Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ai làm sách cho học sinh khiếm thị?

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành GD&ĐT cần triển khai chương trình in loại sách dành cho đối tượng này song song với sách giáo khoa phổ thông.

Việc chép sách hay còn gọi là tự nhân bản thủ công sách giáo khoa (SGK) sang một tập giấy bằng chữ nổi Braille đã là chuyện thường ngày ở Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Chép và chép!
“Như thành thói quen, đứa lớn chỉ đứa nhỏ, đứa mắt thấy mờ mờ thì dùng kính lúp đọc cho đứa tối mắt chép sách. Cứ làm miết vậy rồi quen. Các em khiếm thị sống chung với việc thiếu SGK tự khi nào và chẳng ai kêu ca nữa” – ông Phan Văn Tam, Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên-Huế, nói.
Em Trần Văn Nguyện, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Trường An, TP Huế, hiện đang sống tại Trung tâm Hội Người mù, tâm sự: “Em thích học môn địa lý nhưng lại thiếu sách. Vậy nên hằng ngày vẫn phải nhờ anh Tiến, học lớp 6 mắt còn mờ mờ đọc giúp để chép. Chép đau tay nhưng vẫn thích vì còn có sách để đọc”.
Em Phạm Thị Thu Thảo, học sinh lớp 9, Trường THCS Hùng Vương, Thừa Thiên-Huế, cho biết từ năm học lớp 6, em đã phải học cách chép sách. “Nhiều khi phải chép cho kịp việc học nên tay của em bị sưng và rộp lên” – Thảo tâm sự.
Theo ông Tam, không chỉ học sinh cấp 2 và 3 thiếu SGK mà các em tiểu học cũng phải chép sách. Đa số sách các em phải chép là sách về các môn khoa học thường thức. Các em mượn một bộ sách thông thường rồi tự chép lại bằng ký hiệu chữ Braille để học. Ngay cả phụ huynh cũng được Hội Người mù của tỉnh phổ biến cách chép sách để phụ giúp các em.

Một học sinh lớp 6 đang đọc SGK cho hai em học sinh lớp 4 chép lại.
Kinh phí cao, không ai làm?
Lý do thiếu SGK cho học sinh khiếm thị theo ông Tam là do giá quá cao. Vì vậy, Hội Người mù tỉnh Thừa Thiên-Huế như gia đình các em học sinh khiếm thị không thể kham nổi. “Tiếc là SGK các em học sinh tự chép lại không thể dùng cho các em lớp dưới vì chữ nổi nhanh mờ. Chưa kể, mỗi em viết tắt một cách riêng nên không thể dùng được. Chúng tôi cũng từng tính đến phương án in sách nhưng loại giấy để in lại rất hiếm và đắt. Vì vậy, đến nay vẫn phải để các em tự làm sách để học” – ông Tam tâm sự.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay chỉ Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM là trường đầu tiên và duy nhất làm sách giáo khoa, tài liệu chữ nổi cho người khiếm thị trong cả nước. Bà Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng trường, cho biết chính giáo viên trong trường làm hai loại là sách chữ nổi và sách phóng to. Một số giáo viên của trường đã được đi nước ngoài bồi dưỡng về cách làm sách nổi nên thuận lợi hơn. Do có nguồn tài trợ máy móc và giấy để in nên học sinh trong trường đều được cung cấp sách miễn phí, học xong sẽ trả lại nhà trường để các khóa sau học tiếp, các em chỉ phải đóng phí bảo quản sách 100.000 đồng/năm.
Cũng theo bà Thanh Vân, do quá trình làm sách chữ nổi khá phức tạp nên giá mỗi bộ sách khá cao, tùy theo lớp học sẽ có giá 1-6 triệu đồng. Tuy nhiên, trường không bán sách mà chủ yếu chia sẻ cho các cơ sở khác trên cả nước để mong tất cả các em được học và những nơi đó chỉ đóng một phần kinh phí nhỏ cho trường mà thôi.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện một NXB tại TP.HCM cho hay chưa có một đơn vị nào đề nghị hợp tác với NXB để làm sách chữ nổi, có chăng chỉ làm sách nói phục vụ người khiếm thị. Theo vị này, sách chữ nổi có thị trường quá hẹp mà chi phí đầu tư cao nên bản thân các NXB không thể đầu tư. Muốn làm sách chữ nổi, cần có một chính sách hỗ trợ người khiếm thị hoặc có quỹ tài trợ để doanh nghiệp đảm bảo hoàn vốn thì họ mới dám làm để phục vụ độc giả khiếm thị.
Còn ông Nguyễn Minh Khang, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam, nói ngắn gọn: “Không có ngân sách để in sách cho học sinh khiếm thị”.
Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu bắt đầu làm sách từ năm 2002. Mỗi năm, trường in hơn 3.000 cuốn sách chữ nổi và sách phóng to. Ngoài cung cấp cho các cơ sở tại TP.HCM, trường còn chia sẻ cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước từ Thái Nguyên, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Hà Nội. Đối với những môn xã hội như địa, sử, văn… thì dễ làm, còn những sách tự nhiên như lý, toán, hóa làm rất mất thời gian vì có nhiều hình và ký hiệu đặc biệt. Ngoài SGK theo nội dung của Bộ, trường còn in nổi các loại sách dạy nghề, truyện, tiếng Anh, sách tham khảo, thiếu nhi… phục vụ cho học sinh trong trường.
HÀ THANH VÂN, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Đình Chiểu
Đa phần các cơ sở giáo dục khiếm thị phải tự lo sách cho học sinh. Hiện tại ngân sách nhà nước dành riêng cho việc in sách cho học sinh khiếm thị vẫn chưa có. Hằng năm, chúng tôi thường vận động tài trợ từ các đơn vị, tổ chức trong, ngoài nước và phối hợp với các cơ sở giáo dục khiếm thị để in sách.
Ông NGUYỄN ĐỨC MINH, phụ trách Giáo dục đặc biệt,
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Tùy theo mục tiêu môn học và mức độ thị giác của học sinh, hiện có ba loại sách cơ bản là sách chữ nổi, sách chữ to và sách nói. Sách chữ nổi được in bằng hình và chữ nổi giúp người học có thể dùng tay sờ và đọc được. Sách nói là sách được chuyển đổi từ sách in sang bằng cách đọc và ghi âm trên băng đĩa rồi nghe lại. Sách chữ to là chữ được in khổ to, nét đậm, hình ảnh được điều chỉnh về kích thước, chi tiết, màu sắc và độ tương phản.

Theo Người Lao Động

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)