Hội nhậpThế giới 24h

Ai phát hiện virus H1N1?

Tạp Chí Giáo Dục

Mỗi lần về nhà, Ricardo cất quần áo làm việc trong gara, phải khử trùng thân thể thật sạch bằng cồn vì sợ lây bệnh cho vợ con – Ảnh: Sélection
Sáng 25-4, lúc 4g34, điện thoại Blackberry của bác sĩ Ricardo Quijano reo. Đang ngái ngủ vì còn quá sớm, vị bác sĩ người Mỹ gốc El Salvador này sờ tay lên bàn tìm chiếc điện thoại, mở ra và đọc tin nhắn: “Mời dự họp qua điện thoại về cúm heo. Ngay bây giờ”.

Ricardo, 30 tuổi, là một nhà khoa học nổi tiếng của Sở Y tế thành phố Houston, bang Texas (Mỹ). Ông hiểu rõ hai dòng tin nhắn này có ý nghĩa như thế nào. Từ vài ngày qua, ông và các đồng sự theo dõi một virus gây chết người – lúc đó gọi là virus cúm heo và sau đó được gọi tên chính thức là virus cúm A/H1N1 sau khi ông nhận dạng được nó – đang lây lan nhanh ở Mexico và Mỹ. Người gửi tin nhắn tiên đoán có sự gia tăng đột ngột của các mẫu cần phân tích. Và Ricardo là một trong các nhà khoa học chính phụ trách các nghiên cứu này trong phòng thí nghiệm.

Khoảng 20g cùng ngày, người ta chuyển các mẫu cần phải phân tích đến cho ông. Ông bắt tay vào việc. Tim ông đập liên hồi. Các trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh (CDC), mà trụ sở chung tại Atlanta, đã lập một quy trình bảo vệ nghiêm ngặt. Nhân viên thí nghiệm cũng vậy. Ricardo phải mang áo blouse xanh, mang bao tay dài được dán chặt bằng băng keo vào áo. Ông đội mũ bảo vệ có gắn thiết bị quạt gió trong đó.

Công việc tiếp theo với ông dài như vô tận. Khi ông đi vào phòng thí nghiệm và tiến tới tủ lạnh chứa các mẫu nguy hiểm, ông thiếu điều mất hết nghị lực. Từ nhiều năm qua, ông đã sẵn sàng đối chọi với những lúc như thế này. Hôm nay, ông là một trong những người đầu tiên phân tích nguồn gốc của một virus vô danh mà nó lại đang là tác nhân tiềm tàng gây lây lan dịch bệnh khắp thế giới sắp tới.

Ông mở tủ lạnh, cầm một khay chứa hai ống có nắp vặn vít kỹ. Bên trong mỗi ống nổi lên một chất màu đo đỏ của các mẫu được lấy từ đường hô hấp của các bệnh nhân. Ông tự nhủ đừng nóng vội. Trong 30 phút, Ricardo tẩy trùng khu vực làm việc và lấy mẫu vật ra khỏi ống. Ông đặt nó vào một máy có khả năng phát hiện chất gốc của virus H1N1.

Kết quả dương tính: một trong hai mẫu có chứa virus cúm A, đây là biến thái virus thông thường theo mùa. Nhưng máy chưa xác định được nòi virus A nào. Cho đến lúc đó chưa có ai quan sát được nguồn gốc mới của cúm heo cả. Còn Ricardo hiểu rõ: điều này giải thích tại sao máy và cả ông đã không thể phát hiện được. Giải pháp duy nhất là phải gửi các mẫu về trụ sở chính của các trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh ở Atlanta.

Ông tiếp tục phân tích và hôm sau đã có thể khẳng định: một trong hai mẫu là trường hợp đầu tiên của bệnh cúm heo H1N1 được phát hiện ở Houston. Lúc ấy, các bệnh viện thành phố gọi điện thoại liên tục đến Sở Y tế và gửi hàng trăm mẫu bệnh phẩm đến, tất cả đều được bỏ vào các túi xách dành riêng để đựng chất sinh học nguy hiểm.

Kể từ đó, trong 14 giờ mỗi ngày, Ricardo Quijano phân tích các mẫu bệnh phẩm cúm. Khi ông về tới nhà ban đêm, con gái Sophia đã ngủ từ lâu. Ngày nào nhịp độ làm việc của ông cũng căng thẳng như thế. Hụt hẫng về tình cảm, nhưng ông biết rõ trường hợp tử vong đầu tiên do virus cúm heo ở Mỹ là một cậu bé Mexico. Cậu bé lớn hơn ba tháng so với con gái ông, và tình cờ đến Houston. Nghe kể chuyện cậu bé, ông nói: “Tôi thấy mình hụt hẫng thật sự”.

Ông không bao giờ quên lần gặp lại con gái mình sau một tuần vất vả nghiên cứu virus. Tối ấy, khi ông trở về nhà, Sophia vội lao về phía ông. Ricardo quỳ xuống, hai tay dang rộng. Hai cha con ôm nhau khóc hồi lâu. Ông kể lại: “Đó chính là điều tôi cần nhất”.

Theo N.T.ĐA / Tuổi Trẻ
(Theo Sélection)

Bình luận (0)