Trong những ngành thuộc khối A, toán học cũng giống như các ngành khoa học cơ bản khác đang bị “nằm lấp” đâu đó trong mớ ngành đang “hot” hiện nay. Là người trong cuộc, GS.TSKH Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này.
PV: Thời gian gần đây, sau mỗi mùa tuyển sinh, thí sinh đăng ký tập trung vào những ngành nóng với điểm chuẩn khá cao. Trong khi đó những ngành khoa học cơ bản phải chật vật để tuyển sinh. Ông nhận xét gì về vấn đề này?
Theo tôi, điều đó phản ánh nhu cầu thực của xã hội. Nhu cầu của những ngành đó cao và sự đãi ngộ của những ngành đó tốt nên thu hút được thí sinh. Điều đó cũng nói lên một điều là xã hội của chúng ta chưa phát triển đến mức người ta nhận thấy vai trò quan trọng của các ngành khoa học cơ bản. Nếu chúng ta không có chính sách đãi ngộ tốt để có những người nghiên cứu, giảng dạy đầu đàn về toán học thì không thể đảm bảo được trình độ đào tạo của hệ thống các trường ĐH Việt Nam.
Tôi được biết hiện Việt Nam đã có tới hơn 400 trường ĐH, CĐ, trường nào cũng cần giảng viên về toán. Nhưng thực trạng hiện nay, giảng viên chủ yếu có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì rất hiếm kể cả trường lớn. Nếu nhìn vào đội ngũ những người có đủ trình độ để giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế (có công bố công trình quốc tế) thì toàn bộ đất nước VN hiện nay chỉ có khoảng 150 người. Tôi chỉ nói về tiêu chuẩn rất thấp chứ chưa nói đến trình độ cao. Con số này không đủ để giảng mỗi người/ trường. Điều đó cho thấy trình độ giảng dạy toán của mình rất kém và sẽ ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của Việt Nam.
Tại sao với một đất nước gần 90 triệu dân chúng ta lại có con số giảng viên đủ tiêu chuẩn dạy toán ít ỏi thế, thưa ông?
Đấy là do chính sách đãi ngộ, ngoài ra còn do chính sách đào tạo. Đồng lương phải mang tính chất cạnh tranh với ngành khác. Ngoài ra còn môi trường làm việc. Với thanh niên, khi chọn ngành nghề nào đấy, họ phải biết được tương lai phát triển của ngành như thế nào. Nếu nhìn vào điều đó thì sẽ thấy các ngành khoa học cơ bản hiện nay rất khó thu hút người tài. Lý do là nếu nghiên cứu cơ bản, ngoài lương ra, hầu như không còn gì. Tôi cũng không hy vọng tất cả lớp trẻ sẽ theo khoa học cơ bản. Nhưng phải có chế độ đãi ngộ thế nào đấy để những người có khả năng thực sự làm nghiên cứu khoa học có thể sống được. Họ có tiền đồ thì họ an tâm theo đuổi. Nhưng ở Việt Nam kể cả những sinh viên có khả năng cũng không dám theo đuổi ngành này. Lấy ví dụ cụ thể là những học sinh đạt huy chương vàng Olympic môn toán thậm chí là hai năm liền cũng không theo đuổi ngành toán. Điều đó thể hiện cái nhìn của các nhà quản lý của chúng ta còn thiển cận.
Là người theo toán lâu năm, ông có cảm thấy buồn trước thực tế hiện nay không?
Buồn là hiển nhiên và tôi còn thấy tiếc. Có nhiều việc có thể giải quyết được bằng khả năng, bằng điều kiện kinh tế hiện nay của Việt Nam mà không giải quyết được. Mình không thể cải thiện tình hình theo cách đại trà thì cũng phải có giải pháp đột phá để cán bộ trẻ có thể yên tâm cống hiến cho khoa học.
Với thực trạng như hiện nay, có vẻ như việc thí sinh chọn theo toán là một sự “liều”?
Theo tôi nghĩ cũng hơi liều. Ở viện tôi có một cậu khá giỏi, có tư duy về toán và thời gian ở viện cậu ấy làm được rất nhiều công trình, dù còn rất trẻ. Nhưng khi gặp lại những người bạn cũ cùng học toán cậu bị gọi là “điên”. Vì trong lớp đó cậu là người giỏi nhất nhưng giờ lương thấp nhất. Lương cậu ấy là 2,5 triệu đồng/ tháng, cộng với thu nhập từ các khoản đề tài nghiên cứu tổng cộng khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Đây cũng là một sự cố gắng lớn của viện rồi. Nhưng với thu nhập 5 triệu đồng/ tháng với một người ở Hà Nội thì chỉ đủ nuôi bản thân, chưa nói đến nuôi vợ con, bố mẹ. Một trong những giải pháp để cậu ấy yên tâm là viện tạo điều kiện cho cậu ấy đi tu nghiệp nước ngoài. Hiện nay, những người đứng đầu Viện Toán đều là những người đã được đi tu nghiệp nước ngoài rất nhiều lần. Nhưng đối với thế hệ hiện nay thì con đường đó không đủ.
Nhưng thực sự nhiều học sinh cũng sợ vào ngành khoa học cơ bản vì khô – khó – khổ, ông nghĩ sao?
Bất kỳ một ngành khoa học nào cũng cần có năng khiếu nhưng năng khiếu không phải là quyết định tất cả. Sự cần cù, say mê đóng vai trò rất quan trọng. Ngành toán cũng như tất cả các ngành khác, cũng có những người lên đến đỉnh cao nhưng cũng phải cần những người ở quãng giữa, quãng dưới. Nếu đi vào những ngành càng nhiều người tham dự thì càng phải cạnh tranh nhiều. Nếu bạn nào có say mê thì nên tiếp tục. Làm khoa học, không phải ai cũng sẽ trở thành Ngô Bảo Châu. Vấn đề là say mê và mình cảm thấy được đóng góp.
Đầu ra, cơ hội việc làm theo ngành này có nhiều không?
Đầu ra không khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ. Nhiều công ty tin học rất trân trọng những người học toán, vì họ trân trọng khả năng tư duy.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê
Bình luận (0)