Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Ai đứng đầu chất lượng 3G tại TP.HCM?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Thiết bị USB 3G – Ảnh minh họa
Tạp chí eChip Mobile vừa thực hiện việc "kiểm tra" chất lượng dịch vụ (chỉ tiêu tốc độ) 3G các nhà mạng trên địa bàn thuộc TP.HCM, kết quả thu về được đông đảo người dùng quan tâm.

Quá trình khảo sát ra sao?

Cách làm của eChip Mobile là sử dụng ba chiếc USB 3G đã được đăng ký gói cước với tốc độ 7,2 Mbps của ba nhà mạng là Viettel, MobiFone, VinaPhone và một chiếc laptop đi khảo sát tại 24 điểm ở 24 quận, huyện thuộc TP.HCM.

Tốc độ truy cập sẽ được ghi nhận dựa trên kết quả của Speedtest khi kết nối với một máy chủ trong nước. Ngoài ra, eChip Mobile cũng thực hiện việc download trực tiếp bằng tài khoản trả tiền của website www.megaupload.com, để kiểm tra tốc độ khi kết nối với một máy chủ quốc tế.

Kết quả khảo sát cho thấy Viettel gần như chiếm ưu thế tuyệt đối về chất lượng 3G so với hai mạng MobiFone và VinaPhone.

Tại Ga Sài Gòn (Q.3), tốc độ 3G của Viettel dẫn đầu với kết quả trung bình ở mức 2,6 Mbps/1,89 Mbps. Tốc độ download khi không dùng chương trình hỗ trợ đạt mức từ 150 – 310 KB/giây. Về phía MobiFone, tuy vẫn đạt mức tối đa là 1,58 Mbps/0,12 Mbps nhưng tốc độ download khi không được hỗ trợ bởi phần mềm chỉ đạt khoảng 30 KB/giây.

Tại khu vực công viên Phú Lâm (Q.6), Viettel tiếp tục ghi điểm khi kết quả đạt mức 5,65 Mbps/2,15 Mbps. Đây được xem là tốc độ cao nhất mà thiết bị D-Com 3G có được khi hỗ trợ cho chuẩn 7,2 Mbps. Cũng tại khu vực này, VinaPhone chỉ đạt mức 3,78 Mbps/0,33 Mbps. MobiFone đứng cuối bảng với 2,26 Mbps/0,55 Mbps.

Đáng chú ý ở kết quả kiểm tra từ Viettel chính là việc phủ sóng 3G ra những vùng ven. Cụ thể, tại khu vực bến phà Bình Chánh (H.Cần Giờ), mạng 3G của Viettel chiếm ưu thế với tốc độ download lên đến 764 KB/giây.

Đó cũng là lần đầu tiên Speedtest trả về kết quả 6,1 Mbps/1,73 Mbps, gần bằng với tốc độ cam kết của nhà mạng. Ngược lại, cả MobiFone và VinaPhone chỉ tốc độ ở mức từ 20 – 60 KB/giây.

Các nhà mạng nói gì?

Qua 24 điểm khảo sát ở TP.HCM, tốc độ truy cập 3G của Viettel được xếp vị trí đầu khi chiếm ưu thế khá rõ, MobiFone xếp thứ hai và sau cùng là VinaPhone.

Những con số được công bố cũng có thể xem là sẽ làm hài lòng đối với người dùng TP.HCM, bởi tuy chưa đạt đến tốc độ như cam kết nhưng xét trên nhu cầu chỉ dùng 3G để lướt web thì cả ba nhà mạng đều đáp ứng tốt về tốc độ lướt web nhanh và ổn định.

Có thể thấy rằng với kết quả đo được do tạp chí eChip Mobile thực hiện, thì chỉ có Viettel có lợi. Riêng VinaPhone và MobiFone vẫn chưa phản ứng gì, và cho rằng việc đo kiểm phải do cơ quan chức năng mới có thẩm quyền thực hiện và có ý nghĩa.

Đại diện truyền thông của MobiFone cho rằng: Việc khảo sát, đo kiểm hiện tại theo chức năng nhiệm vụ thì chỉ có Cục Quản lý chất lượng của Bộ Thông tin và Truyền thông là có đủ chức năng, thiết bị và công nghệ đo kiểm chất lượng dịch vụ của mạng di động, dịch vụ GPRS… do đó, MobiFone không có bình luận gì về kết quả khảo sát của eChip Mobile.

Trong khi đó, đại diện truyền thông của VinaPhone cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành đo kiểm chất lượng dịch vụ 3G của VinaPhone, tất cả các số đo đúng theo qui định của Bộ. VinaPhone đồng thời đang thực hiện đúng cam kết cả về chất lượng và dịch vụ theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Để đo tốc độ thật của USB thì phải có các trung tâm kiểm định thiết bị (kiểm định hợp chuẩn thiết bị USB, các giấy chứng nhận chất lượng thiết bị của các tổ chức có đủ điều kiện kiểm định) và điều kiện là phải có phòng test tiêu chuẩn và đơn vị test phải có chức năng. Như vậy, mọi biện pháp đo kiểm cần thực hiện bởi cơ quan chức năng mới có ý nghĩa.

Kết quả không đảm bảo độ tin cậy

Trao đổi với PV Thanh Niên Online về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Trung – Cục phó Cục Quản lý chất lượng CNTT-TT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay chưa có quy định về việc cấm các tổ chức, cá nhân độc lập thực hiện đo kiểm và công bố chất lượng dịch vụ viễn thông nói chung. Vì vậy, việc eChip Mobile tự thực hiện đo kiểm và công bố kết quả là quyền của đơn vị này.

Tuy nhiên, để có thể đánh giá chính xác chất lượng dịch vụ của chỉ tiêu tốc độ 3G, nhất là để so sánh mức chất lượng giữa các doanh nghiệp với nhau thì cần có phương pháp khoa học cụ thể, ví dụ như về số lượng mẫu đo, khoảng cách giữa các mẫu đo, tốc độ di chuyển khi đo di động (driving test), việc đo kiểm phải được thực hiện đồng thời đối với các mạng…
 
Theo như các thông tin về việc đo kiểm mà eChip Mobile công bố thì kết quả đo kiểm và việc so sánh như vậy là không đảm bảo độ tin cậy. Ngoài ra, có một điểm mà eChip Mobile chưa nêu chính xác đó là tốc độ cam kết của các doanh nghiệp không phải là 7,2 Mbps mà đây là tốc độ hướng xuống tối đa hay năng lực kỹ thuật tối đa mà theo công nghệ hiện tại (HSPDA) có thể đáp ứng. Còn tốc độ thực tế tại máy đầu, cuối phụ thuộc vào khoảng cách đến trạm phát sóng, có hay không có vật cản giữa trạm phát sóng và máy đo, số lượng người sử dụng đồng thời.

Ông Đức Trung cho biết thêm: Hiện tại Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có tiêu chuẩn hay quy chuẩn kỹ thuật về việc đo kiểm, đánh giá chỉ tiêu tốc độ của dịch vụ 3G. Tuy nhiên, nếu Bộ có ban hành quy chuẩn hay tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ thì cũng quy định một số lượng mẫu tối thiểu khi đo kiểm nhằm mục đích đánh giá thực tế chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp so với mức cam kết hoặc công bố, chứ không nhằm mục đích so sánh chất lượng dịch vụ giữa các doanh nghiệp với nhau.

Còn để có được kết quả đo kiểm tốc độ dịch vụ 3G một cách toàn diện, chính xác, tin cậy thì cần có rất nhiều điều kiện khác nhau. Ngoài ra, dịch vụ 3G mới được các doanh nghiệp triển khai chưa được một năm, các doanh nghiệp cũng đang trong quá trình xây dựng mạng lưới và tối ưu hóa hệ thống. Hiện tại Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang giao cho các đơn vị nghiên cứu xây dựng phương pháp đo kiểm, đánh giá chất lượng dịch vụ 3G trong đó có chỉ tiêu về tốc độ tải dữ liệu.

Ông Nguyễn Đức Trung – Cục phó Cục Quản lý chất lượng CNTT-TT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn ví dụ về việc đo kiểm chất lượng dịch vụ 3G đối với ba doanh nghiệp là Elisa, Sonera và DNA ở Phần Lan trong năm 2009:

Cách chọn vùng để đo: việc đo kiểm được thực hiện đối với 100 khu vực đô thị, trong đó 50 đô thị đông dân cư nhất của Phần Lan, 25 khu vực đô thị thuộc hạng 50 – 100 và 25 khu vực đô thị nhỏ hơn. Các khu đô thị này chiếm khoảng 74% dân số của cả nước.

Phương pháp đo: thực hiện đo driving test trên các tuyến đường chính xuất phát từ khu đô thị cho đến khi không còn nhận được tín hiệu. Việc đo kiểm đã thực hiện trên 13.752 km trong số 17.428 km đường của các tuyến đo và thực hiện tải liên tục tệp dữ liệu có dung lượng 50 MB từ mạng về thiết bị đo.

Phương pháp đánh giá: chia các vùng đo kiểm thành các ô vuông (square) có kích thước 100x100m, kết quả đo kiểm tốc độ tải dữ liệu được phân chia thành các dải tốc độ khác nhau cách nhau 250 KB/giây. Sau khi có số liệu đo kiểm thì xây dựng biểu đồ về số lượng các ô vuông đạt tốc độ trong từng dải tốc độ.

Thành Luân (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)