Ít nhất 5 bộ trưởng đã từ chức, đẩy Tổng thống Mohamed Morsi vào thế bị cô lập gay gắt
Ông Mohamed Morsi đã bác bỏ tối hậu thư của quân đội buộc ông phải đưa ra giải pháp cho khủng hoảng chính trị hiện nay trong vòng 48 giờ.
“Không phải đảo chính!”
Theo đài BBC, quân đội Ai Cập đe dọa sẽ can thiệp nếu Tổng thống Morsi không giải quyết được các bất đồng trong thời hạn trên. Cụ thể, nếu tổng thống và các lãnh đạo đối lập không dàn xếp được kết quả “phù hợp lòng dân” thì quân đội có trách nhiệm đề xuất một lộ trình hòa bình.
Những người biểu tình đòi Tổng thống Mohamed Morsi từ chức tại Quảng trường Tahrir ngày 1-7.
Ảnh: REUTERS
Trong thông báo trên truyền hình đêm 1-7, Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah al-Sisi miêu tả cuộc biểu tình rầm rộ từ cuối tuần qua là sự thể hiện ý chí nhân dân “chưa từng có”. Quân đội Ai Cập cũng bác bỏ chỉ trích của Phong trào Anh em Hồi giáo, đảng chính trị đứng sau Tổng thống Morsi, cho rằng quân đội muốn đảo chính. Sau đó, theo một tuyên bố thứ hai trên trang Facebook của mình, quân đội nhấn mạnh “sẽ không vượt qua vai trò của mình”.
Văn phòng Tổng thống Ai Cập ngày 2-7 ra thông báo bác bỏ tối hậu thư trên với lý do ông Morsi đã không được tham vấn trước. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Morsi khẳng định sẽ tiếp tục con đường hòa giải dân tộc toàn diện đã được vạch ra, bất chấp “những tuyên bố gây chia rẽ giữa người dân”.
Từ chức hàng loạt
Hãng thông tấn nhà nước Mena của Ai Cập hôm 2-7 đưa tin Ngoại trưởng Mohamed Kamel Amr đã đệ đơn từ chức. Nếu được chấp thuận, ông này sẽ là nhân vật mới nhất ra đi sau ít nhất 5 bộ trưởng từ chức trước đó. Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết số bộ trưởng “bỏ rơi” ông Morsi do bất đồng ý kiến lên tới con số 10, trong đó có cả người phát ngôn của tổng thống. Thậm chí, Thủ tướng Hesham Qandil cũng bị đồn đã từ chức nhưng thông tin này sau đó bị bác bỏ.
Dẫu vậy, giới phân tích nhận định các bộ trưởng trên không phải là thành viên nổi bật trong nội các nên có từ chức cũng không tác động mạnh tới Tổng thống Morsi. Cuối tuần trước, ông Morsi nhấn mạnh với báo The Guardian (Anh) rằng ông được bầu chọn một cách hợp pháp nên sẽ không có chuyện từ chức. Đáp lại, nhân vật đối lập kỳ cựu kiêm chủ biên Hisham Kassem cho rằng Tổng thống Morsi đang cảm thấy bị cô lập ngày càng nhiều. “Trong khi cựu tổng thống Hosni Mubarak duy trì được mọi lực lượng, mọi trụ cột nhà nước ở thế ít nhất là trung lập thì ông Morsi không có gì cả. Ông ta không nắm được Bộ Ngoại giao, không nắm được Bộ Tư pháp, không nắm được quân đội. Lực lượng cảnh sát hay các cơ quan truyền thông cũng không nốt” – ông Kassem dẫn chứng.
Theo một quan chức thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo, các cuộc biểu tình khắp Ai Cập hôm 30-6 đến nay đã làm 16 người thiệt mạng và 731 người bị thương. Hôm 1-7, những người biểu tình tấn công và cướp phá trụ sở Tổ chức Anh em Hồi giáo ở thủ đô Cairo. Ngoài ra, có thông tin về các vụ đấu súng giữa các phe phái đối lập ở thành phố Suez, phía Đông Cairo vào tối 1-7.
HUỆ BÌNH -THEO NLĐ
Bình luận (0)