Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Ai được hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Ông Cao Văn Sang – Ảnh: T.C.

Theo luật định, từ ngày 1-1-2009 sẽ triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể việc thực hiện ra sao, đối tượng nào được hưởng bảo hiểm thất nghiệp? Ông Cao Văn Sang, giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, cho biết:

– Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và có giao kết các loại hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc (gọi chung là hợp đồng lao động) xác định thời hạn từ 12-36 tháng, hợp đồng không xác định thời hạn… tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể… được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Riêng cán bộ, công chức không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, người lao động ký hợp đồng sáu tháng hoặc làm việc tại đơn vị dưới mười lao động trở xuống sẽ không được tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

* Điều kiện nào để người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chế độ ra sao?

– Người lao động sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đáp ứng ba điều kiện: đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động.

Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Cụ thể được hưởng ba tháng (nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 12 đến dưới 36 tháng), sáu tháng (nếu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 36 đến dưới 72 tháng)…

Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ học nghề (không quá sáu tháng từ ngày thất nghiệp), giới thiệu việc làm và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Xin lưu ý là thời gian người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc, mất việc làm.

 

Công nhân Công ty TNHH Quang Sung Vina, Q.Gò Vấp, TP.HCM thất nghiệp vì giám đốc bỏ trốn cuối tháng 8-2008 – Ảnh: T.Cường

* Người lao động đăng ký ở đâu để hưởng trợ cấp thất nghiệp?

– Trong thời gian bảy ngày kể từ ngày bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động phải đăng ký với cơ quan lao động. Trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải đến thông báo với cơ quan lao động về việc tìm kiếm việc làm.

Thêm 550 công nhân mất việc

Ngày 18-12, ông Nghiêm Phú Sơn – phó giám đốc Công ty TNHH Sambu Vina Sport (100% vốn Hàn Quốc, chuyên gia công balô, túi xách), ở huyện Hóc Môn, TP.HCM – cho biết do khan hiếm đơn hàng, công ty phải cắt giảm 224 công nhân bắt đầu từ ngày 10-1-2009. Đối với hơn 20 công nhân nữ đang mang thai, có con nhỏ trong tổng số công nhân trên sẽ được công ty bố trí công việc ở bộ phận khác.

Ông Sơn cho biết trong ngày 10-1, công ty sẽ thanh toán lương tháng một, thưởng tết và chốt sổ BHXH cho số công nhân trên. Về trả chế độ thôi việc hay mất việc cho công nhân, công ty đã có văn bản gửi cơ quan chức năng nhờ hướng dẫn vì việc cắt giảm lao động do nguyên nhân bất khả kháng.

Cùng ngày, Liên đoàn Lao động Q.Bình Tân cho biết Công ty TNHH Hưng Vượng đã giải thể do khó khăn, dẫn đến trên 260 công nhân mất việc. Công ty Hưng Vượng đã thanh toán một nửa lương tháng mười một và một phần lương tháng mười hai cho công nhân. Số còn lại công ty sẽ thanh toán hết vào ngày 25-12. Ngoài ra, 70 công nhân Công ty TNHH Thoại Kỳ cũng nhận được thông báo mất việc.

* Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp, nếu người lao động có việc làm thì giải quyết ra sao? Trường hợp người lao động không nhận việc (do không thích hợp) khi được cơ quan lao động giới thiệu thì giải quyết như thế nào?

– Theo quy định, nếu sau 15 ngày kể từ lúc đăng ký thất nghiệp mà chưa tìm được việc làm thì người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp đã có việc làm trước đó sẽ không được trợ cấp. Đối với người không thất nghiệp đương nhiên không được hưởng trợ cấp thất nghiệp (cũng tương tự như đóng BHXH mà không ốm thì không được trợ cấp ốm đau). Cũng theo quy định, sau hai lần từ chối nhận việc làm do tổ chức BHXH giới thiệu mà không có lý do chính đáng thì bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

* Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động vẫn có việc làm nhưng không báo cho cơ quan chức năng biết thì xử lý ra sao?

– Nghị định 127 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm thất nghiệp) chưa quy định rõ việc này. Tuy nhiên, người lao động không phải làm như vậy vì theo Luật BHXH, nếu có việc làm sẽ được trợ cấp một lần bằng giá trị còn lại của trợ cấp thất nghiệp chưa nhận. Ví dụ, người lao động đã hưởng một tháng trong sáu tháng trợ cấp thất nghiệp được hưởng, khi có việc làm thì người lao động sẽ được hưởng một lần năm tháng còn lại.

* Vậy khi người lao động tìm được việc làm mới thì tiếp tục đóng bảo hiểm thất nghiệp ra sao?

– Theo quy định, sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thì tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần sau. Lý do là người lao động đã nhận hết mức trợ cấp thất nghiệp tại công ty cũ. Nếu người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp tại công ty mới thì thời gian tính trợ cấp thất nghiệp kể từ ngày đóng bảo hiểm thất nghiệp tại chỗ làm mới.

* Sau thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động vẫn chưa tìm được công việc mới thì hướng giải quyết tiếp theo là gì?

– Theo những quy định trong Luật BHXH, có thể hiểu rằng khi đó người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp gì nữa.

TRUNG CƯỜNG (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)