hoạt động của trường một cách có hệ thống.
Với sinh viên đang học và đã ra trường
Có bằng cấp được kiểm định là cơ sở quan trọng để sinh viên chứng minh trình độ học vấn và năng lực của mình đối với nhà tuyển dụng hay các chương trình học khác như thạc sĩ, tiến sĩ – tạo nên lợi thế quan trọng trên thị trường lao động, nhất là với các bạn chưa có kinh nghiệm. Ngược lại ở phía công ty hay trường đại học khi xét hồ sơ cũng dùng các chứng nhận kiểm định này cho bước sàng lọc ban đầu để đảm bảo chất lượng tuyển dụng đầu vào đạt ngưỡng phù hợp với yêu cầu. Đặc biệt là ở các công ty đa quốc gia khi tìm kiếm trên một thị trường lao động rộng lớn và phức tạp, thay vì tìm hiểu thang chất lượng ở từng khu vực, từng nước, thì các yếu tố kiểm định quốc tế được quy ước sẵn bởi các bên kiểm định thứ ba chính là chỉ mục phù hợp và tiện lợi nhất.
Với phụ huynh và học sinh tìm hiểu về trường
Giữa thời điểm giáo dục đại học nở rộ và đa dạng như hiện nay thì các giá trị đánh giá chất lượng đào tạo được công nhận là điều cần thiết để phụ huynh và học sinh có thể lựa chọn được chương trình học và trường đại học phù hợp cho mình. Việc chọn được trường có kiểm định chất lượng không chỉ đảm bảo môi trường giáo dục đạt chuẩn và cơ hội việc làm về sau, mà còn là thước đo phù hợp để đánh giá mức học phí và điểm xét tuyển đầu vào…
KĐCLGD theo tiêu chuẩn quốc tế đồng nghĩa sinh viên Đại học Việt Đức ra trường sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt trên thị trường lao động quốc tế
Kiểm định chất lượng là yếu tố quan trọng đối với ngành giáo dục. Dù là tiêu chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT hay tiêu chuẩn quốc tế của các tổ chức hàng đầu cũng cần được công bố rộng rãi và minh bạch để làm cơ sở đánh giá CSĐT và CTĐT. Hiện để tham khảo danh sách đạt kiểm định cả 2 cấp chính thức từ Bộ bạn có thể xem tại https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/khao-thi-va-kiem-dinh-chat-luong-giao-duc/Pages/Default.aspx. Hoặc tìm thông tin trực tiếp trên trang web của các trường như Đại học Việt Đức tại https://bitly.com.vn/fzf1ke.
PV
Bình luận (0)