Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Ai đã châm lửa khiến ngọn lửa cháy âm ỉ suốt 6000 năm không thể dập tắt?

Tạp Chí Giáo Dục

Vỉa than dài khoảng 30 m nằm dưới núi Wingen ở Australia đã liên tục âm ỉ cháy suốt 6.000 năm qua. Trong khi các nhà nghiên cứu khẳng định đây là ngọn lửa tồn tại lâu đời nhất trái đất hiện nay.
Bí ẩn về ngọn lửa âm ỉ cháy suốt 6.000 năm không dứt
Nằm trong khuôn viên của công viên quốc gia cách thành phố Sydney, Australia, chừng 4h lái xe về phía bắc là một đám cháy âm ỉ ngoài tầm kiểm soát. Đám cháy đó đã diễn ra như vậy ít nhất 6.000 năm qua.
Đây là một vỉa than dài khoảng 30 m nằm dưới núi Wingen thuộc bang New South Wales, khiến nơi này còn có biệt danh là núi Burning (núi Cháy). Thực ra, những vỉa than cháy dưới lòng đất vốn không phải là điều hiếm gặp. Trên thực tế, các chuyên gia ước tính khoảng 1.000 vỉa than như vậy đang cháy âm ỉ trên khắp trái đất.
Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ chỗ nào. Những đám cháy như thế thường xảy ra ở những nước giàu mỏ than và sớm được dập tắt chỉ trong vài ngày, lâu nhất trong một tháng.
Ngọn lửa âm ỉ cháy dưới núi suốt 6.000 năm chưa dứt
Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Mỏ than Jharia của Ấn Độ đã cháy liên tục suốt 100 năm qua là một ví dụ như vậy. Nhưng nó chưa là gì với vỉa than ở Australia khi cháy suốt 6.000 năm qua. Các nhà nghiên cứu khẳng định, đây là ngọn lửa tồn tại lâu đời nhất trên thế giới hiện nay.
"Không ai biết được quy mô chính xác của ngọn lửa bên dưới núi. Chúng ta chỉ có thể ước lượng. Nó giống như một trái bóng với đường kính từ 5-10m, nhiệt độ hơn 1.000 độ C", Giáo sư Guillermo Rein đến từ trường Đại học Imperial College London nhận định.
Vị Giáo sư này từng đến núi Burning vào năm 2014. Ông nhận thấy nó không giống lửa bình thường. Nói chính xác hơn, lửa ở đây không có "ngọn" mà chỉ cháy âm ỉ như lửa than.
Đất đai xung quanh khu vực đều cằn cỗi, xác xơ
Các chuyên gia ước tính, lửa trên núi đang cháy ở phạm vi 30 m dưới lòng đất, có xu hướng dịch chuyển với tốc độ khoảng 1 m về phía nam mỗi năm. Dù sự tồn tại của nó không quá rõ ràng.
Bằng chứng về sự tồn tại là những đám khói kèm tro xám, cộng thêm nền đất ấm nóng, đất đá xung quanh chuyển màu vàng hoặc đỏ. Người ta tin rằng, trong lịch sử 6.000 năm bốc cháy, nó đã bao phủ một diện tích kéo dài khoảng 6.5 km.
Mùi khét của lưu huỳnh cháy tồn tại trong không khí xung quanh và con người có thể cảm nhận được hơi nóng từ ngọn núi dưới lòng đất. Nhiều người lo ngại, ngọn lửa này tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh do thải ra lượng khí CO2 khổng lồ mỗi ngày.
Ai là người châm lửa đốt?
Câu hỏi này khiến cả giới chuyên gia cũng phải đau đầu. Nói đúng hơn, chưa ai chắc chắn đáp án chính xác.
Tài liệu ghi nhận đầu tiên về ngọn lửa xuất hiện vào năm 1828. Khi đó, một nông dân người bản địa cho biết đã tìm thấy miệng núi lửa ở vùng núi Wigen.
Nơi này mỗi ngày thải ra không khí lượng CO2 khổng lồ
Chỉ một năm sau, vào năm 1829, nhà địa chất học Reverend CPN Wilton kết luận, đây không phải là miệng núi lửa mà là đám cháy vỉa than. Các phép đo cho thấy, đường đi của ngọn lửa bao phủ khoảng 6,5 km, cho thấy nó cháy ít nhất 6.000 năm qua.
Theo Giáo sư Rein, nguyên nhân phát lửa nhiều khả năng do tự nhiên. Đó có thể là kết quả của một vụ sét đánh hoặc đám cháy rừng từ hàng nghìn năm trước.
"Nguyên nhân cao là do tự nhiên. Vỉa than bị bắt lửa có thể do cháy rừng từ một tia sét nào đó, hoặc đơn giản khi nóng quá nó sẽ tự cháy. Nhưng cũng không thể bác bỏ khả năng tác động từ người xưa. Khu vực này từng được xem là nơi linh thiêng với người Wanaruah bản địa. Họ từng dùng lửa để nấu nướng và chế tạo vũ khí", một vị chuyên gia nhận định.  
Bất kể vì lý do nào, ngày nay, dù vẻ bề ngoài có phần xơ xác, núi Burning vẫn trở thành điểm hút khách du lịch, với hàng nghìn người đổ về nơi này để chứng kiến ngọn lửa than liên tục cháy lâu đời nhất thế giới.
Quốc Việt (theo dantri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)