Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Ai Cập: Giới trẻ không thích các môn khoa học

Tạp Chí Giáo Dục

Giới trẻ Ai Cập hiện đang khá thờ ơ với các môn khoa học và toán (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Mục tiêu của Ai Cập là trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2030 có thể sẽ không đạt được do giới trẻ ở nước này hiện đang khá thờ ơ với các môn khoa học và toán. Kết luận này được rút ra từ một nghiên cứu gần đây.
Khoảng 70% học sinh trường trung học tham gia cuộc khảo sát trên cho biết các em không có hứng thú với các giờ học này và sẽ không tiếp tục theo đuổi những ngành có liên quan đến khoa học ở các bậc học cao hơn. Điều này nhắc tới các con số mà Bộ Giáo dục bậc cao trước đây đã đưa ra rằng ba phần tư học sinh các trường không chọn học ngành khoa học hoặc tham gia các chương trình có chủ đề tương tự khi vào đại học. Cuộc khảo sát được tiến hành bởi Trung tâm Học tập cho tương lai, một tổ chức thuộc Chính phủ Ai Cập với mục tiêu hướng đến chương trình Vision 2030. Chương trình này là chiến lược nhằm đưa Ai Cập vào nhóm các nước phát triển và gia nhập thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong vòng 20 năm tới.
Theo khảo sát mới được công bố trên tap chí Khoa Học Ai Cập, các sinh viên đổ lỗi cho rằng phương pháp giảng dạy không hấp dẫn của đội ngũ giáo viên làm họ thiếu đi sự yêu thích đối với môn khoa học và toán học. Nghiên cứu này cũng đưa ra số nhà khoa học và kỹ sư làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Ai Cập là khoảng 493 người cho mỗi 1 triệu công dân so với 1,013 ở Tunisia và 782 ở Morocco. Ngoài ra, Ai Cập chỉ đạt được một bằng sáng chế cho mỗi 1 triệu người dân trong khi Trung Quốc có đến 16 bằng, Iran có 8 bằng và Nhật Bản là 875 bằng.
Sahar Abd El Gaied, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu tương lai, đồng thời cũng là tác giả của nghiên cứu này cho biết: “Tình trạng giới trẻ đang từ bỏ khoa học là một dấu hiệu tiêu cực đáng báo động cho tương lai ngành khoa học tại Ai Cập! Nếu các giáo viên môn toán và khoa học nhiệt tâm và hết mình với việc giảng dạy của mình, họ sẽ chuyển tải được niềm yêu thích của mình đến với các em học sinh. Trong trường hợp ngay cả người giáo viên cũng không thích thú với những gì mình đang giảng dạy thì rõ ràng các em học sinh cũng sẽ không bao giờ thích những gì mình đang học. Nếu chúng ta không thành công trong việc thay đổi phương pháp giảng dạy và tiếp cận gần hơn với các em thì chúng ta sẽ không vượt qua được khó khăn này”.
Tuy nhiên, Wael El Sharqawy, một giáo viên toán ở Trường Trung học Giza Governorate, lại cho rằng hãy xem lại chương trình học của các em chứ đừng đổ tất cả lỗi lầm lên đội ngũ giáo viên. Ngay cả khi người giáo viên có tài và hết lòng đam mê công việc của mình nhưng chương trình học lại hạn chế thì học sinh cũng sẽ không quan tâm đến.
Ông Ali Habeish, Giám đốc Hiệp hội Khoa học Ai Cập – một tổ chức chuyên nghiệp dành cho các nhà khoa học Ai Cập, cho rằng trách nhiệm thuộc về cả hai mảng được đề cập ở trên. Ông cũng đưa ra ý kiến rằng mức lương khá thấp của các nhà khoa học khi so sánh với những ngành nghề khác trong xã hội cũng có thể là một yếu tố làm các em học sinh, sinh viên không chọn công việc nghiên cứu khoa học cho tương lai của mình.
(theo scidev.net)
Ngọc Trúc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)