Xi măng bám chặt cây xanh, phủ kín mái nhà, len lỏi từng ngõ ngách. Thậm chí, cây ăn quả ra hoa đến đâu hỏng đến đó
Nhà máy sản xuất xi măng Bắc GiangẢNH: PHẠM DỰ
Suốt 19 năm nay, người dân ở xã Hương Sơn (H.Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) phải sống trong cảnh ô nhiễm trầm trọng do nhà máy xi măng thuộc Công ty CP xi măng Bắc Giang gây ra.
Ăn cơm trộn… bụi xi măng
Vừa đặt chân đến thôn Việt Hương (xã Hương Sơn) đã nghe tiếng máy móc ồn ã cùng những làn bụi xi măng cuộn tung trắng xóa hắt ra từ phía nhà máy sản xuất xi măng trực thuộc Công ty CP xi măng Bắc Giang (đóng trên địa bàn xã Hương Sơn). Tiến gần hơn về phía nhà máy, chứng kiến những cột khói trắng vàng, đặc quánh bay lơ lửng trên không trung. Bụi trong không khí mỗi lúc một đậm đặc, ngột ngạt đến khó thở khiến ai tiếp cận gần nhà máy khó tránh khỏi cơn ho sặc sụa.
|
11 giờ trưa, những hộ dân quanh thôn Việt Hương vẫn đóng cửa kín mít. Vì phải bán hàng nên cửa tiệm tạp hóa nhà ông Phạm Văn Thắng phải hé chừng 1/3 để khách biết đường mua. Vừa thấy chúng tôi gọi cửa, ông Thắng chạy ra hỏi: “Mới đến đây lần đầu hả? Không áo khoác ngoài, không khẩu trang thì tha hồ mà hít bụi, rồi áo trắng thành màu cháo lòng nhé”. Bước vào nhà, chúng tôi đang định ngồi xuống ghế thì ông Thắng vội can, bảo chờ ông lâu quá ghế phủ đầy bụi. "Ngày lâu cả chục lần nó vẫn vậy. Cứ lau xong là đâu lại vào đấy. Vừa bụi, vừa ồn, nên dân ở đây gần như cả ngày lẫn đêm đều đóng cửa kín mít. Nhiều khi đêm còn bụi và ồn hơn ngày, nghe đâu đêm nhà máy sản xuất nhiều hơn cả ngày”, ông Thắng nói.
Liên quan đến tình trạngô nhiễm môi trường do các nhà máy xi măng gây ra tại TT.Kiên Lương (H.Kiên Lương, Kiên Giang), theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, ngày 21.8, các hộ dân tại TT.Kiên Lương đã có đơn tố giác gửi Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang.
Theo ông Thắng, thôn Việt Hương kéo dài chừng 3 km. Nhà máy sản xuất xi măng nằm ở đầu thôn nên hơn 20 hộ sinh sống giáp nhà máy phải hứng chịu nặng nề nhất. Xi măng bám chặt cây xanh, phủ kín mái nhà, len lỏi từng ngõ ngách. Thậm chí, cây ăn quả ra hoa đến đâu hỏng đến đó. Càng vào sâu trong làng thì mức độ ô nhiễm đỡ hơn đôi chút.
Theo chỉ dẫn của ông Thắng, chúng tôi tìm đến nhà anh Cao Văn Đông, một gia đình được cho là hứng chịu ô nhiễm nặng nề nhất ở thôn Việt Hương. Nhà anh cách nhà máy sản xuất xi măng Bắc Giang đúng một con sông với khoảng cách chừng 100 m. Vừa chỉ tay vào vườn cây ăn quả, anh Đông vừa kể: “Nhà tôi có 7.000 m2 đất vườn để trồng cây ăn quả. Trước kia trồng đâu đậu quả đấy, nhưng từ khi nhà máy xi măng hoạt động, quanh năm mất mùa, thất thu. Bụi xi măng phủ kín lá cây, có khi dày đến cả cm. Muốn được ít quả đem đi bán, hai vợ chồng lại lọ mọ đi lấy nước lau từng quả một trên cây. Nhưng vẫn không ăn thua, vì lau hôm trước, hôm sau khói bụi xi măng lại bám đầy”.
Anh Đông còn cho biết, "những hôm có gió đông, khói bụi xi măng bay cả vào nhà, phả hết vào mặt mũi, quần áo. Nhiều khi cả nhà phải ăn cơm trộn với khói bụi xi măng”.
Số người ung thư cả hai làng đều tăng
Vườn cây ăn quả bám đầy khói bụi của gia đình anh ĐôngẢNH: PHẠM DỰ
|
Dù chưa có cơ quan chức năng nào xác định việc ung thư có phải do ô nhiễm từ nhà máy sản xuất xi măng gây ra hay không, nhưng theo bác Vương Thị Hợp, một người dân khác sinh sống ở xã Hương Sơn: “Trong mấy năm trở lại đây, trong thôn có cả chục người chết vì bệnh ung thư. Ngay đầu năm 2016, cũng đã có 2 người chết vì ung thư. Chủ yếu là ung thư vòm họng, ung thư phổi… Chính vì thế mà thôn Việt Hương có thêm biệt danh mới đó là làng ung thư”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Thắng, Trưởng thôn Việt Hương cho biết: "Vài năm gần đây, số ca tử vong vì ung thư tăng là có thật. Tuy nhiên, nguyên nhân xuất phát từ đâu thì cho tới nay vẫn chưa được làm rõ". Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ thôn Việt Hương mà hàng chục hộ dân khác sinh sống ở thôn Cầu Đen thuộc xã Quang Thịnh gần đó cũng chung cảnh ngộ tương tự. Hàng ngày, họ phải sống chung với bụi bẩn, môi trường ô nhiễm do nhà máy xi măng Bắc Giang gây ra.
Theo ông Nguyễn Quyết Tiến, Trưởng thôn Cầu Đen: “Cả thôn có hơn 300 hộ dân, tất cả đều bị ảnh hưởng khói bụi, tiếng ồn từ nhà máy xi măng. Trong đó, có hơn hai chục hộ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, hàng ngày sống chung với bụi. Nhất là vào ban đêm, gần như không bao giờ dám mở cửa và ra ngoài vì “quá bụi”. Trong các cuộc họp, tôi cũng đã có ý kiến lên UBND xã để xã kiến nghị lên trên nhưng nhiều năm nay vẫn như vậy”.
Tương tự ông Thắng, ông Tiến cũng băn khoăn: “Không biết có phải do nhà máy xi măng gây ra hay không, nhưng trong 5 năm trở lại đây, thôn Cầu Đen có hơn chục người chết vì bệnh ung thư. Chủ yếu là ung thư phổi, ung thư vòm họng,… Không chỉ vậy, hiện nay đa số người già và trẻ nhỏ trong thôn đều mắc bệnh xoang mũi”.
Làm việc với Thanh Niên, ông Lê Anh Huy, Phó trưởng Phòng TN-MT H.Lạng Giang cho biết chưa nhận được đơn thư của người dân kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường do Công ty CP xi măng Bắc Giang gây ra. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá bằng mắt thường, Phòng TN-MT phát hiện khói, bụi, mức độ ô nhiễm quanh nhà máy sản xuất xi măng Bắc Giang cao hơn thông thường. Hiện Sở TN-MT tỉnh đã lập đoàn công tác kiểm tra, đánh giá tình trạng nêu trên, nhưng tới nay chưa có kết quả đánh giá cụ thể mức độ ô nhiễm do nhà máy sản xuất xi măng gây ra.
Liên hệ làm việc với lãnh đạo Công ty CP xi măng Bắc Giang để làm rõ những phản ánh từ phía người dân về thực trạng ô nhiễm, nhưng sau nhiều lần đặt lịch làm việc, chúng tôi đều được cán bộ phòng hành chính thông tin, lãnh đạo bận họp và hẹn dịp khác. Được biết, nhà máy sản xuất xi măng của Công ty CP Xi măng Bắc Giang tại thôn Việt Hương bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất xi măng PCB30, PCB40, clinker từ năm 1997 theo công nghệ lò đứng trên diện tích mặt bằng khoảng 5,7 ha. Từ năm 2013 bắt đầu hoạt động theo công nghệ lò quay với quy mô công suất thiết kế 300.000 tấn clinke/năm, 360.000 tấn xi măng/năm.
Phạm Dự – Hà An/TNO
Bình luận (0)