Hội nhậpThế giới 24h

Ai Cập: Tổng thống lâm thời cam kết lộ trình chính trị

Tạp Chí Giáo Dục

Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour ngày 3/9 cam kết chính phủ của ông sẽ kiên định với kế hoạch tổ chức bầu cử trong năm tới và kỳ vọng sẽ dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp trên cả nước trong trung tuần tháng 9.

Phát biểu trong bài phỏng vấn đầu tiên trên truyền hình quốc gia kể từ khi được bổ nhiệm làm Tổng thống lâm thời Ai Cập, ông Mansour cho biết việc thực hiện lộ trình chuyển tiếp là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Ai Cập hiện nay.

Đề cập tới cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào khoảng giữa năm 2014, Tổng thống Mansour cho biết chính phủ lâm thời Ai Cập cam kết sẽ thực hiện lộ trình chính trị vào thời điểm thích hợp sau khi tiến hành trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp.

Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mansour cũng cho biết nếu tình hình an ninh được cải thiện, lệnh tình trạng khẩn cấp, được ban hành ngày 14/8 vừa qua sau khi xảy ra cuộc trấn áp của quân đội đối với người biểu tình, sẽ không phải gia hạn.

Ngoài ra, ông Mansour nhấn mạnh Ai Cập đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó có khó khăn về kinh tế. Chính phủ hiện xem xét một số kế hoạch khôi phục kinh tế, vốn bị tổn thất nghiêm trọng sau hàng loạt những bất ổn về chính trị trong thời gian gần đây.

Theo kế hoạch, cuộc bầu cử quốc hội sẽ được tổ chức vào đầu năm tới và sau đó là bầu cử tổng thống.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, hàng nghìn người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi đã đổ xuống đường biểu tình phản đối cuộc "đảo chính quân sự" lật đổ nhà lãnh đạo Hồi giáo này.

Cuộc biểu dương lực lượng này do Liên minh quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp (NASL) – lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đứng đầu và quy tụ 33 chính đảng và phong trào Hồi giáo – tổ chức với tên gọi "Đảo chính là khủng bố" nhằm đánh dấu hai tháng sau cuộc chính biến ngày 3/7.

Tại thủ đô Cairo, quân đội và cảnh sát đã triển khai lực lượng và xe bọc thép phong tỏa các lối dẫn vào quảng trường Rabaa Al-Adawiya – địa điểm diễn ra cuộc biểu tình ngồi của phe Hồi giáo ủng hộ ông Morsi từ ngày 3/7 đến ngày 14/8 – nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ bạo lực.

Trong khi đó, binh sỹ và xe bọc thép cũng được triển khai dày đặc xung quanh quảng trường Tahrir. Một số địa điểm biểu tình mới đây của phe Hồi giáo ở Cairo và tỉnh Giza kế bên cũng bị phong tỏa hoàn toàn.

Tuy nhiên, cũng như 2 cuộc biểu dương lực lượng liên tiếp gần đây, cuộc biểu tình này của phe Hồi giáo tiếp tục gây thất vọng khi chỉ thu hút được vài nghìn người tham gia tại Cairo, tỉnh Giza, thành phố kênh đào Suez, tỉnh Sharqiya ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile cũng như tỉnh Qena ở vùng Thượng Ai Cập. Điều này cho thấy khả năng của tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đã bị suy yếu mạnh kể từ chiến dịch giải tán hai khu lán trại của phe Hồi giáo hôm 14/8 tại Cairo và Giza, cũng như chiến dịch đàn áp mạnh tay hiện nay đối với các thủ lĩnh và thành viên của phong trào này.

Cùng ngày, NASL khẳng định, kể từ cuộc "đảo chính lật đổ vị Tổng thống dân bầu đầu tiên của Ai Cập," quốc gia này đã phải chịu "vô số tổn thất" về chính trị và kinh tế như nhiều nhà máy bị đóng cửa, nợ tăng cao hơn và tình trạng khẩn cấp được ban bố trở lại.

Trong một tuyên bố, liên minh này nhấn mạnh: "Các nhà lãnh đạo đảo chính đã phạm những tội ác tồi tệ nhất chống lại loài người."

Một tòa án hành chính ở Cairo ngày 3/9 đã ra lệnh khóa sóng của kênh truyền hình Al-Jazeera Mubasher Misr – chi nhánh của hãng truyền hình Al-Jazeera (Qatar) – và 3 kênh khác là Ahrar 25, Al-Yarmuk và Al-Quds. Những kênh truyền hình này bị dư luận và nhà chức trách Ai Cập cáo buộc có quan điểm thiên vị chống lại cuộc "cách mạng" ngày 30/6, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Trước đó một ngày, chính tòa án này cũng đã ra lệnh khóa sóng vĩnh viễn kênh Al-Hafez của người Hồi giáo với lý do "kích động lòng căm thù" chống Giáo hội Cơ đốc Ai Cập và "phá hoại đoàn kết dân tộc." Ngoài ra, một số cơ quan truyền thông, báo chí khác của các lực lượng Hồi giáo cũng bị tạm thời đình sóng ngay sau khi Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi bị lật đổ hôm 3/7.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Đoàn kết xã hội Ai Cập Ahmed El-Borai cho rằng tổ chức phi chính phủ (NGO) do MB thành lập hồi tháng Ba vừa qua không có tư cách pháp lý và do đó phải bị giải tán theo lệnh của tòa án.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông El-Borai cho biết các công tố viên đã cáo buộc MB chứa chấp vũ khí tại trụ sở chính của mình ở Cairo. Trước đó, Bộ Đoàn kết xã hội – cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và cấp phép hoạt động cho các NGO và các hiệp hội – đã nhiều lần gửi thư cho người đứng đầu MB yêu cầu giải thích về cáo buộc này song hiện vẫn chưa nhận được phúc đáp.

Trước đó, ngày 2/9, Hội đồng ủy viên nhà nước – cơ quan tư vấn pháp lý của Chính phủ Ai Cập – đã kêu gọi chính quyền lâm thời giải tán MB và đóng cửa trụ sở chính của tổ chức này tại quận Moqattam thuộc Cairo với cáo buộc phong trào này chứa chấp vũ khí tại địa điểm này và có liên quan tới các nhóm dân quân. Đề xuất này dựa trên một điều luật theo đó cấm các ONG thành lập các nhóm bán quân sự.

Cũng trong ngày 3/9, một tòa án quân sự Ai Cập đã kết án tù chung thân đối với một thành viên thuộc MB với tội danh có hành động bạo lực chống lại quân đội tại thành phố kênh đào Suez ngày 14/8 vừa qua.

Ngoài ra, 48 thành viên MB khác chịu các mức án từ 5-15 năm và 12 bị cáo còn lại được tuyên trắng án. Các bị cáo này cũng bị cáo buộc đốt phá các xe quân sự, ném bom xăng và tấn công các nhà thờ của người Cơ Đốc giáo ở Suez.

Tiếp tục cuộc chiến chống "khủng bố" ở bán đảo Sinai, quân đội Ai Cập ngày 3/9 đã không kích một số địa điểm bị tình nghi được các tay súng Hồi giáo sử dụng để cất giấu vũ khí. Truyền thông nhà nước cho biết cuộc tấn công này đã tiêu diệt 15 chiến binh thánh chiến và làm bị thương 20 tên khác.

Trong khi đó, lực lượng quân đội và cảnh sát Ai Cập cũng bắt giữ 11 phần tử thánh chiến với cáo buộc đã thực hiện các vụ tấn công nhằm vào các trạm kiểm soát của quân đội và cảnh sát ở tỉnh Bắc Sinai.

Hãng thông tấn chính thức MENA cho biết lực lượng chức năng Ai Cập đã bắt giữ 21 người, trong đó có 3 thành viên MB, bị tình nghi tấn công và cướp phá các đồn cảnh sát, tấn công các binh sĩ quân đội và sĩ quan cảnh sát tại tỉnh Fayoum ở phía Nam Cairo. Những người này hiện đối mặt với cáo buộc "kích động bạo lực."

Cùng ngày, cảnh sát cũng bắt giữ ông Mostafa Issa, thành viên cao cấp của MB và là cựu tỉnh trưởng Minya với cùng cáo buộc trên./.

(TTXVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)