Du lịch - Thể thaoThể thao Quốc tế

Alex Ferguson: 25 năm ở MU giống như chuyện cổ tích

Tạp Chí Giáo Dục

Trong hàng chục buổi dạ tiệc vinh danh lớn nhỏ thời gian gần đây, Ferguson chưa từng tỏ ra thực sự mãn nguyện với những thành tựu đạt được 25 năm qua.
Ngay cả bữa tiệc chiêu đãi vừa kết thúc cách đây ít giờ tại nhà hàng Lancashire Cricket Ground, khi được hỏi về cột mốc lớn trong sự nghiệp, người đàn ông Scotland 69 tuổi vẫn lặp đi lặp lại: "Tôi sẽ không nói nhiều về nó đâu".

25 năm ở MU có chút dư vị cổ tích

Dù vậy, trước sự nhiệt thành của cánh phóng viên, Ferguson vẫn dành ra vài phút rất ngắn tua lại đoạn phim cuộc đời mình. Bắt đầu từ khung hình ông đặt chân tới Old Trafford ngày 6/11/1986 kế nhiệm HLV Ron Atkinson.
"Có một chút dư vị cổ tích. Thật khó tin tôi lại ở đây lâu đến thế. Có những điều bạn không thể tưởng tượng được lại xảy ra", Ferguson chậm rãi nhấp một ly rượu rồi cảm thán.
Trong khoảng hai ngày trở lại đây, khắp các mặt báo cũng như diễn đàn bóng đá trên thế giới đều có những hoạt động hướng về lễ kỷ niệm 25 năm Alex Ferguson tại vị ở MU. Hình thức phổ biến nhất và khó khăn nhất chính là bầu chọn, đưa ra đội hình tiêu biểu dưới thời của chiến lược gia có biệu hiệu máy sấy tóc. Nên nhớ, hơn hai thập kỷ qua, đã có 4 thế hệ cầu thủ ra mắt tại Old Trafford và mỗi thế hệ đều có những cái tên xuất chúng riêng.
Việc làm này chẳng khác nào nhiệm vụ bất khả thi bởi chính Ferguson cũng chỉ có thể nêu ra được 7 cái tên ông cho là xứng đáng hơn cả.

Dưới trướng Sir Alex là hàng loạt thế hệ cầu thủ tài năng nối tiếp nhau.

"Nhìn lại sự nghiệp, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi có trong tay những cầu thủ tuyệt vời. Hãy quay về những ngày đầu tiên với Bryan Robson, Norman Whiteside, Brian McClair, Mark Hughes, Paul Ince, Roy Keane, Eric Cantona. Bất cứ ai trong số họ cũng đều phi thường", Sir Alex không do dự cho biết.
Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi danh sách không có những cái tên lẫy lừng như Peter Schmeichel, Beckham, Scholes, Giggs, Ronaldo, Rooney. Có lẽ Ferguson thích hoặc nhớ nhiều hơn tới cái quá khứ không xa, thời kim tiền vẫn chưa đóng vai trò thiết yếu trong đời sống cũng như văn hóa ứng xử của các cầu thủ. Ông thở dài: "Kỷ nguyên hiện tại của các cầu thủ đã thay đổi. Đó là những con người khác, môi trường khác".
Ngoài đội hình tiêu biểu, hoạt động thứ hai cũng diễn ra sôi nổi không kém là dự đoán thời điểm gác kiếm quy ẩn của Sir Alex. Câu trả lời không phải trong một năm, hai năm hoặc ba năm tới mà là chừng nào tôi vẫn đủ sức khỏe làm việc.

Ở tuổi 69, Ferguson vẫn giữ nguyên khát vọng chinh phục như thời mới bước vào nghề.

Có thể nói, việc Alex Ferguson tại vị lâu đến vậy, và có thể còn lâu hơn nữa, là kết quả của nhiều yếu tố hội tụ. Lối sống lành mạnh, khoa học giúp ông đủ dẻo dai để trụ vững với một trong những nghề nghiệp khắc nghiệt nhất. Ông xuất hiện đúng giai đoạn giao thời chuyển sang trường phái bóng đá hiện đại, nhanh chóng thích ứng và gặt hái thành công. Quan trọng hơn ông là người hưởng lợi trực tiếp từ sự nhẫn nại khó tin của ban lãnh đạo Quỷ đỏ – những người dễ dàng bỏ qua cho thành tích trắng tay ba năm liền. Bên cạnh đó, lối quản lý chuyên quyền, hà khắc kết hợp hoàn hảo giữa việc mua sắm ngôi sao và đào tạo tài năng trẻ đưa đoàn quân dưới trướng Alex Ferguson trở thành một trong những đế chế thể thao hùng mạnh bậc nhất hành tinh.
Và cuối cùng, khát khao vươn tới những danh hiệu chưa bao giờ nguội tắt giúp ông duy trì được cảm xúc như những ngày đầu đặt chân tới Nhà hát. Với Alex Ferguson, ở ngưỡng tuổi thất thập cổ lai hy, thế giới là không đủ.
7 điều thú vị về cầu thủ Alex Ferguson
Bất cứ ai am hiểu bóng đá cũng có thể kể vanh vách về các danh hiệu cũng như chiến thắng ấn tượng của Alex Ferguson trên cương vị HLV. Tuy nhiên, vẫn có những điều thú vị khác về thời thanh niên của ông, thời ông cũng xách giày ra sân và thi đấu ở vị trí của… Rooney.
1. Vị trí sở trường: tiền đạo.
2. Trận đấu đầu tiên: Queens Park – Stranraer (VĐQG Scotland), Ferguson ghi bàn giúp Queens Park thắng 2-1 khi mới bước sang tuổi 16.
3. Nỗi thất vọng lớn nhất: ghi 15 bàn/31 trận cho Queens Park song Ferguson vẫn không có vị trí thường xuyên. Ngay cả khi chuyển sang St Johnstone (1960) rồi Dunfermline (1964), thảm cảnh vẫn không thay đổi.
4. Màn trình diễn ấn tượng nhất: thiếu tiền đạo, BHL St Johnstone quyết định tung Ferguson vào sân trong trận gặp cường địch Rangers, và thật bất ngờ, anh chàng này ghi được … hat-trick!
5. Kỷ lục tự hào nhất: hè 1967, Alex Ferguson lập kỷ lục về phí chuyển nhượng tại Scotland khi chuyển từ Dunfermline tới Rangers với mức giá 65 ngàn bảng.
6. Lý do … "lãng xẹt" nhất: tháng 11/1969, Ferguson lọt vào "mắt xanh" của đại gia Nottingham Forest (một trong những đội bóng mạnh nhất Anh quốc và châu Âu thời bấy giờ) song buộc phải từ chối vì vợ anh … không thích.
7. Điều đáng tiếc nhất: trái ngược với khi huấn luyện, dù tham dự khá nhiều trận chung kết nhưng Ferguson không thể có nổi một danh hiệu trong vai trò cầu thủ.
Hoài Thu (theo VTC News)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)