Ngày nay đi đâu, gặp nhau ở đâu ngoài việc làm ăn, người ta thường quan tâm, kể lể với nhau về việc học hành của con cái. Người có con học giỏi, đang nằm ở đội tuyển này, đội tuyển khác thì khuôn mặt sáng bừng lên với vẻ tự hào, mãn nguyện, có người thì lại trầm xuống, không góp chuyện tìm cách lãng đi nơi khác mà nguyên nhân là việc học tập yếu, kém, không như ý của con mình. Đau nhất là các vị cấp trên trong công sở có con học kém hơn nhân viên cấp dưới, các đại gia tiền bạc “mênh mông” mà con lại “nằm cuối bảng”… Và thế là họ tìm mọi cách để “nâng cấp” cho con mình, từ đó mới nảy sinh ra hiện tượng con không phải học tập cho bản thân con mà học cho bố mẹ. Có nhiều bậc phụ huynh vững vàng kiên định không cho con học thêm, học trước nhưng rồi lòng cứ nôn nao, xốn xang khi nghe cô giáo nhắc nhở về việc học tập chậm chạp, lẹt đẹt của con mình so với bạn bè cùng lớp. Bi kịch về tuổi thơ bị đánh cắp ra đời từ đấy. Đã không biết bao nhiêu ý kiến của các nhà nghiên cứu giáo dục bàn luận về hiện tượng này. Nhưng cái điều cơ bản nhất là phải tìm ra nguyên nhân sâu xa thì chỉ quanh quẩn mấy luận điểm là do tính sĩ diện của phụ huynh, áp lực từ nhà trường… và rồi mọi người bị quay cuồng trong vòng xoáy ấy chỉ biết tế nhị làm theo để được song hành với ngành giáo dục. Hàng ngày nhìn nhiều con em của chúng ta, trong năm học và cả ba tháng hè, sáng-trưa-chiều-tối ngụp lặn trong vòng vây của chữ nghĩa trông thấy mà thương.
Theo tôi, có một nguyên nhân sâu xa mà nhiều người biết, nhưng ít người đề cập đến, mà có đề cập đến thì rất nhẹ nhàng chưa thấu đáo của việc tuổi thơ bị đánh cắp là do cái cách quản lý của ngành giáo dục nước ta là không nhất quán, không đồng bộ trong việc đánh giá học sinh, việc soạn sách giáo khoa, việc thi đua khen thưởng… Nguyên nhân tôi đề cập đến không mới nhưng cách làm thiếu quyết liệt và đồng bộ ấy đã vô hình trung góp phần vào việc đánh cắp tuổi thơ.
Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng)
Bình luận (0)