Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM chăm sóc sức khỏe bệnh nhân hậu nhiễm Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tin này được đại diện Hội Đông y TP.HCM nêu ra tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.


Các đại biểu tham dự họp báo

Họp báo do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM tổ chức chiều 10-1. Ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM chủ trì họp báo.

Nhiều bệnh viện đã có phòng khám hậu Covid-19

Thông tin về chương trình chăm sóc sức khỏe bệnh nhân hậu nhiễm Covid-19, Bác sĩ CKII Huỳnh Nguyễn Lộc – Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM cho biết, Hội sẽ phối hợp với một số bệnh viện, trường đại học… triển khai thực hiện chương trình “Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu nhiễm Covid-19” với chủ đề “Sức khỏe nhân dân – Nụ cười thầy thuốc”.

Chương trình thực hiện qua 2 giai đoạn, từ ngày 16-1 đến ngày 29-4-2022, tại khu khám và điều trị ban ngày Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.

Giai đoạn 1, sẽ tổ chức chăm sóc sức khỏe, tặng quà cho người có công với cách mạng, đảng viên cao tuổi thuộc 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức.  Giai đoạn 2, tổ chức chăm sóc sức khỏe cho người dân có hoàn cảnh khó khăn hậu nhiễm Covid-19 thuộc 22 quận, huyện, TP.Thủ Đức.

Theo Hội Đông y TP.HCM, Covid-19 là một bệnh viêm đường hô hấp cấp, không chỉ tác động lên phổi mà còn gây ra những tác động đa dạng đến nhiều bộ phận, gây biến chứng phức tạp về sức khỏe cho người nhiễm và tác động không nhỏ đến tinh thần. Thực hiện chăm sóc sức khỏe bệnh nhân hậu nhiễm Covid-19 nhằm đánh giá mức độ hồi phục; đồng thời phát hiện ra các bệnh lý để kịp thời ngăn chặn các di chứng và tiếp nối các giai đoạn điều trị, đưa bệnh nhân trở lại trạng thái sức khỏe bình thường.

Về việc này, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, ngành y tế, các bệnh viện đã có phòng khám hậu Covid-19 để tư vấn, điều trị tâm lý, thể chất cho bệnh nhân.

Một số bệnh viện lớn thành lập khoa điều trị hậu Covid như: Nhi đồng 1 (khám cho trẻ em), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Y học Dân tộc, Phục hồi chức năng, Lê Văn Thịnh.

Tuyến Trung ương có Bệnh viện Chợ Rẫy, Thống Nhất, Đại học Y dược TP.HCM. “Sở Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng hình thành kế hoạch chăm sóc kịp thời hậu Covid-19 cho các bệnh nhân. Ngoài khám, điều trị các bệnh lý cụ thể còn chăm sóc tinh thần cho các đối tượng này”, bà Mai nói.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, tính đến 18 giờ ngày 9-1-2022, có 508.502 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 507.851 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 651 trường hợp nhập cảnh.

Hiện TP đang điều trị 4.602 bệnh nhân, trong đó có 91 trẻ em dưới 16 tuổi, 305 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 9-1 có 257 bệnh nhân nhập viện, 282 bệnh nhân xuất viện (nâng tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 312.091), 19 trường hợp tử vong trong ngày (nâng tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1-2021 đến nay là 20.126).

Tính đến ngày 9-1-2022, TP đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân được 8.064.485 mũi 1 và 7.195.917 mũi 2, 421.316 mũi bổ sung và 2.556.062 mũi nhắc lại.

Khoảng 7.500 học sinh tiểu học rút hồ sơ về quê

Tại họp báo, thông tin về phương thức dạy học thay đổi như thế nào trong điều kiện TP đã trở lại vùng xanh, ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh trên toàn TP thực hiện theo kế hoạch và chỉ đạo của UBNB TP.

Hiện nay, tại các quận huyện đang tổ chức cho học sinh từ lớp 7 trở lên học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, trừ lớp 6 trở xuống đang học trực tuyến. Bên cạnh đó, từ ngày 4-1, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm kỹ năng sống cũng được tổ chức dạy học trực tiếp. “Điều này đồng nghĩa với việc không phải cứ vùng xanh là tất cả học sinh đều đi học trực tiếp, tùy đối tượng phải thực hiện theo sự chỉ đạo của UBND TP”, ông Trọng nói.

Theo ông Trọng, Sở GD-ĐT đang tham mưu UBND TP cho học sinh lớp 6 trở xuống đi học trở lại. Cùng với đó, Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón học sinh trở lại học trực tiếp trong thời gian tới theo chỉ đạo của UBND TP.

Về việc tổ chức dạy học trực tiếp thực hiện theo cấp độ dịch của mỗi địa phương hay toàn TP?, ông Trọng cho hay, khi thay đổi cấp độ dịch sẽ thay đổi hình thức tổ chức dạy học. Việc này đã được Sở GD-ĐT triển khai các văn bản hướng dẫn cụ thể ngay  khi TP tổ chức dạy học trực tiếp trở lại cho học sinh lớp 9, 12. “Vì thế, khi thay đổi cấp độ dịch, các cơ sở giáo dục sẽ thay đổi hình thức tổ chức dạy học tương ứng. Điều này thể hiện sự linh hoạt trong việc tổ chức dạy học trực tiếp trong thời điểm TP đang phòng, chống dịch”.

Về số học sinh rút học bạ chuyển về quê, ông Trọng cho biết, hiện có khoảng 7.500 học sinh tiểu học thực hiện hồ sơ chuyển trường. Nếu sau này học sinh có nhu cầu trở lại TP học tập thì việc chuyển trường, chuyển tỉnh sẽ thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT. “Tuy nhiên, quan điểm của Sở GD-ĐT luôn tạo điều kiện cho phụ huynh có điều kiện chăm lo việc học của các em được tốt nhất và phù hợp với hoàn cảnh gia đình”.

N.Trinh

Bình luận (0)