Tây Tiến, một đơn vị gắn liền với cuộc đời và tên tuổi của nhà thơ Quang Dũng, bởi những năm ở Trung đoàn Tây Tiến cũng là thời gian oanh liệt của nhà thơ.
Nhà thơ Quang Dũng đã xuất bản nhiều tập thơ như: Mây đầu ô, Bài thơ sông Hồng, Thơ Quang Dũng… cùng nhiều tập truyện ngắn, bút ký, nhưng bài thơ Tây Tiến vẫn đứng vững trong các tuyển tập, sống mãi với thời gian và trong lòng bạn đọc. Hồn thơ Tây Tiến vừa là uy linh một thuở, vừa là tráng ca của một thời, vừa là tâm tư của người lính: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Nếu nhà thơ không gắn bó cuộc đời với Tây Tiến, không máu thịt, không gian lao, không kỷ niệm đến da diết, quặn thắt thì dễ gì có một Tây Tiến cho mọi người. Nhà thơ từng tâm sự: “Lúc đầu chúng tôi đi bằng ô tô, sau chuyển sang hành quân bằng đôi chân, thực sự nếm mùi Tây Tiến: mở rừng, ngủ rừng. Những cái dốc thăm thẳm “heo hút cồn mây súng ngửi trời”, những chiều “oai linh thác gầm thét”, những đêm “Mường Hịch cọp trêu người”… tôi mô tả trong thơ rất thực. Hồi ấy, trong đoàn chúng tôi rất nhiều người lính bị sốt rét đến trọc cả đầu. Chúng tôi đóng quân ở nhà dân, cứ mỗi lần nghe tiếng cồng nổi lên, lại tập trung đến nhà trưởng thôn để tiễn một con người vĩnh biệt núi rừng…”. Trong tiếng cồng buồn và tiếng sông Mã âm âm đưa tiễn làm nên khúc bi tráng của một thời: “Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Ngoài Tây Tiến, Quang Dũng còn có bài Mãi mãi mùa xanh xưa được nhạc sĩ Thế Duy, con trai người bạn Quang Dũng phổ nhạc. Vào một đêm, nhà thơ nghe bài hát với lời thơ của mình: “Em mãi là tuổi 20/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ Cây ổi ngọt thơm ngày ấy/ Và vầng hoa ngâu mùa thu/ Tóc anh đã thành mây trắng/ Mắt em dáng thời gian qua…”. Những ngày cuối đời trên giường bệnh, nhà thơ Quang Dũng không nói được nữa, cứ mỗi lần những người bạn trong Trung đoàn Tây Tiến đến thăm để vĩnh biệt, nước mắt nhà thơ lại ngắn dài. Vợ nhà thơ cầm khăn thấm mãi không thôi. Mắt nhà thơ nhìn mơ màng nhớ về ngày xưa xanh ngắt. Trong ngày xưa ấy có dáng hình người yêu cũ và bóng dáng đoàn quân Tây Tiến: “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy”.
Trúc Chi
Bình luận (0)