Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ai “bảo trợ văn hóa” tại VN?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nghệ thuật VN thiếu sự bảo trợ từ doanh nghiệp (Tuổi Trẻ ngày 11-2), vì vậy càng làm rõ hơn ý nghĩa và sự cần thiết của các chương trình văn hóa đặc sắc, đa dạng và đều đặn của lãnh sự các nước, các tổ chức phi chính phủ hay các đơn vị kinh tế nước ngoài ở VN.

Liên hoan âm nhạc châu Âu – một trong những chương trình bảo trợ văn hóa thành công tại VN – Ảnh: Vũ Dũng

Chỉ riêng năm 2008, hàng loạt chương trình như: Liên hoan âm nhạc châu Âu; múa hip hop Đức – Pháp – Việt; buổi trình diễn của nhóm Jazz Vocal; các chương trình biểu diễn và giao lưu của các nghệ sĩ nhạc giao hưởng thính phòng phương Tây tại TP.HCM và Hà Nội; sân chơi âm nhạc không giới hạn IAC; các tuần lễ phim Pháp, Úc, Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc; liên hoan phim ngắn, phim hoạt hình; các buổi hội thảo, tọa đàm về sách; các cuộc thi thiết kế và tìm hiểu về ngành công nghiệp thời trang… đã giúp công chúng VN yêu nghệ thuật có được những khoảnh khắc thưởng thức âm nhạc, điện ảnh, thơ ca… thật đáng giá và tuyệt vời.

Hai bên cùng có lợi

Tuyệt vời bởi tất cả chương trình văn hóa được bảo trợ đó đều miễn phí vé vào cửa và được tổ chức rất chu đáo. Và đáng giá bởi những nghệ sĩ được mời đến trình diễn đều thuộc hàng “nhất nghệ tinh”, hay những bộ phim được chọn trình chiếu đều có chất lượng nghệ thuật cao mà bình thường dù có tiền khán giả ta cũng khó lòng có cơ hội tiếp cận.

Tuy thế, những đơn vị bảo trợ văn hóa hoàn toàn không có ý định làm “người cứu rỗi” trong giai đoạn kinh tế khó khăn nhằm thỏa mãn hay phục vụ thị hiếu nghe nhìn đơn thuần. Những chương trình mà họ mang đến hay bảo trợ tại VN đều là những kế hoạch được tính trước, thậm chí mang tính chiến lược lâu dài với mong muốn vực dậy những loại hình văn hóa truyền thống đang bị mai một, giới thiệu những loại hình nghệ thuật mang tính thử nghiệm – tiên phong hay trao đổi, hoặc những loại hình nghệ thuật đang được công chúng toàn cầu yêu thích. Và dù vì lý do gì chăng nữa thì cũng chẳng đơn vị bảo trợ văn hóa nào thực hiện một đêm diễn, tổ chức một sự kiện chỉ để xem… rồi thôi.

“Các hoạt động trao đổi, bảo trợ văn hóa nhằm mang đến cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu văn hóa giữa các bên. Từ đó sẽ tạo nên nguồn cảm hứng mới cho các nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm mới lạ, đặc sắc, có giá trị về lâu dài” – bà Patricia Norland, trưởng phòng VH-TT của Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, nói về các chương trình bảo trợ văn hóa của phía Mỹ dành cho VN trong một lần trao đổi cùng Tuổi Trẻ.

Hướng đến những sáng tạo mới

Đã có không ít các hoạt động bảo trợ văn hóa tại VN đạt được mục tiêu đề ra trong những năm qua. Liên hoan âm nhạc châu Âu là một ví dụ. Khởi nguồn từ Liên hoan nhạc jazz châu Âu, sau nhiều lần tổ chức các thành viên khối EU nhận thấy sẽ thú vị và sôi nổi hơn khi giới thiệu đến khán giả VN nhiều thể loại âm nhạc phương Tây đặc sắc khác.

Vì vậy kể từ năm 2006, liên hoan này đổi tên thành Liên hoan âm nhạc châu Âu, mang đến cho khán giả VN các trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời qua những hình thức biểu diễn và thể loại âm nhạc đa dạng. Không chỉ khán giả, những nghệ sĩ VN cũng có không ít cơ hội cùng trình diễn, giao lưu và học hỏi ở những “bậc thầy âm nhạc” của thế giới.

Không ít nghệ sĩ như Trần Mạnh Tuấn, Quyền Thiện Đắc, Hồ Nga… được các nghệ sĩ phương Tây mời sang nước ngoài trình diễn sau khi “quen biết” từ liên hoan. Hay từ những lần trình diễn tại VN mà hai ngôi sao múa hip hop của Đức và Pháp là Sébastien Ramirez và Raphael Hillebrand đã cùng các nghệ sĩ VN làm nên các vở múa mang bối cảnh VN như: Xe cộ, Nhiều mặt… Các vở này không chỉ trình diễn tại VN mà còn được giới thiệu tại các nước trong khu vực.

Ngoài việc duy trì các buổi chiếu phim giá ưu đãi, phòng văn hóa Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM và IDÉCAF cũng dành nhiều tâm sức cho các lớp đào tạo làm phim tại VN. Hằng năm, phía Pháp đều kết hợp với Trường cao đẳng Sân khấu và điện ảnh tổ chức các khóa đào tạo làm phim ngắn, phim tài liệu và phim hoạt hình. Sản phẩm của các sinh viên tham gia những lớp đào tạo này luôn được chọn giới thiệu trong các tuần lễ phim ngắn, phim tài liệu hoặc phim hoạt hình được tổ chức thường niên tại VN và những nước có mối bang giao với Pháp.

Năm 2008, lần đầu tiên Đại sứ quán Đan Mạch, Nhạc viện TP.HCM và Học viện Âm nhạc hoàng gia Aarhus đã cùng phối hợp tổ chức một khóa học hoàn toàn miễn phí về quản lý và tổ chức sự kiện âm nhạc tại TP.HCM. Đây cũng là một hình thức bảo trợ mang lại “những kết quả đáng mừng”, theo như lời học viên tham dự cho biết.

Còn về các hoạt động “tự thân vận động”, hằng năm vẫn có không ít tiền của được các đơn vị kinh tế trong nước bỏ ra nhưng chỉ để tài trợ các chương trình văn nghệ vì mục đích từ thiện hoặc thương mại đầy ngẫu hứng, “ăn liền”. Rõ ràng các doanh nghiệp hay tổ chức tại VN chưa có thói quen thực hiện những dự án bảo trợ văn hóa mang tính sâu, rộng và dài hơi – vốn đòi hỏi không chỉ kinh tế dồi dào mà còn phải có khả năng phác thảo, kiểm soát và đánh giá dự án một cách chặt chẽ, chuyên nghiệp.

So với mặt bằng chung thì các chương trình bảo trợ văn hóa do phía VN đề xuất và thực hiện vẫn còn khá thưa thớt. Nhìn vào những chương trình với quy mô lớn, nhỏ khác nhau của các tổ chức, đơn vị nước ngoài mới thấy kinh tế eo hẹp chưa hẳn là lý do. Nghèo ý tưởng và kém nhiệt huyết với các hình thức bảo trợ mới là cốt lõi của vấn đề.

Những bước đi đầu tiên

“Bảo trợ văn hóa không chỉ là chi tiền để thực hiện các chương trình văn hóa mà còn bao gồm các công việc như đưa ra sáng kiến hoặc xem xét, định hướng và cấp phép cho các dự án” – bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên phó giám đốc Sở VH-TT&DL,

cho biết. Nhiều năm qua, sở đã tiên phong trong việc bảo trợ nhiều hoạt động văn hóa mang tính thể nghiệm, có giá trị nghệ thuật cao. Nổi bật nhất là sáng kiến và bảo trợ chương trình âm nhạc tôn vinh các tài năng âm nhạc hàn lâm “Giai điệu mùa thu” suốt bốn năm qua. Dự án này đã nhận được tài trợ của nhiều đơn vị kinh tế trong nước, nước ngoài và liên doanh tại VN. Sở cũng lập kế hoạch và mời tài trợ các chương trình hoạt động nghệ thuật có định hướng như các vở cải lương nổi tiếng, kịch lịch sử cho thiếu nhi…

Đào tạo cũng là một trong những hình thức bảo trợ văn hóa có giá trị to lớn và dài lâu. Mỗi năm Nhà nước đều xem xét, tiến cử và có khi hỗ trợ một số nghệ sĩ ở các ngành nghệ thuật múa, hội họa, nhiếp ảnh, các nghệ sĩ nhạc hàn lâm, đạo diễn sân khấu và điện ảnh… tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ nâng cao tại nước ngoài. Và chính lực lượng nghệ sĩ trẻ, có năng lực, hoài bão cống hiến và được đào tạo bài bản này đã và đang làm nên diện mạo của nền nghệ thuật nước nhà.

QUỲNH NGUYỄN (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)