Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

ADB giúp Việt Nam xây 95km đường hành lang ven biển phía nam

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

So sánh hạ tầng của Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB tại Việt Nam rút ra kết luận: Chỗ nào có tư nhân tham gia, chỗ đó phát triển.

Ngồi trên ôtô chạy dọc tuyến đường hành lang ven biển phía nam dài 1.000km, từ Bangkok (Thái Lan), qua Koh Kong, Sihanoukville (Campuchia) về Hà Tiên và Cà Mau (Việt Nam), đại diện một nhà tài trợ của Hàn Quốc nhận xét: "Cơ sở hạ tầng kém đang là trở ngại lớn cho sự tăng trưởng của Việt Nam".
Cây cầu do tư nhân đầu tư xây dựng ở Koh Kong – Campuchia.
Đa dạng hoá phát triển kinh tế khu vực
Chỉ vài chục mét sau khi vượt qua khu vực giải quyết thủ tục nhập cảnh khá tuyềnh toàng ở cửa khẩu Koh Kong (Campuchia), một khu nghỉ dưỡng cao cấp lộng lẫy đã hiện ra tại vùng giáp biên với Thái Lan. Thoạt nhìn, chẳng ai nghĩ sẽ có du khách lên tận vùng biên giới này để hưởng thụ.
Vậy mà mới 8 giờ sáng, vùng đồi núi yên tĩnh ở Koh Kong bị đánh thức bởi tiếng gọi nhau í ới. 2 chiếc xe 45 chỗ đổ đầy du khách Thái Lan xuống sảnh. Khu vực sòng bạc của Koh Kong Resort bị lấp kín ngay lập tức. Các bà, các chị các ông mau chóng ổn định và bắt đầu mở hầu bao sà vào các máy đánh bạc điện tử. Họ ngồi lì ở đó cho tới tận chiều. Bữa trưa đã có nhà hàng phục vụ.
Nằm cách thủ đô Bangkok Thái Lan 400km, nhưng với tuyến đường bộ cực tốt trên lãnh thổ Thái Lan, chỉ mất 4 giờ xe chạy, những ai thích trò đỏ đen đã có thể thoả chí thử vận may ở vùng biên giới với Campuchia. Các nhà đầu tư tư nhân của Campuchia đã khôn khéo tận dụng lợi thế về hạ tầng của Thái Lan để tìm kiếm lợi nhuận. Đường sá nối thủ đô Phnom Penh với Koh Kong cũng được tư nhân đầu tư nâng cấp nhiều.
Bangkok – Koh Kong là hai điểm nằm trên dự án hành lang kinh tế ven biển phía nam do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khởi xướng và điều phối. Tuyến đường kéo dài khoảng 1.000 km dọc theo vịnh Thái Lan, kết thúc tại Cà Mau.
Ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB tại VN cho biết, dự án sẽ góp phần đa dạng hóa phát triển kinh tế khu vực dọc theo hành lang ven biển phía nam bằng cách giảm chi phí giao thông và thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa và hành khách giữa các nước thuộc tiểu vùng sông Mêkông, đồng thời kết nối giữa các vùng nông thôn với các trung tâm tỉnh lỵ.
Dự án đường hành lang ven biển phía nam chạy qua hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau có tổng chiều dài 220km, trong đó đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài 166,8km. Đây được coi là dự án đường bộ quy mô lớn mang tính chất liên quốc gia, tạo ra con đường giao thông kết nối các nước thuộc tiểu vùng Mêkông mở rộng, đánh thức và khơi dậy nhiều tiềm năng kinh tế, du lịch to lớn của khu vực này.
Đi bằng đường bộ dọc tuyến hành lang kinh tế ven biển phía nam, có thể nhận thấy rõ sự phát triển về hạ tầng của Thái Lan. Nước này không nhận sự hỗ trợ của ADB, nhưng đã biết khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng. 400km nối từ Bangkok tới Koh Kong đều trải nhựa phẳng lỳ, với tốc độ xe chạy đạt trung bình 100km/h. Để chạy đoạn còn lại trên lãnh thổ Campuchia và Việt Nam mất gấp đôi thời gian, đấy là chưa kể có sự hỗ trợ của cảnh sát.
Khuyến khích tư nhân tham gia
So sánh hạ tầng của Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB tại VN rút ra kết luận: Chỗ nào có tư nhân tham gia, chỗ đó phát triển. Ông Konishi dẫn trường hợp resort Koh Kong là một ví dụ. Nhà đầu tư đã bỏ tiền xây một cây cầu lớn bắc qua sông để nối tuyến Phnom Penh với Koh Kong. Theo ông Konishi, hiện ở VN, hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển chung trong giai đoạn 2001 – 2010 khoảng 60 tỉ USD, chiếm khoảng 8,4% so với GDP; trong đó chi cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng 50%. Rõ ràng là nguồn vốn của Chính phủ khó có thể đáp ứng hết được nhu cầu cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Các chuyên gia nhận định, sở dĩ VN chưa khuyến khích được tư nhân cùng tham gia đầu tư vào lĩnh vực này do quá trình phê duyệt và cấp phép còn nhiều phức tạp, mức thu hồi vốn thấp, vai trò trách nhiệm của bên nhà nước cũng như tư nhân còn thiếu rõ ràng.
Giám đốc ADB tại VN ông Ayumi Konishi cam kết, đầu tư phát triển mạng lưới giao thông sẽ là một trong những ưu tiên của ADB trong hợp tác với VN. Theo ông Konishi, hiện ADB đang tiếp tục khảo sát bổ sung đoạn từ cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, dọc theo QL 80 về đến thành phố Rạch Giá, dài khoảng 95km. "Quá trình đấu thầu đang được thực hiện và sẽ hoàn tất cuối năm sau", ông Konishi nói.
Ông Bùi Ngọc Sương – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – cho biết, đoạn đường đi qua Kiên Giang sẽ xây mới 21 cầu lớn, 111 cầu trung và cầu nhỏ, trong đó có 2 cầu đặc biệt lớn là cầu vượt sông Cái Bé và cầu vượt sông Cái Lớn. "Các khu công nghiệp nhà máy tương lai của Kiên Giang đều nằm ven biển. Việc kết hợp giao thông đường bộ với đường biển sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho khu vực", ông Sương nói. 

Hôm nay, nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam sẽ nhóm họp và tập trung thảo luận các vấn đề về tăng trưởng kinh tế bền vững. Hội nghị tập trung vào chủ đề: Duy trì ổn định bền vững kinh tế vĩ mô; định vị lại nền kinh tế cho tăng trưởng thời kỳ hậu khủng hoảng; thách thức mới cho công cuộc giảm nghèo; cải thiện hành chính công và chống tham nhũng; đảm bảo phát triển bền vững. Năm 2008, các nhà tài trợ cam kết ủng hộ hơn 5 tỉ USD cho chương trình giảm nghèo và phát triển của Việt Nam.

 Theo Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)