Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Afghanistan: Học tiếng Anh trong vùng hẻo lánh

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Học kỹ thuật vi tính sẽ có nhiều cơ hội mới“I am a boy and you are a girl – please repeat after me,” (Tôi là con trai và bạn là con gái – hãy lặp lại theo tôi,” thầy giáo dạy tiếng Anh nói.

Lớp học khó tin này nằm trong ngôi làng Kodi Khel, vùng hẻo lánh về phía đông Afghanistan, phía sau là ngọn Bạch Sơn (White Mountains) trập trùng.

Năm 2001, Bạch Sơn từng chứng kiến nhiều vụ đụng độ ác liệt giữa lực lượng quân đội Afghanistan-Mỹ và các chiến binh al-Qaeda của Osama Bin Laden.

Trong quá khứ, khu vực này cũng là mảnh đất màu mỡ để trồng cây anh túc (thuốc phiện) vốn không bị cấm đoán.

Tuy nhiên, mọi việc đã đổi thay kể từ 2001.

Không còn các oanh tạc cơ B-52 của Mỹ dội bom xuống các hang động trong vùng Tora Bora, và những cánh đồng anh túc được thay bằng bắp và lúa mì trong vùng xa xôi thuộc tỉnh Nangarhar này.

Nhưng có một điều ít ai nghĩ đến là học sinh tại đây lại theo những lớp học tiếng Anh và máy vi tính.

Đi bộ đường xa

Cách nay một năm, Mohammad Shafiq làm việc trong cánh đồng trồng anh túc của cha cậu.

Cậu đến trường mỗi buổi sáng nhưng buổi chiều cậu chẳng có gì để làm tại làng.

Nhưng nay cuộc sống đã thay đổi đối với Mohammad Shafid – cậu đang theo học lớp tiếng Anh và vi tính lần đầu tiên được tổ chức tại đây.

Những lớp học như vầy được một bác sĩ địa phương điều hành tổ chức phi chính phủ (NGO) của ông triển khai tại ngôi làng hẻo lánh này.

Trên khắp đất nước Afghanistan, nhiều bé trai và bé gái đang theo học những lớp tương tự, nhưng còn có nhiều em hơn bị tước mất cơ hội do những vụ tấn công của Taliban gây nguy hiểm quá nhiều cho NGO khi họ mở những trường lớp căn bản tại những vùng xa xôi.

Bên trong căn phòng nhỏ là một nhóm khoảng 40 học sinh, hầu hết tuổi từ 16 đến 20.

Các em mỗi ngày phải đi bộ nhiều dặm đường để có cơ may học tập.

Học sinh hiện đối mặt với trở ngại là con đường đến lớp: qua những đường mòn hiểm trở trên núi, trong thung lũng và vượt sông.

Thí dụ như cậu bé Khalid, 17 tuổi. Làng nơi cậu ở cách trường 40 phút đi bộ và cậu phải mỗi ngày đi về hai lần, một vào buổi sáng và một vào buổi chiều để học thêm lớp tiếng Anh và vi tính.

Cậu kể thoạt đầu cậu tưởng đâu “computer” (máy vi tính) là tên một người nào đó ở phương Tây! “Tất cả những gì mà chúng tôi nhìn thấy trước đây là chiến tranh. Afghanistan tụt hậu hẳn so với thế giới. Tôi rất thích một máy vi tính có thể làm được nhiều thứ. Chúng tôi một ngày kia sẽ tái thiết đất nước với những thứ như máy vi tính”.

Dạy những “điều tốt”

Những lớp học tiếng Anh và máy vi tính là một phần của chương trình công dân và dân chủ được đưa ra cho hàng trăm học sinh học thêm tại một số ngôi làng thuộc huyện Sherzad.

Theo tiến sĩ Shaeen, người sáng lập Tổ chức Dịch vụ Giáo dục cho giới trẻ (Yeso), mục đích của chương trình là nhằm bảo đảm những thanh niên Afghanistan không rơi vào tay những kẻ tầm bậy và họ lớn lên trở thành những thành viên có trách nhiệm trong xã hội. 

Tiến sĩ mỉm cười giải thích: “Các em học tiếng Anh, học kỹ thuật máy vi tính, quyền của nữ giới và những bài học tổng quát để trở thành một con người tốt. Nếu họ không tới đây, họ sẽ trở thành con mồi cho những phần tử phá hoại hoặc những kẻ nghiện ma túy”.

Tiến sĩ Shaeen dẫn khách đi một vòng thăm những dự án của ông. 

Tại một trung tâm Yeso khác nằm trong làng Toto, hơn mười học sinh đang chăm chú nghe một bài giảng về nữ quyền, bạo hành với phụ nữ và nhân quyền trong lớp học.

Thầy giáo đang cố thuyết phục học sinh tôn trọng phụ nữ và không sử dụng bạo lực với họ.

“Phụ nữ là những bà mẹ, phụ nữ là những người vợ và phụ nữ là chị em của mọi người. Nếu không có phụ nữ, thì ngày nay cũng chẳng thể có đàn ông. Nên hãy tôn trọng họ. Đứng đánh họ. Hãy để chị, em gái của mình đi học. Tôi nói có đúng không nào?” ông hỏi.

Lớp học trả lời: “Thưa thầy, đúng ạ”.

Yeso được tài trợ từ Tổ chức Cung cấp vốn quốc gia cho dân chủ (NED), có trụ sở đặt ở Washington.

Cố vấn Yeso ở Afghanistan, Mohammad Nasib, tin rằng những tổ chức như vậy có thể giúp đem lại hòa bình cho những đất nước đã trải qua chiến tranh giống như Afghanistan, bằng cách giáo dục giới trẻ.

Ông nói: “Chúng tôi giáo dục họ. Chúng tôi giữ họ xa cách khỏi những hoạt động phá hoại. Nếu không họ có thể rơi vào tay những phần tử quá khích, hoặc làm việc quần quật trong những xưởng đúc gạch. Chúng tôi dạy họ về dân chủ, trở thành người công dân tốt và nhiều điều tốt đẹp khác”.

NED hiện tài trợ cho khoảng 20 cơ quan ở Afghanistan, với mục tiêu chính là quảng bá dân chủ.

Qua việc được giáo dục tại cơ sở của Yeso, Mohammad Shafiq nhận thấy tham vọng của cậu vượt xa ra khỏi biên giới của Afghanistan.

Cậu muốn một ngày nào đó sẽ được qua Mỹ du học. Với ánh mắt tự tin, cậu cho biết: “Tôi cố học tiếng Anh và vi tính trước đã, và tính sẽ sang Mỹ học tiếp”.

Quang Hùng

 

Bình luận (0)