Trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng hiện diện nhiều hơn trong sáng tác âm nhạc, một lĩnh vực vốn được xem là đặc quyền của con người. Điều này đặt ra vấn đề liệu AI có thể thay thế hoàn toàn người nhạc sĩ trong quá trình sáng tác và sự phối hợp giữa nhạc sĩ và AI có tạo ra những tác phẩm âm nhạc vượt trội hơn?
Sinh viên khối ngành nghệ thuật Trường ĐH Văn Hiến trình diễn trong một chương trình tại trường
Nhiều khía cạnh trong việc ứng dụng AI vào âm nhạc đã được đề cập, mổ xẻ tại hội thảo khoa học quốc gia “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo âm nhạc đương đại” do Trường ĐH Văn Hiến phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.
AI “viết nhạc”, phân tích cấu trúc, dự đoán xu hướng…
AI trong âm nhạc bắt đầu với các thuật toán đơn giản vào những năm 1950 và 1960, khi các nhà nghiên cứu như Lejaren Hiller và Leonard Isaacson sử dụng máy tính để tạo ra các bản nhạc dựa trên quy tắc toán học. Với sự phát triển của công nghệ máy tính, khả năng của AI trong âm nhạc đã được nâng cao đáng kể. Các hệ thống AI hiện đại có khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ và học hỏi từ chúng để tạo ra các tác phẩm âm nhạc phức tạp.
Những năm gần đây, AI không chỉ có thể tạo ra các giai điệu và hòa âm mới, mà còn có thể phân tích cấu trúc âm nhạc, dự đoán xu hướng; thậm chí đánh giá phản hồi từ người nghe. Trong tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Bạch Mai (nhạc sĩ, giảng viên Khoa Du lịch, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết đã tiến hành một loạt thử nghiệm và nghiên cứu điển hình trong đó có khảo sát nhiều nhạc sĩ. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, mặc dù nhạc sĩ có khả năng sáng tạo độc lập mạnh mẽ, song khả năng tự đánh giá và chỉnh sửa có thể bị giới hạn bởi quan điểm cá nhân, thiếu sự phản hồi từ bên ngoài. Chưa kể một số nhạc sĩ có thể thiếu các công cụ và nguồn lực để thực hiện ý tưởng sáng tạo.
Trong khi đó, AI có khả năng sáng tạo độc lập ấn tượng trong sáng tác âm nhạc nhưng cũng gặp thách thức ở việc thiếu cảm xúc và thiếu sự tinh tế do thiếu cảm nhận và không có trải nghiệm cá nhân. Các nhà soạn nhạc là con người dựa vào trải nghiệm cá nhân và trực giác cảm xúc, trong khi AI sử dụng các bộ dữ liệu và thuật toán khổng lồ để tạo ra âm nhạc. Khả năng sáng tạo của AI phụ thuộc nhiều vào chất lượng và sự đa dạng của dữ liệu huấn luyện.
Đặc biệt, AI thường gặp khó khăn trong việc sáng tạo ngẫu hứng và không theo khuôn mẫu, điều mà các nhạc sĩ con người thường làm tốt. Chính vì vậy, ông Mai đặt vấn đề phối hợp sáng tác giữa hai bên, trong đó AI hỗ trợ việc lên ý tưởng và sàng lọc, các nhà soạn nhạc mang lại cảm xúc và bối cảnh.
Theo ông Mai, sự hợp tác này cũng giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực trong quá trình sáng tác. Cụ thể, AI có thể tự động hóa các công việc lặp lại như hòa âm, phối khí và chỉnh sửa, giúp nhạc sĩ tập trung vào các khía cạnh sáng tạo hơn. Đồng thời, AI có thể nhanh chóng phát triển và biến đổi các ý tưởng âm nhạc ban đầu thành các bản nhạc hoàn chỉnh. AI có thể cung cấp phản hồi liên tục và nhanh chóng, giúp nhạc sĩ điều chỉnh, cải thiện tác phẩm một cách hiệu quả.
AI không chỉ có thể tạo ra các giai điệu và hòa âm mới, mà còn có thể phân tích cấu trúc âm nhạc, dự đoán xu hướng, đánh giá phản hồi từ người nghe
Một vấn đề quan trọng khác mà TS. Mai đặt ra đối với âm nhạc khi ứng dụng AI là đạo đức và pháp lý. “Xác định quyền sở hữu trí tuệ cho các tác phẩm âm nhạc do AI tạo ra là một vấn đề phức tạp. Ai sẽ sở hữu bản quyền, nhạc sĩ, nhà phát triển AI, hay cả hai? Việc sử dụng AI trong sáng tác âm nhạc có thể bị xem là thiếu đạo đức nếu nó thay thế hoàn toàn vai trò của nhạc sĩ, làm giảm giá trị của sự sáng tạo con người” – TS. Mai nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ThS. Nông Xuân Hiểu (giảng viên Khoa Nghệ thuật, Trường ĐH Văn Hiến) thông qua tham luận cũng nhìn nhận, mặc dù AI tăng cường khả năng sáng tạo, hiệu quả sản xuất, mở ra cơ hội mới cho các nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc nhưng thách thức lớn khi sử dụng AI trong âm nhạc là vấn đề bản quyền. Khi AI học từ các tác phẩm âm nhạc hiện có để tạo ra tác phẩm mới, ranh giới giữa sáng tạo và sao chép trở nên mờ nhạt. Điều này đặt ra câu hỏi về quyền sở hữu trí tuệ, ai sẽ sở hữu bản quyền của những bản nhạc do AI tạo ra.
Số hóa ngành âm nhạc phục vụ đào tạo
Một trong những thách thức lớn nhất khi hợp tác giữa nhạc sĩ và AI là khả năng của AI trong việc hiểu và tái tạo cảm xúc. AI hiện chủ yếu dựa vào các mẫu và thuật toán để tạo ra âm nhạc, do đó, cảm xúc trong tác phẩm của AI thường thiếu sự chân thực và tinh tế, không thể so sánh với cảm xúc từ trải nghiệm thực tế của con người. |
ThS. Nông Xuân Hiểu dự báo tương lai của AI trong âm nhạc rất rộng mở. Các công cụ AI sẽ tiếp tục phát triển, trở nên thông minh và dễ sử dụng hơn; giúp mọi người, kể cả những người không có nhiều kiến thức về âm nhạc, cũng có thể sáng tác và sản xuất những bản nhạc chất lượng cao.
AI có thể được tích hợp vào giáo dục âm nhạc để giúp học sinh, sinh viên học cách sáng tác, biểu diễn. Các hệ thống học trực tuyến sử dụng AI có thể cung cấp phản hồi ngay lập tức và cá nhân hóa, giúp học viên cải thiện kỹ năng của mình một cách hiệu quả hơn.
PGS.TS.NGƯT Trương Ngọc Thắng (Trưởng bộ môn Thanh nhạc Trường ĐH Văn Lang) cho rằng, đào tạo để sử dụng AI làm phương tiện, công cụ cùng với trí tuệ, tình cảm của con người nhằm sáng tạo âm nhạc, giúp con người hoạt động âm nhạc thông minh, thuận lợi hơn là một xu thế trong thời gian tới.
Đối với Việt Nam, sử dụng AI trong sáng tạo âm nhạc là tổ chức đào tạo một đội ngũ thuộc lĩnh vực âm nhạc biết sử dụng công nghệ AI để làm nòng cốt cho chuyển đổi số; là số hóa ngành âm nhạc. Việc số hóa để xây dựng các bài giảng cơ sở ngành, chuyên ngành theo dạng học tập trực tuyến mẫu có yếu tố AI đối với những học phần trong chương trình đào tạo âm nhạc của các trường ĐH.
Với những dữ liệu sau khi đã chuyển đổi số, các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp như cùng các trường ĐH tư thục có đào tạo âm nhạc sẽ khai thác một cách thuận lợi vào chương trình đào tạo.
Mê Tâm
Bình luận (0)