Sự phá hủy các di sản văn hóa hiếm có của Ai Cập làm suy yếu nền móng xã hội nước này
Vụ đảo chính dẫn đến sự sụp đổ chính quyền ở Ai Cập đầu tháng 7 vừa qua đã khiến nhiều kho tàng cổ vật nước này lâm vào tình trạng dễ bị cướp bóc hơn. Giữa tháng 8 vừa qua, Bộ Di tích cổ Ai Cập cho biết khoảng 1.050 cổ vật có niên đại 3.500 năm đã bị đánh cướp từ Bảo tàng Quốc gia Malawi, cách Cairo khoảng 300 km về phía Nam.
Cướp phá tràn lan
Sự kiện động trời này làm nổi bật tình hình an ninh mong manh ở các tỉnh thành cũng như mối đe dọa từ cuộc nổi dậy mới nhất ở Ai Cập đối với kho tàng cổ vật được tìm thấy và những kỳ công do con người tạo nên. Các bức ảnh chụp Bảo tàng Quốc gia Malawi cho thấy những hộp trưng bày bị vỡ tan và trống rỗng sau khi bọn cướp bắn chết một nhân viên bảo tàng và lục lọi khắp tòa nhà này. Sau đó, những kẻ phá hoại đã đốt các xác ướp và đập vỡ những bức tượng điêu khắc quá nặng không thể mang vác đi được. Các giới chức Ai Cập xác nhận vụ việc vừa nêu là vụ tấn công lớn nhất nhằm vào một cơ quan văn hóa Ai Cập theo ký ức của những người còn sống.
Ngoài ra, 9 gã đàn ông đã đột nhập Viện Bảo tàng Ai Cập để vơ vét vàng. Bọn họ đập vỡ 10 hộp đựng các bức tượng nhỏ và đập vỡ ra từng mảnh. Sau đó, bọn họ bỏ trốn với 2 đầu lâu xác ướp. Bọn cướp bóc đã cố đánh cắp cổ vật ở Luxor, Saqqara và Abu Sir. Thêm vào đó, Lực lượng đặc biệt Di sản Ai Cập thông báo bọn cướp cũng toan xông vào Bảo tàng Khảo cổ el-Bahnassah ở Beni Mazar vào khoảng thời gian trên nhưng đã bị đẩy lui.
Cảnh sát đã đổ lỗi hành vi cướp phá các viện bảo tàng ở Ai Cập cho những người ủng hộ phong trào Anh em Hồi giáo của tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi. Tuy nhiên, nhiều nhà khảo cổ nhận định các băng cướp đã lợi dụng tình hình lộn xộn ở Ai Cập để ra tay hành động.
Bảo vệ di sản văn hóa
Tất cả những cổ vật bị cướp đi từ các bảo tàng Ai Cập, đặc biệt là Bảo tàng Quốc gia Malawi, đã được UNESCO xếp vào danh sách đỏ với nỗ lực ngăn chặn việc buôn bán bất hợp pháp trên thị trường cổ vật quốc tế cho đến khi nhà chức trách Ai Cập hoàn tất cuộc điều tra. Bộ trưởng Di tích cổ Mohammed Ibrahim kêu gọi bất cứ ai giữ cổ vật bị đánh cắp hãy trả lại ngay để được tưởng thưởng, nếu không sẽ bị trừng phạt.
Cảnh tượng bên trong Bảo tàng Quốc gia Malawi sau khi bị cướp phá. Ảnh: WASHINGTON POST
Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova bày tỏ lo ngại di sản văn hóa của Ai Cập bị cướp phá tràn lan cũng như một số công trình có ý nghĩa quan trọng về tôn giáo bị phá hủy, trong đó có những ngôi nhà thờ Thiên Chúa giáo và Hồi giáo ở Thượng Ai Cập, Fayoum và Cairo.
Bà Bokova nhấn mạnh: “Tôi cực kỳ lo ngại về những vụ tấn công các thiết chế văn hóa của đất nước này và nạn cướp phá tài sản văn hóa ở đây. Thực trạng này gây thiệt hại cho lịch sử không thể nào khôi phục được”. Đồng thời, theo báo International Business Times, bà hối thúc nhà chức trách Ai Cập ra tay ngăn chặn tình trạng buôn bán các cổ vật bị đánh cắp và hứa động viên sự ủng hộ của các tổ chức đối tác tham gia Công ước 1970 chống lại việc vận chuyển trái phép di sản văn hóa.
Theo NLĐ
Bình luận (0)