Soad Ahmed Hassan đi đi lại lại bồn chồn trong khi con cái bà ngồi trong phòng thi cuối cấp. Tính đến nay cuộc thi đã khiến hai học sinh tự tử và gây làn sóng tố cáo tham nhũng.
Tại Trường Gamal Abdel Nasser, trung tâm thủ đô Cairo của Ai Cập, nhiều bà mẹ đang chờ con họ kết thúc kỳ thi “thanawiya amma” – tương đương với thi vào đại học hay cao đẳng – quyết định chủ yếu đến một tương lai của thanh niên.
Trong một đất nước đầy rẫy tham nhũng, nơi 20% dân chúng sống dưới cảnh nghèo, giáo dục đại học, nhất là một tấm bằng bác sĩ hay kỹ sư có thể giúp người ta vượt khỏi rào cản khắc nghiệt về giai cấp.
Học phí cho con vốn đã cao với hầu hết phụ huynh, họ còn phải đổ số tiền lương ít ỏi vào trường tư để mong bù lại nền giáo dục công chẳng ra gì với các lớp học quá tải, giáo viên chán nản do hưởng lương thấp và trường học thiếu cơ sở vật chất.
Phần lớn học sinh dự thi thanawiya amma xuất thân từ những gia đình trung lưu và thu nhập thấp, trong khi những học sinh giàu có hơn có thể chọn những trường tư ở Anh, Pháp hay Đức. Không ít học sinh và gia đình họ coi “thanawiya amma” là một cứu cánh, có thể giúp thay đổi được số phận, vì vậy, kết quả kỳ thi đối với họ là cực kỳ quan trọng. Năm nay, sức ép đã khiến hai học sinh tự tử.
Hassan Mohammed Yussri, 16 tuổi, treo cổ ngay tại nhà ở Cairo một ngày sau khi thi toán. Và tại thành phố Cảng Port Said, Mirhan Hanri Salem, 18 tuổi, nhảy từ căn hộ trên lầu sáu xuống đất vào buổi sáng cô thi môn cơ học.
Theo một nhân viên an ninh: “Cả hai phụ huynh đều nói với cảnh sát rằng con họ bị căng thẳng quá nhiều trong kỳ thi tuyển”.
Tính cạnh tranh khốc liệt của thi tuyển khiến một số phụ huynh tìm cách để giúp con em họ gian lận… như la lớn đáp án từ phía ngoài cửa sổ, nhắn tin hoặc thâm chí giấu tài liệu bên dưới khăn trùm đầu của Hồi giáo.
Xoay xoay chiếc móc treo khóa bằng bạc, Soad đếm bước ngoài cổng trường chờ cô con gái Rania, trong khi cả bà và nhiều bà mẹ khác lẩm nhẩm cầu kinh.
Rồi các sĩ tử bắt đầu túa ra, một số khóc, một số tỏ vẻ giận dữ, và hình thành từng nhóm tụ tập ngoài cổng trường để phân tích kỹ bài thi vừa làm.
Rời phòng thi, Rania, nước mắt đầm đìa nói với mẹ: “một tai họa giống như bao nhiêu người khác”, rồi cô vùi đầu vào vai mẹ.
Năm nay sức ép còn có phần nặng nề hơn bao giờ hết, vì theo một số báo cáo, có những câu hỏi không nằm trong chương trình học và bài thi bị tuồn trước ra cho một số phụ huynh có nhiều tiền và nắm quyền lực.
Mới đây, công tố viên Abdel Meguid Mahmud kể với các nhà báo rằng 19 người sẽ phải ra tòa xử về tội để lộ đề thi, trong đó có một số sĩ quan cảnh sát, một hiệu trưởng và ba quan chức Bộ Giáo dục.
Công tố viên nhấn mạnh – dù công chúng không tin – rằng tham nhũng chỉ giới hạn tại tỉnh Menya ở miền Nam và không ảnh hưởng đến hầu hết gần 800.000 học sinh dự thi.
Vụ việc khiến cả nước chú ý, báo chí và đảng đối lập cùng nhau yêu cầu phải trả lời chuyện hiếm khi xảy ra. Nhiều nhà bình luận đòi tổ chức thi lại, không ít giáo viên và nhà giáo dục cũng ủng hộ họ.
Mostafa Kamal Mohammed Yussuf, giáo sư khoa học Đại học Mansura và lãnh đạo Ủy ban Viết sách giáo khoa vật lý quốc gia, thừa nhận với nhật báo Al-Ahram của nhà nước rằng các bài tập quá khó và không phù hợp với chương trình học. Ông kêu gọi mở cuộc điều tra.
Do hậu quả làm chứng của ông và nhiều người khác, tin đồn chính phủ đã cố ý hạn chế số lượng sinh viên vào đại học trở thành sự thật không thể lay chuyển nổi đối với nhiều phụ huynh.
Soad giận dữ: “Nếu không để con em chúng tôi được dự một kỳ thi công bằng, dân chủ, thì chúng đâu có cơ hội học đại học? Những người như chúng tôi không thể nào nghĩ tới chuyện đưa chúng theo học đại học tư”.
Những trường đại học tư nhỏ thu khoảng 5.000 bảng Ai Cập (khoảng 900 USD)/người mỗi năm, trong khi học phí lên tới khoảng 18.000 USD tại các trường đại học có uy tín của Mỹ hay Đức tại Cairo – ngoài tầm với của một gia đình trung lưu.
Kỳ thi cũng đủ là một gánh nặng tài chính đối với hầu hết phụ huynh buộc phải trả tiền học tư với giá 100 bảng Ai Cập (khoảng 18 USD) mỗi ngày trong năm luyện thi.
Hussein Abdel Rahman, 52 tuổi, dạy tại một trường công ở Cairo có mức lương 400 bảng Ai Cập (72 USD) mỗi tháng.
Nhưng để có chiếc Suzuki second-hand và nuôi gia đình năm miệng ăn có cuộc sống trung bình, ông kiếm thêm tiền bằng cách dạy tư.
Ông thu mỗi học sinh 20 bảng Ai Cập (3,7 USD)/giờ và từ chối dạy riêng từng em, mà dạy theo nhóm ít nhất 10 em.
Ông nói: “Nếu có nghỉ dạy trường công tôi vẫn đủ sống”.
Một tranh biếm họa trên nhật báo Al-Messai của nhà nước vẽ hai người làm dịch vụ lễ tang đang nói chuyện. Người này nói với người kia: “Hồi này kinh doanh người chết đang ăn nên làm ra. Những ai thoát khỏi vật giá cao cũng sẽ chết do thi tuyển thanawiya amma quá khó”.
Ngoài cổng trường các bà mẹ sôi nổi tranh luận nên làm gì tiếp với vẻ vừa thất vọng vừa tức giận.
Soad vốn xuất thân từ một gia đình có tám người con thuộc vùng nông thôn châu thổ sông Nile và lấy chồng năm 17 tuổi, cho biết bà phá vỡ truyền thống nông thôn và chỉ có hai đứa con với hi vọng có thể cho chúng học hành tốt hơn. Bà nói: “Nếu sớm biết như vầy tôi đã đẻ nhiều con hơn, sống ở làng và gả phứt con gái”.
Quang Hùng (theo AP)
Bình luận (0)