Lễ đón nhận bằng Di sản Tư liệu thế giới của UNESCO đối với mộc bản triều Nguyễn – Ảnh: Bảo Phượng |
Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân sở hữu hợp pháp di sản tư liệu đều có quyền đệ trình hồ sơ đề cử Di sản Tư liệu vào Danh mục Ký ức thế giới.
Đó là nội dung mới trong dự thảo Quy chế Xét duyệt hồ sơ đề cử Danh mục Ký ức thế giới vừa được Ủy ban Quốc gia UNESCO VN và Cục Văn thư – Lưu trữ Nhà nước đưa ra thảo luận hôm qua, 16.12 tại Hà Nội. Theo đó, hai hay nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng có thể cùng đệ trình chung một hồ sơ nếu di sản tư liệu có nhiều chủ sở hữu hoặc do nhiều cá nhân bảo quản. Nơi nhận hồ sơ sẽ là Ủy ban Ký ức thế giới VN, chứ không phải Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL. Sau khi được Ban Thư ký Hội đồng xét duyệt phê chuẩn, hồ sơ sẽ được đề cử ở cấp khu vực và cấp quốc tế.
Cũng trong ngày 16.12, tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã diễn ra lễ trao bằng Di sản Tư liệu thế giới của UNESCO cho tài liệu mộc bản triều Nguyễn. Các tài liệu này hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Đà Lạt, bao gồm những tác phẩm chính văn, chính sử, các sách kinh điển do triều Nguyễn biên soạn. |
Lý do đề xuất bản dự thảo quy chế nói trên, theo ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban UNESCO VN, sau khi hồ sơ mộc bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh, sẽ có thể có rất nhiều cá nhân, tổ chức, địa phương cũng muốn đề cử di sản tư liệu của mình. Trong khi đó, cho đến nay, VN chưa hề có một công ước hay văn bản pháp luật nào về quy trình đề cử di sản tư liệu lên UNESCO.
Tuy nhiên, ông Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, lại cho rằng bản dự thảo cần “chuẩn” hóa hơn nữa về câu chữ, định nghĩa. Mặt khác, cũng theo ông Tính, bản dự thảo đưa ra rất nhiều tiêu chí để lựa chọn Di sản Tư liệu đề cử Danh mục Ký ức thế giới, nhưng lại thiếu một tiêu chí quan trọng để UNESCO cân nhắc chọn lựa, đó là “tính chất, tầm vóc quốc tế” của di sản.
Thừa nhận sự cần thiết của việc phải có một bộ quy chuẩn đề cử Di sản Ký ức thế giới để tránh “nhiễu”, song không ít các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng học, thư viện học, lưu trữ học tham dự cuộc thảo luận cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn về bản quyền đối với di sản tư liệu. Bởi thực tế, có những tư liệu quý hiếm của VN đang nằm rải rác trong tay các cá nhân hoặc cơ quan lưu trữ ở nước ngoài, vậy ứng xử về bản quyền và cơ chế phối hợp sẽ ra sao? Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng nên quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của người sở hữu di sản tư liệu thuộc Danh mục Ký ức thế giới cũng như khuyến khích các cá nhân, tổ chức nước ngoài có thể trực tiếp đệ trình di sản tư liệu của VN hoặc liên quan đến VN để quảng bá hình ảnh và giá trị Việt.
Y Nguyên (Theo TNO)
Bình luận (0)