Kim tự tháp Djoser nổi bật trên nền cảnh quan khu Saqqara rộng lớn ở phía nam Thủ đô Cairo, nơi quy tụ kim tự tháp hoàng gia và lăng mộ giới quý tộc Ai Cập cổ đại.
Djoser là kim tự tháp bậc thang có niên đại 2.690 trước Công nguyên, được coi là công trình bằng đá nguyên khối cổ nhất thế giới.
Kim tự tháp Djoser được tạo thành từ 6 mastabas (cấu trúc hình chữ nhật) xếp chồng lên nhau. Công trình đồ sộ này cùng toàn bộ khu phức hợp bao quanh đều to Tể tướng thời đó là Imhotep thiết kế để an táng Pharaon (Vua Ai Cập cổ đại) Djoser thuộc Vương triều thứ Ba.
Pharaon Djoser có công sáng lập ra Old Kingdom (Cổ Vương quốc Ai Cập) – một thời kỳ của Ai Cập cổ đại được đặt cho khoảng thời gian trong thiên niên kỷ thứ ba trước Công Nguyên, khi Ai Cập lần đầu đạt tới đỉnh cao của nền văn minh.
Pharaon Djoser còn được biết tới qua chính lăng mộ vĩ đại của ông vốn được làm toàn bằng đá khối, nên quá trình xây dựng và vận chuyển tốn công sức hơn gấp bội so với các di tích được xây bằng gạch bùn trước đó.
Kỹ sư Pater James của công ty Anh Cintec bắt đầu sửa chữa kim tự tháp Djoser năm 2011.
Với tuổi đời đã 4.700 năm, kim tự tháp được cho là lâu đời nhất thế giới này dần xuống cấp do các dầm đá và khối hỗ trợ cấu trúc suy yếu khiến công trình bị đổ nát nên đã phải đóng cửa từ những năm 1930. Năm 1992 nó còn tiếp tục bị thiệt hại do động đất.
Năm 2006 dự án cải tạo lại Kim tự tháp Djoser được khởi động nhưng lại bị cuộc cách mạng Ai Cập năm 2011 làm gián đoạn cho tới năm 2013 mới được nối lại. Nguồn kinh phí chi cho dự án này là 104 triệu bảng Ai Cập (6,66 triệu USD), do công ty kỹ thuật kết cấu Cintec của Anh có trụ sở tại Newport, xứ Wales thực hiện.
Sơ đồ biện pháp Cintec sử dụng máy khoan kim cương khoan lỗ trên tường, rồi chèn các thanh thép không rỉ vào bên trong “những chiếc tất vải” chứa đầy vữa (sẽ nở ra sau khi cứng lại) để lấp đầy các vết nứt, nhằm gia tăng độ ổn định và sức bền cho kim tự tháp.
Sau khi mọi điều kiện an toàn đã được đảm bảo, kim tự tháp Djoser lần đầu tiên vừa mở cửa trở lại hôm 5/3/2020 sau gần 90 năm. Du khách giờ đây có thể tham quan, khám phá lăng mộ của Pharaon Djoser.
Một nữ du khách tạo dáng chụp ảnh trước kim tự tháp Djoser.
Sau khi hoàn thiện dự án, ông Peter James – Giám đốc điều hành Cintec – đã xuất bản cuốn sách về phương pháp cải tiến áp dụng với kim tự tháp Djoser. Báo Time hôm 5/3 dẫn lời ông này nhấn mạnh đó là công việc đầy rủi ro và “thực sự cực kỳ, cực kỳ nguy hiểm”.
Kim tự tháp Djoser được đánh giá là một khái niệm mang tính cách mạng. Mặc dù thiết kế phức hợp của Djoser khác với phức hợp sau này, nó vẫn được coi là nguyên mẫu cho các kim tự tháp đời sau.
Du khách giờ đây có thể tham quan, khám phá kim tự tháp Djoser.
Lăng mộ Pharaon Djoser là căn phòng rộng khoảng 100 feet (1 foot = 30,48 cm) dưới lòng đất tại trung tâm kim tự tháp, trong đó có quách của Pharaoh nhưng không có xác ướp.
Ngoài ra, trên một bức tường của lăng mộ có khắc những chữ tượng hình từ Book of the Dead (Cuốn sách của cái chết – là cuộn giấy cói được táng cùng người chết, thường được sử dụng trong các tang lễ Ai Cập cổ đại thời kỳ đầu).
Du khách tham quan lăng mộ Pharaon Djoser hôm 5/3.
Một hệ thống kiểu như túi khí sáng tạo được sử dụng để bổ trợ cho các bức tường khi neo thép được chèn vào.
Bậc thang lên xuống lăng mộ Pharaon Djoser.
Lối vào lăng mộ Pharaon Djoser sau khi được cải tạo lại.
Ai Cập đã giới thiệu hàng loạt phát hiện khảo cổ trong những năm gần đây, nhằm thúc đẩy phát triển trở lại ngành du lịch vốn chịu nhiều tổn thất sau thời kỳ biến động xã hội năm 2011. Nhờ đó lượng du khách tới Ai Cập đã và đang gia tăng đạt mức 11,3 triệu năm 2018 – tăng 5,3 triệu so với năm 2016…
Linh Lê (theo dantri)
Bình luận (0)