Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Ai dễ tử vong khi tập thể dục?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thông tin một người đàn ông 44 tuổi chết trong lúc tập thể dục tại phòng tập của một trung tâm thể dục ở Q.5 vào chiều 27/8 đã làm nhiều người lo lắng. Đây là sự cố sức khoẻ đột ngột hay hệ luỵ tất yếu của việc tập luyện không khoa học? 

Những người nên có bác sĩ tư vấn
Thể dục là để khoẻ nhưng nếu tập không đúng cách dễ dẫn đến chấn thương. Thường là chấn thương ở gối, thắt lưng, chân, tay, vai… Nếu sai nhiều, gây ra các bệnh mãn tính như viêm khớp, thoái hoá khớp, đau thần kinh tọa, nứt, gãy xương sống. Với những trường hợp dưới đây, rất cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa về thời gian và loại bài tập phù hợp:
– Người lớn tuổi, có bệnh tim mạch: dễ bị ngất, té ngã hay đột quỵ nếu vận động liên tục.
– Người béo phì: trọng lượng cơ thể tăng nhưng do bộ xương không lớn thêm nên luôn chịu áp lực rất lớn từ cơ thể. Khi vận động không đúng cách sẽ làm đau các khớp và chấn thương.
– Người bệnh loãng xương, rối loạn chuyển hoá mỡ, tăng cholesterol, huyết áp cao, tiểu đường: cũng nằm trong nhóm có nguy cơ bị chấn thương cao khi tập thể dục theo chương trình của người bình thường.
– Phụ nữ mang thai: trong thời gian ba tháng đầu, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để thực hiện một số động tác giúp cho thai phát triển tốt hơn. Sau khi sinh, không nên tập luyện ngay, phải đợi ít nhất sáu tuần. Trường hợp sinh mổ, cần nghỉ ngơi ít nhất 12 tuần trước khi muốn tập lại để lấy dáng.
Có nhiều nguyên nhân khiến người tập thể dục đột quỵ, ngất hay tử vong trong hoặc sau khi vận động. Trong đó phần lớn do bệnh lý. Tuy nhiên, ngay cả những người không có bệnh cũng có nguy cơ gặp các tai biến này. Chẳng hạn, không ăn sáng, dẫn đến hạ đường huyết do quá đói; tập vào lúc trưa nắng gắt; tối hôm trước thức quá khuya, vui chơi nhiều làm người mỏi mệt, căng thẳng, stress, bị thương… Sức ép tâm lý phải gắng sức để đạt thành tích trong lúc tập luyện cũng dễ dẫn đến ngất xỉu, đột quỵ.
Tập sao cho khoẻ, an toàn?
Trước khi tập, nên chọn môn và những bài tập phù hợp sức khoẻ và sở thích. Nếu tập với các thiết bị hỗ trợ tại phòng tập, cần hiểu rõ tính năng, cách thức hoạt động cũng như những cảnh báo an toàn của thiết bị. Tuyệt đối không luyện tập khi không biết rõ tác dụng cũng như cách sử dụng của các thiết bị hỗ trợ. Khởi động trước khi luyện tập từ 5-10 phút. Phải tập thở ngay trước khi bắt đầu bài tập, hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng.
Cách tập an toàn nhất là tăng dần cường độ hàng ngày theo yêu cầu cơ thể. Với người có bệnh khi bắt đầu tập, chỉ nên tập nhẹ nhàng trong vòng 10-15 phút, ba lần/tuần để tim mạch và cơ bắp thích ứng dần. Người bình thường chỉ cần tập một giờ là đủ. Thanh thiếu niên tập từ 1-2 giờ. Nửa tiếng là thời gian lý tưởng cho mỗi ngày và phù hợp với những người bận rộn, 20 phút dành cho người trung niên, cao tuổi.
Khi tập không nên làm các động tác mạnh rồi ngừng lại đột ngột vì dễ gây choáng ngất. Nên có các hoạt động đa dạng để không nhàm chán, như xen kẽ đi bộ với hít thở, vươn vai hoặc vung tay chân một cách thoải mái. Duy trì tập luyện đều đặn thường xuyên và lâu dài. Lựa chọn chỗ luyện tập an toàn, thoáng đãng.
Sau khi tập không nên tắm ngay, vì máu chưa kịp điều chỉnh lại dễ gây thiếu máu não. Cũng không nên ăn ngay vì làm ảnh hưởng xấu tới sự co bóp dạ dày. Không nên ngồi hay nằm xuống nghỉ một cách đột ngột khi kết thúc tập luyện mà nên đi lại nhẹ nhàng một lúc để cơ thể quen dần.
Theo ThS.BS Lê Minh Chiến
Viện Khoa học thể dục – thể thao/SGTT

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)