Hội nhậpThế giới 24h

Ai Cập trượt dài trong khủng hoảng

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhanh chóng hành động để ngăn chặn các cuộc “thảm sát” ở Ai Cập

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập đang ngày càng nghiêm trọng sau khi chính phủ lâm thời được sự hậu thuẫn của quân đội đã ra tay trấn áp đẫm máu người biểu tình ở thủ đô Cairo hôm 14-8 khiến bạo lực leo thang khắp nước.
Ban bố tình trạng khẩn cấp
Phong trào Anh em Hồi giáo khẳng định ít nhất 2.000 người đã thiệt mạng trong vụ “thảm sát” nói trên nhưng khó có thể kiểm chứng được con số này. Trong khi đó, Bộ Y tế Ai Cập hôm 15-8 cho biết ít nhất 525 người thiệt mạng và hơn 3.700 người bị thương trong các vụ bạo lực khắp nước 1 ngày trước đó. Phần lớn thương vong xảy ra khi lực lượng an ninh ra tay giải tán 2 khu cắm trại của những người ủng hộ tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi tại Cairo. Bộ trưởng Nội vụ Mohamed Ibrahim cho biết thêm 43 thành viên lực lượng an ninh cũng bị thiệt mạng trong chiến dịch này.
Tuy nhiên, theo đài NBC News, con số này chắc chắn còn tăng khi bạo lực đã lan từ Cairo sang các vùng khác của đất nước. Ít nhất 3 phóng viên thiệt mạng và một số phóng viên bị thương trong các vụ bạo lực hôm 14-8. Các hành động trả đũa cũng xảy ra khắp nơi, trong đó có các vụ tấn công của người Hồi giáo nhằm vào các mục tiêu của người Thiên Chúa giáo.
 
Lực lượng an ninh bắn hơi cay vào người biểu tình ở Cairo hôm 14-8. Ảnh: REUTERS
 Ngay sau khi bạo lực bùng phát, Chính phủ lâm thời Ai Cập đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 tháng. Văn phòng Tổng thống lâm thời Adly Mansour cho biết tình trạng khẩn cấp bắt đầu từ 16 giờ hôm 14-8 (giờ địa phương) do “an ninh và trật tự của đất nước đang bị phá hoại có tính toán cũng như nhiều người bị thiệt mạng bởi các nhóm cực đoan”.
 Quyết định này cho phép quân đội có quyền bắt giữ và giam giữ người vô thời hạn, tương tự những gì xảy ra dưới thời tổng thống Hosni Mubarak. Ngoài ra, ông Mansour còn ban bố tình trạng giới nghiêm từ 19 giờ đến 6 giờ hôm sau tại Cairo, Alexandria và 12 tỉnh, đồng thời ra lệnh cho lực lượng vũ trang hỗ trợ cảnh sát khôi phục lại trật tự.
Trong khi đó, Thủ tướng Hazem el-Beblawi thừa nhận đất nước vừa trải qua “một ngày khó khăn” và ông lấy làm tiếc về tình trạng đổ máu nhưng không đưa ra lời xin lỗi nào. Dù vậy, hành động trấn áp người biểu tình đã gây ra rạn nứt trong nội bộ chính phủ lâm thời. Phó Tổng thống Mohamed ElBaradei, người giành giải Nobel Hòa bình, đã thông báo quyết định từ chức trong bức thư gửi ông Mansour do không đồng ý với những quyết định của chính phủ.
Cộng đồng quốc tế lên án
Cộng đồng quốc tế  ngay lập tức đã lên án hành động trấn áp đẫm máu người biểu tình ở Ai Cập. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng những gì đã xảy ra là đáng lên án và đi ngược lại mong muốn hòa bình của người Ai Cập.  Ông cho biết thêm Mỹ phản đối sự quay trở lại của  tình trạng khẩn cấp ở Ai Cập và kêu gọi chấm dứt nó càng sớm càng tốt. Một quan chức Mỹ cho đài CNN biết Washington có thể hủy một cuộc tập trận với Cairo do tình trạng bạo lực đang tồi tệ hơn ở nước này.  
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon thúc giục mọi người dân Ai Cập tập trung vào sự hòa giải. Riêng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan có phản ứng mạnh mẽ hơn khi thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhanh chóng hành động để ngăn chặn các cuộc “thảm sát” ở Ai Cập.
Bất chấp bị đàn áp mạnh mẽ, một nhóm người ủng hộ ông Morsi, gọi là Liên minh Chống đảo chính, hôm 14-8 tiếp tục kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình để phản đối “vụ đảo chính” của quân đội.  Trong khi đó, ông Mohammed el-Beltagy, một thủ lĩnh cao cấp của phong trào Anh em Hồi giáo, đã kêu gọi cảnh sát và binh sĩ nổi dậy chống lại các chỉ huy của mình cũng như thúc giục người dân xuống đường để phản đối các cuộc trấn áp.
Những động thái trên báo hiệu tình hình Ai Cập sẽ còn tiếp tục bất ổn trong thời gian tới. Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc Tập đoàn “The Economist” (Anh) ngày 14-8 cho rằng các cuộc biểu tình ở Ai Cập sẽ vẫn tiếp diễn, buộc lực lượng an ninh can thiệp bằng nhiều biện pháp cứng rắn.  Trong bối cảnh đó, phong trào Anh em Hồi giáo sẽ trượt dài theo hướng cực đoan hóa.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, hành động trấn áp người biểu tình cho thấy chính phủ lâm thời Ai Cập đã bỏ ngoài tai lời kêu gọi của phương Tây về sự kiềm chế và một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Không những thế, báo The Christian Science Monitor (Mỹ) nhận định vụ “thảm sát” hôm 14-8 còn cho thấy thất bại của chính sách ngoại giao Mỹ. Những gì xảy ra cho thấy Mỹ đang ảo tưởng về ảnh hưởng của mình đối với quân đội Ai Cập.
Phe Anh em Hồi giáo giờ đây xem những tuyên bố ủng hộ dân chủ của Mỹ là “đạo đức giả” bởi Washington chỉ biết đứng nhìn khi một tổng thống đắc cử bị phế truất. Ngược lại, phe chống đối nhóm Anh em Hồi giáo cũng chỉ trích Mỹ không hoàn toàn ủng hộ quân đội. Tóm lại là Washington giờ đây không được lòng bất kỳ ai ở Ai Cập trong bối cảnh nước này đang chứng kiến thời kỳ bất ổn chính trị lớn nhất trong vài năm trở lại đây.
Phát biểu trưa 15-8 (giờ địa phương), Tổng thống Barack Obama lên án bạo lực ở Ai Cập; ông quyết định hủy cuộc tập trận Mỹ – Ai Cập và nói chính quyền Ai Cập nên bãi bỏ tình trạng khẩn cấp.
Theo NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)