Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Ai hưởng lợi nhất từ cú ngã của Huawei?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Dù vẫn được người dùng nội địa ủng hộ, Huawei không còn là hãng smartphone Trung Quốc số một. Xiaomi chính là hãng được lợi nhất từ cú ngã của Huawei.
Năm 2019, chính quyền Mỹ trừng phạt Huawei bằng cách hạn chế công nghệ. Tuy nhiên, hành động này lại khiến người dùng Trung Quốc càng ủng hộ thương hiệu trong nước.
Đầu tháng 1/2020, Huawei đã chiếm tới 40% thị phần smartphone tại Trung Quốc. Sự ủng hộ của thị trường nội địa, chiếm tới 60% doanh số Huawei, giúp công ty này giữ vững vị trí hãng smartphone lớn thứ 2 toàn cầu. Đến tháng 7/2020, Huawei thậm chí vươn lên vị trí số một toàn cầu sau một quý thành công.
Xiaomi đang mở rộng kênh bán lẻ smartphone, tận dụng khó khăn của Huawei. 
Tuy nhiên, những lệnh cấm tiếp cận công nghệ của Mỹ cuối cùng cũng có tác dụng với Huawei. Từ nửa cuối năm 2020, hãng không còn tiếp cận được nguồn chip để sản xuất smartphone. Vị thế cạnh tranh với Apple, Samsung của Huawei cũng chính thức bị Xiaomi lấy mất trong quý vừa qua.
Người hưởng lợi nhiều nhất từ cú ngã của Huawei
Khi Huawei vấp ngã, Xiaomi chính là người hưởng lợi nhiều nhất. Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, thị phần smartphone toàn cầu của Xiaomi đạt 11,2% trong quý IV/2020, tương đương 43,3 triệu máy. Với số lượng này, Xiaomi đã chính thức vươn lên vị trí hãng smartphone thứ ba toàn cầu, chỉ sau Apple và Samsung.
Theo báo cáo tài chính mới được Xiaomi công bố ngày 24/3, doanh thu smartphone của hãng này đã tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 42,6 tỷ tệ. Trong đó, lượng smartphone bán ra tại Trung Quốc của hãng đã tăng 52%. Phần tăng trưởng của Xiaomi đến từ chính Huawei.
“Khi Huawei bị đưa vào danh sách thực thể của Mỹ năm 2019, họ đang là hãng smartphone lớn thứ hai thế giới. Đến quý IV/2020, hãng đã tụt xuống vị trí thứ tư, và chúng tôi cho rằng thị phần toàn cầu của Huawei sẽ tiếp tục suy giảm”, nhà phân tích Fiona Vanier của CCS Insight nhận xét.
Xiaomi đang tận dụng khó khăn của Huawei để tăng trưởng mảng smartphone.
Ngoài thị trường Trung Quốc, Huawei cũng tăng trưởng mạnh tại châu Âu. Tại châu lục này, Huawei từng là thương hiệu smartphone Trung Quốc hàng đầu.
“Xiaomi rõ ràng đã tận dụng những khó khăn của Huawei để tăng trưởng trên toàn cầu. Cùng thời điểm Huawei gặp khó khăn, chúng ta thấy rõ Xiaomi đã tăng mạnh về thị phần”, bà Vanier phân tích.
Tại thị trường Trung Quốc, Xiaomi đưa ra nhiều chiến dịch khuyến mãi mạnh tay nhằm cạnh tranh trực tiếp với Huawei. Hãng đẩy mạnh dòng điện thoại giá tốt Redmi, trong khi Huawei phải bán đi thương hiệu smartphone tầm trung Honor vào tháng 11.
Tuy vẫn chỉ xếp thứ 5 ở thị trường nội địa, thị phần smartphone Xiaomi trong nước đã tăng mạnh. Trong quý IV, thị phần smartphone của Xiaomi tại Trung Quốc đạt 12%. Công ty này đứng thứ năm trong nước, sau Vivo, Oppo, Apple và Huawei.
“Năm 2020, Xiaomi đã đưa ra nhiều bước đi đúng đắn để cạnh tranh ở thị trường trong nước, như cách họ tấn công kênh bán lẻ cửa hàng của Huawei”, nhà phân tích Will Wong của IDC nhận xét.
Cảnh trái ngược của hai đối thủ Trung Quốc
Năm 2019, tuy bị cấm sử dụng các dịch vụ Google, Huawei vẫn có thể ra mắt nhiều mẫu smartphone mới. Người dùng Trung Quốc vốn không cần gói dịch vụ Google, nên thiết kế cùng cấu hình của điện thoại Huawei đủ thuyết phục họ.
Tuy nhiên, sau khi bị cấm làm ăn nhà sản xuất chip TSMC, Huawei đã không thể tiếp cận với nguồn chip cho smartphone. Họ chỉ có thể dùng những con chip đã mua từ trước, hoặc chọn các loại chip cũ, công nghệ lạc hậu do công ty Trung Quốc SMIC sản xuất.
Do không có chip, smartphone Huawei nhanh chóng trở thành “hàng hiếm”. Hãng buộc phải giảm sản lượng smartphone. Năm 2020, hãng này xuất xưởng được 189 triệu smartphone. Con số đó trong năm nay dự kiến chỉ từ 70-80 triệu máy, theo IDC.
"Hầu hết cửa hàng bán lẻ đều đang hết hàng. Huawei thường phân phối hàng cho đại lý dựa trên số lượng bán ra, và giờ đây cả những cửa hàng lớn cũng chật vật mới có hàng. Cửa hàng nhỏ thì không có hàng luôn", Ethan Qi, nhà phân tích tại Counterpoint Research nhận xét.
Do khan hiếm chip, những mẫu smartphone mới ra mắt của Huawei như Mate X2 trở thành của hiếm.
Vì khan hàng, smartphone Huawei trở thành của hiếm. Ben Xu, chủ một doanh nghiệp tại Quảng Đông cho biết ông phải trả thêm 500 tệ cho mỗi chiếc Huawei mua vào cuối năm ngoái, vì đã hứa sẽ tặng máy cho nhân viên.
"Không thể nào mua được điện thoại Huawei qua kênh thông thường", Xu cho biết.
Do không thể nhập máy, nhiều cửa hàng chuyên bán đồ Huawei đã phải đóng cửa. Theo South China Morning Post, nhiều cửa hàng Huawei tại các trung tâm thương mại không còn hoạt động.
Đó là tình cảnh trái ngược hoàn toàn với Xiaomi. Cuối quý IV/2020, hãng này đã có 3.200 cửa hàng trên khắp Trung Quốc, tăng hơn 1.000 cửa hàng chỉ trong một quý.
“Chúng tôi đang tích cực mở rộng kênh bán lẻ để có thể phủ tất cả các địa phương tại Trung Quốc”, Chủ tịch Xiaomi Wang Xiang chia sẻ với những nhà đầu tư sau khi công bố báo cáo tài chính.
Nhiều cửa hàng chuyên Huawei tại Trung Quốc phải đóng cửa, trả mặt bằng.
Không phải mọi thứ đều màu hồng với Xiaomi. Công ty này từng bị đưa vào danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ, với cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, quyết định cấm đầu tư vào Xiaomi của Bộ Quốc phòng Mỹ đã không thành công sau quyết định của toà án tại Washington ngày 13/3 vừa qua.
“Không có gì ngạc nhiên khi Xiaomi cố kiện lại quyết định của Chính phủ Mỹ, và quyết định có lợi cho họ là tin tức rất tốt. Xiaomi muốn tránh số phận như Huawei. Do họ không tham gia vào lĩnh vực hạ tầng mạng, chúng tôi tin rằng Xiaomi sẽ nhận được kết quả tích cực hơn”, nhà phân tích Vanier của CCS Insight nhận xét.
PV (theo vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)