Y tế - Văn hóaThư giãn

Ai cũng là thủ phạm – đêm diễn đầy tiếng cười và nước mắt

Tạp Chí Giáo Dục

Ai là thủ phạm? của tác giả Lưu Quang Vũ đã được Nhà hát Tuổi Trẻ tiếp tục đưa lên sàn diễn và đem lại cho khán giả trong đêm tổng duyệt 21-1 những cảm xúc.
Một đêm diễn tràn đầy tiếng cười và nước mắt. Một đêm diễn buộc khán giả phải phóng khoáng tặng những tràng vỗ tay ngay trong từng chi tiết kịch để rồi sau đó lặng lẽ tự hỏi: chuyện của đời hay chuyện của chính ta?
Ai là thủ phạm? của tác giả Lưu Quang Vũ đã được Nhà hát Tuổi Trẻ tiếp tục đưa lên sàn diễn và đem lại cho khán giả trong đêm tổng duyệt 21-1 những cảm xúc như thế…
Mạch chảy niềm tin bị đánh cắp tiếp tục chảy tràn trong Ai là thủ phạm? (đạo diễn NSƯT Chí Trung). Vinh đấy – chàng thanh niên vừa đi trại tập trung cải tạo trở về, dẫu muốn sống tốt, muốn sống nhân hậu mà không thể được khi nhiều người trong khu tập thể Phượng Hoàng ở Hà Nội luôn phủ lên anh bao hoài nghi cùng lời đơm đặt…
Cô bạn gái Diệp mong manh và bà mẹ kế tên Nhân – dẫu tốt nhưng ít hiểu con chồng… – cũng chẳng thể cứu vãn được tâm hồn bị tổn thương nơi Vinh…
Nhưng mạch chảy của vở kịch không chỉ dừng ở đó khi lăng kính về niềm tin được chiếu rọi vào góc khuất khác – góc khuất trong tư tưởng, trong cách dạy dỗ con của một thế hệ phụ huynh là công chức, trí thức, giám đốc nọ kia như ông Tỷ, ông bà Uy, ông bà Đời. Họ đã cố tình đặt nhầm niềm tin vào con mình hoặc cố tình che giấu sự thật chỉ để cho đẹp mặt sự đời nhưng cuối cùng lại sản sinh ra một thế hệ sống vô cảm, giả dối, cơ hội…
Từ đây, tùy vào sự cảm nhận của mỗi người mà tầng tầng lớp lớp nghĩa được bóc dần, bóc dần… Vì thế Ai là thủ phạm? đã không chỉ dừng lại hay bó hẹp ở những con người sống tại “Quân khu Phượng Hoàng” cách đây hơn 30 năm…
Ai là thủ phạm? của Nhà hát Tuổi Trẻ là bản dựng thứ năm từ kịch bản Vắng mặt trong hồ sơ (tên kịch bản nguyên gốc của Lưu Quang Vũ), sau các bản dựng mang tên Thủ phạm là ai? từ năm 1983 của Đoàn kịch Công an, Đoàn kịch Nam Định, Đoàn kịch Nghệ Tĩnh và Đoàn cải lương Thanh Hóa.
Bám sát kịch bản là cách dựng đầy khôn ngoan của các đạo diễn dựng vở của Lưu Quang Vũ vì các đạo diễn đều hiểu rằng sợi chỉ tư tưởng trong mỗi vở được Lưu Quang Vũ xuyên suốt luôn logic, thuyết phục và sâu sắc lắm.
Vì thế ở phiên bản lần này, vẫn từ hồn cốt ấy, tư tưởng ấy, đạo diễn – NSƯT Chí Trung thổi thêm vào đó hơi thở mới trên một trục xoay “chuyển cảnh” cho sân khấu với ba góc cạnh: sân sinh hoạt tập thể (nhà vệ sinh, bể nước công cộng, bảng tin), nhà ông bà Đời và nhà bà Nhân.
Sự sáng tạo cho bối cảnh sân khấu đầy ngẫu hứng mà tinh tế ấy đã đưa câu chuyện mở ra nhẹ nhàng, khe khẽ, vừa đủ để người xem cảm nhận được không khí thời bao cấp, thấy ra bao ngột ngạt, bức bối của lòng người nhỏ hẹp.
Màn nhung khép lại cho vở kịch có phần khác so với kịch bản nhưng vẫn giữ nguyên góc nhìn rất đỗi nhân văn của Lưu Quang Vũ về cuộc đời: vẫn còn đó những người mẹ như bà Đời (NSND Lê Khanh)…
Dù chỉ là người đàn bà phục tùng chồng một cách câm lặng trong bao năm, cuối cùng bà đã dám lột mặt nạ của chồng bằng câu nói nghe đầy chua cay: “Khi đứa con khinh chính bố của nó thì còn việc gì nó không dám làm?”. Những vai bà mẹ như thế của Lê Khanh luôn rót vào lòng người biết bao rung cảm…
NSND Lê Khanh (vai bà Đời) và nghệ sĩ Quỳnh Dương (vai ông Đời) trong vở Ai là thủ phạm? – Ảnh: Đ.Triết
100 đêm diễn
Vở kịch Ai là thủ phạm? sẽ được công diễn từ ngày 25-1 tại rạp Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.
Cùng với đó, vở kịch này còn nằm trong dự án “Chắp cánh niềm tin 2015” của nhà hát (được triển khai bởi Ngân hàng SHB) với 100 đêm diễn và 70.000 vé mời không chỉ dành tặng cho khán giả tại Hà Nội mà còn dành tặng cho khán giả ở các tỉnh thành: Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng.

Đạo diễn đem vào khúc dạo đầu cũng như hồi kết của vở lời dẫn chuyện bằng nhạc rap sôi động mà sâu lắng: Vở diễn kia đã sang phần kết/Cuộc sống này vẫn cứ thế trôi/Ngẫm chuyện xưa lòng cứ bồi hồi/Nhắc thời nay ai cũng là thủ phạm.

Đan cài chất lãng mạn vào lớp lang của kịch, vở diễn có được những nhấn nhá, với chất nhạc bồng bềnh nhưng đầy suy tưởng của Đặng Hữu Phúc và những áng thơ của cặp đôi văn sĩ tài hoa mà bạc mệnh: Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh.
Cứ thế, sau tiếng cười vì cái ông Tỷ soi mói, huênh hoang, là trung tâm của sự rắc rối; anh Toàn – công an phường – chẳng biết gì về dân hay ông Đời lưu manh, cơ hội thì những khán giả lại lặng lẽ hòa vào cảm xúc trước lời thơ: Trời sinh ra trước nhất/Chỉ toàn là trẻ con… (Chuyện cổ tích về loài người) hay trong lời chia tay của Vinh với Diệp: Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa/Thương vườn cũ gẫy cành và rụng trái/Áo em ướt để anh buồn khóc mãi/Ngày mai chúng mình ra sao em ơi (Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa).
 
Theo TTO

 

Bình luận (0)