Trong những năm gần đây, số lượng người bệnh đái tháo đường (ÐTÐ) có xu hướng gia tăng mạnh. Theo Hiệp hội đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2010, trên toàn thế giới có 243 triệu người mắc bệnh thì dự kiến đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 430 triệu người, tức là tăng 87%.
Khu vực có tỷ lệ tăng mạnh nhất là châu Á và châu Phi. ÐTÐ hiện được coi là một vấn đề sức khỏe toàn cầu và được coi là một đại dịch mà con người luôn phải đối phó. Ðiều này hoàn toàn đúng khi xem xét về cả phương diện số người đã, đang và sẽ bị bệnh cũng như biến chứng mà người bị bệnh có thể gặp.
Các nghiên cứu y học đã chứng minh là bệnh ÐTÐ có những vùng đường huyết nguy hiểm. Ðó là khi đường huyết của người bệnh tăng quá cao (180 mg/dl) hay hạ quá thấp (<60 mg/dl). Ðường huyết tăng cao, ngay cả khi người bệnh hoàn toàn cảm thấy bình thường, thực tế lúc đó người bệnh đã ở trong vùng "nguy hiểm" do nó có thể làm tổn thương nhiều bộ phận trong cơ thể như tim mạch, mắt và thận. ÐTÐ là nguyên nhân chính gây mù và suy thận giai đoạn cuối cần phải được lọc máu hay ghép thận ở những người bệnh lớn tuổi. Ðây là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây cắt cụt chi do tắc mạch. Các nghiên cứu cũng cho thấy cứ mười trường hợp bị ÐTÐ có tới tám người bị mắc bệnh tim mạch (tăng huyết áp, thiếu máu cục bộ cơ tim, nhồi máu cơ tim…); nguy cơ bị tai biến mạch máu não ở người ÐTÐ được ước tính cao gấp bốn đến sáu lần so người cùng độ tuổi không bị bệnh. Ðó cũng là các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người bệnh ÐTÐ. Với mức độ tăng nhanh của các biến chứng mạn tính, nhất là các biến chứng mạch lớn (như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi), cũng như các biến chứng suy thận, các chi phí để điều trị cho những người bệnh này cũng tăng lên một cách ghê gớm.
Chính vì vậy, một câu hỏi mà phần lớn người bệnh luôn đặt ra đối với các bác sĩ chuyên khoa đó là ở mức đường huyết bao nhiêu sẽ không bị biến chứng? Liệu với mức đường huyết lúc đói là 8; 9; 10 mmol/l có được coi là ổn định hay không? Với những câu hỏi tương tự như vậy, các nghiên cứu gần đây đã đưa ra nhiều khuyến cáo cho bác sĩ cũng như những bệnh nhân ÐTÐ. Các nhà khoa học đã nhấn mạnh mức đường huyết lúc đói càng gần mức bình thường bao nhiêu càng hạn chế được các biến chứng mạn tính bấy nhiêu, nhất là các biến chứng mạch máu. Bên cạnh đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn tăng cao cũng là mối đe dọa đối với những người bệnh ÐTÐ. Ngay cả khi đường huyết lúc đói ở mức bình thường nhưng đường huyết sau các bữa ăn vượt quá 9,0 mmol/l cũng làm tăng nguy cơ biến chứng mạch máu.
Ðiều mà các thầy thuốc nghiên cứu bệnh ÐTÐ nhấn mạnh là không phải chỉ có người có biểu hiện triệu chứng mới là người bị bệnh mà vấn đề chính là làm thế nào để phát hiện bệnh sớm và giáo dục cộng đồng ý thức phát hiện bệnh sớm mới hy vọng ngăn ngừa được biến chứng do bệnh gây ra. Một trong các trở ngại chính trong công tác điều trị bệnh ÐTÐ hiện nay là người bệnh thường chủ quan, không tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế. Rất nhiều người bệnh ÐTÐ nói rằng họ vẫn cảm thấy bình thường sau khi đi khám bệnh hay kiểm tra sức khỏe được thầy thuốc chẩn đoán bị tăng nồng độ đường trong máu hay bị bệnh ÐTÐ. Người bệnh có thể sống hoàn toàn như những người khỏe mạnh khác nhiều năm với một mức nồng độ đường trong máu cao mà không hề biết là căn bệnh đang gặm nhấm và làm tổn thương nhiều bộ phận trong cơ thể của mình đến khi biến chứng xuất hiện.
Một lối sống quá ít hoạt động thể lực, rượu, thuốc lá và chế độ ăn không hợp lý là các kẻ thù gián tiếp góp phần cùng với nồng độ đường trong máu "nguy hiểm" giết hại dần người bệnh, tới khi "thủ phạm" lộ mặt, người bệnh đã bị các tổn thất không thể cứu vãn như mù lòa, suy thận giai đoạn cuối, phải cắt cụt chi hay bán thân bất toại và thậm chí các đột tử do nhồi máu cơ tim. Tuy vậy, người bị mắc bệnh ÐTÐ không hoàn toàn hết hy vọng sau khi có các kết quả từ các nghiên cứu lớn đã được tiến hành ở Anh, Nhật Bản, Mỹ cho thấy có thể làm giảm đáng kể hay làm chậm trễ xuất hiện các biến chứng do bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh và giảm chi phi chăm sóc y tế nếu người bệnh ÐTÐ được kiểm soát "chặt chẽ" tình trạng tăng đường huyết của họ để giữ được mức nồng độ đường huyết càng gần mức bình thường càng tốt.
Theo Hiệp hội ÐTÐ Mỹ 2010, đối với phần lớn người bệnh bị bệnh ÐTÐ, vùng đường huyết an toàn là: độ đường huyết trước ăn từ 70 đến 130 mg/dl (3.9 đến 7.2 mmol/l) và độ đường huyết sau khi ăn hai giờ là dưới 180mg/dl (10mmol/l). Mục đích này hoàn toàn có thể thực hiện được nếu người bệnh tuân thủ các hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa và tự theo dõi độ đường huyết của mình hằng ngày tại nhà bằng các máy đo nồng độ đường huyết cá nhân. Duy trì nồng độ đường huyết trong ngưỡng an toàn, không những sẽ giúp những người bệnh ÐTÐ phòng ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển các biến chứng của bệnh ÐTÐ mà còn giảm được các chi phí điều trị do biến chứng gây ra.
Theo TS DIỆU VÂN
(NhanDan)
Bình luận (0)