Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Alexandria lộng gió

Tạp Chí Giáo Dục

Về phía tây châu thổ sông Nile, cảng Alexandria từng là thành phố đông dân nhất vùng Địa Trung Hải, với khoảng 32km bờ biển xanh thẳm cùng muôn vàn di tích nhuốm màu thời gian. Đây là nơi không thể bỏ qua khi đến thăm Ai Cập huyền thoại.

Pháo đài Quaitbay – Ảnh: Huỳnh Thu Dung

Tạm biệt thủ đô Cairo khi trời tờ mờ sáng, chúng tôi vượt quãng đường dài 225km bằng xe buýt để đến Alexandria. Những mệt mỏi sau gần năm giờ ngồi xe như tan biến khi quang cảnh thành phố cảng sầm uất hiện ra trước mắt. Gió Địa Trung Hải ùa vào những ô cửa kính đã được mở rộng, tạo cảm giác sảng khoái và thư thái.

Pháo đài Quaitbay, một công trình được xây dựng ngay trên nền của ngọn hải đăng Alexandria – một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại, là điểm đến đầu tiên mà ai cũng háo hức muốn ngắm nhìn. Dưới bầu trời xanh cao vời vợi bên bờ biển của đảo Pharos, Quaitbay sừng sững và vĩ đại đến choáng ngợp.
Được xây dựng từ thế kỷ 15, Quaitbay là một trong những thành lũy quan trọng bảo vệ Ai Cập và cả eo biển Địa Trung Hải suốt hàng ngàn năm. Công trình với các bức tường thành thẳng tắp cao vút, được nối kết bằng những viên gạch vuông vức trông có vẻ khô khan nhưng thật vững chãi và mạnh mẽ.
Bên trong pháo đài, ánh sáng lọt vào từ các ô cửa nhỏ trên cao chỉ đủ soi rọi những bức tường cao ngất, gồ ghề và những hành lang nối liền nhau. Bầy dơi rít lên, đập cánh liên hồi trên những mái vòm hòa với tiếng du khách trò chuyện vang vọng trong không gian. Lên đến đỉnh pháo đài, bầu trời mở ra cùng với gió biển lồng lộng. Dưới chân Quaitbay, sóng nhấp nhô vỗ lên bãi đá, thỉnh thoảng trên mặt biển nhô lên những vết gãy đổ – dấu vết còn lại của hải đăng Alexandria.
Sau bữa trưa thật tuyệt với món cá ba sa nướng và cơm trắng tại một nhà hàng cạnh bờ biển, chúng tôi đến thư viện Alexandria, công trình được xây dựng từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, từng là thư viện lớn nhất trong lịch sử loài người. Dù bị hủy hoại trong chiến tranh cùng những đổi thay dâu bể, thư viện Alexandria thời cổ đại vẫn sống trong ký ức của nhân loại.
Chính vì thế, từ năm 1975 có nhiều ý tưởng khôi phục thời hoàng kim của thư viện vĩ đại này, đến năm 2002 một thư viện mới được xây dựng cách khu vực thư viện cũ khoảng 200m. Thư viện Alexandria mới mang ý nghĩa một sự hồi sinh mạnh mẽ và trở thành một kỳ quan văn hóa thời hiện đại.
Thư viện có bảy tầng với tổng diện tích 11.000m2 được dùng làm phòng đọc và là nơi lưu trữ sách, trong đó có bốn tầng nằm dưới mực nước biển, nên khi tham quan các tầng này thật khó tưởng tượng mình đang ở giữa một thế giới tri thức nhưng bốn phía đều là đại dương.
Ở đây không chỉ có sách và các ấn phẩm mà còn trưng bày rất nhiều công cụ in ấn và xuất bản đã có từ hàng ngàn năm đến ngày nay. Giữa khoảng sân rộng trước thư viện là tượng Alexander đại đế, người được đặt tên cho cảng biển này.
Rời thư viện, chúng tôi đến cung điện Montaza và khu vườn thượng uyển tràn ngập hoa và hương thơm – một điểm đến dịu dàng trong hành trình khám phá Alexandria. Cung điện của quốc vương quá cố Farouk như một lâu đài trong truyện cổ tích, bao quanh là một đại công viên với những hàng cọ cao vút, những lối đi uyển chuyển và vô vàn khóm hoa muôn màu.
Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là thánh đường Abu El Abbas El Mursi được xây dựng từ năm 1775, rộng đến 3.000m2, kiến trúc Hồi giáo lớn nhất và quan trọng nhất ở Alexandria với sàn được lát đá cẩm thạch trắng, trần được nâng đỡ bằng 16 cột đá granite, trang trí thật cầu kỳ. Rời thánh đường khi trời đã ngả về chiều, chúng tôi bước ra bãi biển đang đông nghịt người. Trên con đường chính ôm lấy bờ biển một bên là Địa Trung Hải xanh thẳm, một bên là những tòa nhà cao tầng trẻ trung và hiện đại của xứ sở Ai Cập thế kỷ 21.
Alexandria là thế, một sự pha trộn hài hòa giữa những điều thật xưa cũ và vẻ tươi mới, chính vì thế nó khiến người ta còn nhớ rất lâu khi đã rời xa…

Những dấu tích của hải đăng Alexandria nhìn từ đỉnh pháo đài Quaitbay – Ảnh: Huỳnh Thu Dung

Phòng đọc chính của thư viện Alexandria – Ảnh: Huỳnh Thu Dung
Địa Trung Hải nhìn từ cung điện Montaza – Ảnh: Huỳnh Thu Dung
Cung điện Montaza nhìn từ bên ngoài – Ảnh: Huỳnh Thu Dung

 HUỲNH THU DUNG / Tuoi Tre

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)