Sáng 18-8, tại TP.HCM đã diễn ra Hội nghị trí tuệ nhân tạo tạo sinh 2024 với chủ đề “Chân trời mới”.
Hội nghị được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, đồng tổ chức bởi New Turing Institute (NTI) Rethink Healthcare Foundation (RHF) cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và Đại Học Fulbright.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng (tương đương 74 tỷ đô la Mỹ). Trong đó, có sự đóng góp rất lớn của AI trong các lĩnh vực kinh tế số.
Theo nghiên cứu của Thundermark Capital, Việt Nam và Singapore là 2 đại diện của Đông Nam Á góp mặt trong Top 30 thế giới về nghiên cứu AI.
Hội nghị trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) 2024 là một sự kiện lớn, rất có ý nghĩa để các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư và các bên liên quan cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.
“Qua đây, các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác để tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ AI thế giới”, Thứ trưởng Bích Ngọc khẳng định.
Hội nghị tập trung vào 3 chủ đề: “Mô hình nền tảng của GenAI”; “Ứng dụng thực tiễn của GenAI” và “Cơ hội cho Việt Nam”.
Ở chủ đề “Mô hình nền tảng của GenAI”, TS. Jeff Dean – Giám đốc Khoa học của Google – đã tiết lộ những đột phá trong trí tuệ nhân tạo tạo sinh thông qua các mô hình Gemini tiên tiến của Google.
TS.Jeff Dean nhấn mạnh cách mà Gemini 1.5 Pro, hạ tầng AI cách mạng của Google, xuất sắc trong việc xử lý các ngữ cảnh dữ liệu rộng lớn bao gồm văn bản, âm thanh, hình ảnh và video.
TS.Jeff Dean cũng nhấn mạnh các khía cạnh đạo đức của phát triển AI, ủng hộ 7 nguyên tắc hướng dẫn của Google để đảm bảo AI phục vụ lợi ích xã hội và tính bảo mật được tích hợp trong thiết kế.
Đặc biệt tập trung vào các ứng dụng thực tiễn, những tiến bộ của Gemini – một hệ mô hình ngôn ngữ lớn đa phương thức đang chứng tỏ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nâng cao khả năng chẩn đoán và giám sát môi trường.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa tích hợp AI vô cùng quan trọng, và những sự kiện như Hội nghị trí tuệ nhân tạo tạo sinh 2024 đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy đối thoại giữa các nhà tiên phong AI toàn cầu và các nhà đổi mới, chuyên gia quốc gia.
Khi Việt Nam hướng tới khai thác AI để phát triển kinh tế và cải thiện xã hội, những cầu nối đó hứa hẹn sẽ xúc tác sáng tạo, nhận ra tiềm năng chiến lược của AI trong hệ sinh thái công nghệ năng động của Việt Nam.
Còn phần “Ứng dụng thực tiễn của GenAI”, các lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ đổi mới sáng tạo đã thảo luận về tiềm năng chuyển đổi và ứng dụng của GenAI trong y tế, sức khỏe, giáo dục, và đời sống xã hội. Từ đó để cho thấy GenAI đang thay đổi cuộc sống của chúng ta từng ngày một cách sâu sắc.
Cuối cùng, phần “Cơ hội cho Việt Nam” là một cuộc đối thoại cởi mở, nơi các nhà đầu tư và các lãnh đạo tập đoàn AI lớn trong và ngoài nước thảo luận về tác động của GenAI đến sự tăng trưởng công nghệ và kinh tế của Việt Nam, cũng như cơ hội và thách thức của Việt Nam trên con đường trở thành một trong những đất nước dẫn đầu về AI. Đây là một cuộc chơi lớn và Việt Nam cần chuẩn bị thật kỹ để không bị tụt hậu.
TS.Lương Minh Thắng – đồng tổ chức – cho biết: “Điều mà tôi quan tâm hàng đầu đó là đào tạo các nhà khoa học trẻ Việt Nam và kết nối tri thức thế giới với Việt Nam, ở đây là sự phát triển đột phá của công nghệ AI để góp phần tạo tác động đến Việt Nam”.
“Chúng tôi hy vọng thông qua sự kiện này có thể mở ra bức tranh sâu, rộng cho hệ sinh thái công nghệ Việt Nam, từ sự xuất hiện của những nhà khoa học lớn, thần đồng toán học quốc tế, hay những lãnh đạo, nhà khởi nghiệp thành công trên thế giới. Từ cách tư duy toán học, cho đến nghiên cứu với mô hình nền tảng của GenAI, đến ứng dụng trong các ngành ở kỷ nguyên mới và những cơ hội cho Việt Nam”, TS. Thắng chia sẻ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)