Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Ai chịu trách nhiệm nếu xe tự lái gây tai nạn?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Khi các hãng công nghệ trên thế giới bước vào cuộc đua sản xuất xe tự lái, vấn đề đạo đức và trách nhiệm pháp lý liên quan đến loại phương tiện này lại càng gây tranh cãi hơn bao giờ hết.
Xe tự lái mang đến rất nhiều lợi ích cho con người nhưng đồng thời cũng ẩn chứa những hiểm họa khôn lường /// ẢNH: GETTY IMAGES
Xe tự lái mang đến rất nhiều lợi ích cho con người nhưng đồng thời cũng ẩn chứa những hiểm họa khôn lường. ẢNH: GETTY IMAGES
Đáp lại câu hỏi của khách hàng và các chuyên gia giao thông, nhiều tập đoàn ô tô lớn như Volvo đã tuyên bố chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp tai nạn xảy ra. Họ sẽ dùng dữ liệu hộp đen hoặc máy ghi dữ liệu sự kiện (Event Date Recorders – EDR) để xác định bối cảnh, nguyên nhân dẫn đến va chạm. Về lý thuyết, hệ thống lái xe thường lưu trữ video và dữ liệu cảm biến ghi lại sự việc. Dữ liệu này sẽ được tải lên đám mây thông qua kênh liên lạc điện tử OTA (Over-The-Air).
Nhưng giải pháp nêu trên vẫn chỉ để trấn an dư luận chứ chưa triệt để. Những quy định về xe tự lái còn rất mơ hồ, đầy lỗ hổng. Trong nhiều cuộc tranh luận, các chuyên gia an toàn giao thông đặt ra một tình huống gọi là The Molly Problem: "Một cô gái tên Molly đi qua đường và bị một chiếc xe không người lái tông trúng. Không có ai chứng kiến vụ việc (ngoại trừ hành khách bên trong). Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?”.
Trang Forbes cho rằng khả năng xe tự lái tiếp tục chạy sau khi tông trúng nạn nhân hoàn toàn có thể xảy ra, bởi AI (trí tuệ nhân tạo) chưa được trang bị hoàn thiện để đối mặt với những tình huống sinh tử. Tiếp đó, Forbes đặt nghi vấn xung quanh việc ai là người có quyền sở hữu, truy cập dữ liệu hộp đen: nhà sản xuất hay chủ nhân chiếc ô tô? Chưa kể những thông tin bên trong có thể bị sửa đổi nhằm gây nhiễu loạn cuộc điều tra.
Ai chịu trách nhiệm nếu xe tự lái gây tai nạn?1
Tình huống đặc biệt buộc hệ thống AI của xe tự lái phải lựa chọn. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH BBC
Thậm chí còn có những tình huống cắc cớ hơn: giả sử xe mất phanh trên đường và đang lao về phía đám đông, AI sẽ quyết định thế nào? Theo lẽ thường, xe tự lái sẽ hành động theo hướng ít rủi ro nhất, giảm thiểu tối đa thiệt mạng dù có thể phải hi sinh người ngồi trong xe, do đó nhiều người thường e ngại khi mua và sử dụng loại phương tiện này.
Tuy nhiên, nếu AI được thiết kế để đặt tính mạng hành khách lên hàng đầu thì lại kéo theo nhiều vấn đề khác liên quan đến đạo đức: Liệu quyết định tông xe vào đám đông có được xem là cố ý gây tai nạn? Hãng xe sẽ bồi thường thế nào trong trường hợp đó?
Những vấn đề nan giải trên hiện vẫn chưa có lời giải. Một số chuyên gia cũng khuyên người dùng nên tập trung vào lợi ích tuyệt vời của xe tự lái thay vì đào sâu vào những rủi ro đạo đức (vốn rất ít khả năng xảy ra).
Hiện nay, xe tự lái có nhiều cấp độ. Loại xe bán tự hành vẫn cần con người điều khiển được xếp vào cấp độ 2 và 3, còn những phương tiện tự lái không có sự can thiệp của con người, vận hành bằng AI thì thuộc cấp 4 và cấp 5. Tuy nhiên phương tiện tự lái hoàn toàn ở cấp 5 chỉ là lý thuyết chứ chưa được đưa vào sản xuất.
Theo Mai Anh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)