“Hậu trường” nạo phá thai
T.M.Q là một bác sĩ trẻ mới ra trường được vài năm làm trong khoa “Kế hoạch hóa gia đình” của bệnh viện phụ sản T. Tên khoa nghe hiền lành như thế nhưng thực ra công việc hàng ngày bác sĩ Q. phải làm chính là tư vấn và thực hiện các ca nạo phá thai cho những người mẹ bất đắc dĩ.
Cùng trong khoa Sản nhưng các phòng sinh luôn khiến cho người ta có một cảm giác ấm áp với tiếng trẻ con khóc, hình ảnh người mẹ cho con bú rất dịu hiền còn phòng “kế hoạch hóa gia đình” khiến nhiều người cảm thấy như lạc vào cơn ác mộng.
Người bình thường một lần đến phòng nạo phá thai khi trở ra đều cảm thấy khủng khiếp. Những khuôn mặt tái nhợt vì đau đớn, tiếng la hét, tiếng những dụng cụ y tế va vào nhau lạnh lẽo, những bào thai vô tội được lấy ra… tất cả gợi cho con người một sự khiếp đảm, nỗi sợ hãi đến mức ám ảnh. Thế mà nữ bác sĩ Q. phải làm việc trong môi trường ấy đã hơn ba năm.
Chị tâm sự: Với những bào thai chỉ vài tuần tuổi thì còn đỡ chứ những thai nhi đã thành hình hài con người mà phải làm thủ thuật để phá bỏ thì thật khủng khiếp. Hơn ba năm gắn bó với công việc này, nữ bác sĩ trẻ đã không thể quên được câu chuyện một nữ sinh viên với tuổi đời chỉ khoảng 19, 20 đến bệnh viện nhờ bác sĩ phá bỏ cái thai trong bụng.
Thai nhi đã 10 tuần tuổi, khá lớn để có thể nạo bỏ. Q khuyên cô gái nên giữ lại đứa trẻ vì nếu bỏ đi có thể gặp những biến chứng nguy hiểm. Cô gái nói trong nước mắt: “Cả em và anh ấy đều ở nông thôn lên đây học tập. Đến tiền ăn còn chẳng đủ, lấy đâu tiền nuôi con”.
Không thể lay chuyển quyết định của cô gái, nữ bác sĩ Q. đành phải làm thủ thuật loại bỏ thai nhi. Cái thai đã bắt đầu thành hình người, các bộ phận cũng đã rõ ràng. Điều khiến bác sĩ Q. bị ám ảnh cho đến tận bây giờ chính là khát vọng sống của thai nhi quá lớn. Khi lấy ra được cả mấy chục phút mà tim thai vẫn đập. Các bác sĩ, y tá trong ca trực đó đều cảm thấy sốc. Họ không dám bỏ thai nhi vào thùng rác thải bệnh viện mà cứ để em ở đó.
Lúc đó Q. mới ra trường. Nữ bác sĩ đã khóc ròng rã mấy ngày liền. Cô tưởng chừng như không thể tiếp tục làm việc này được nữa. Cô thấy chính mình đã cướp đi cơ hội sống của đứa trẻ. Vậy mà cô gái là mẹ của thai nhi mới lúc trước còn mếu máo mong các bác sĩ “giúp đỡ”, sau khi xong việc đã ngay lập tức bước đi không một lần quay lại nhìn hình hài mới đây còn liền núm ruột với mình.
Một bác sĩ sản khoa tên P. cũng có tâm lý tương tự. Vị bác sĩ này cho biết, bà sợ nhất là mỗi khi phải chỉ định làm côvắc (cho đẻ non bắt buộc) cho các cô gái trẻ. Khi thai nhi quá lớn, không thể phá bỏ bằng những cách thông thường thì cách duy nhất là làm côvắc.
Trong đời làm bác sĩ sản khoa của mình, bà đã từng một lần phải chỉ định làm côvắc với một cô bé mới chỉ chưa đầy 16 tuổi. Khi đến bệnh viện với cái thai hơn 6 tháng tuổi, cô bé vẫn còn ngây thơ đòi cha đi mua bánh cho ăn.
Người cha quê mùa, khốn khổ thì vừa khóc vừa vái lạy bác sĩ: “Mong các y bác sĩ giúp con tôi. Mẹ cháu mất sớm nên không ai bảo ban cháu cả. Nhà tôi nghèo quá, nếu để cháu sinh ra thì không thể nuôi được”. Tất cả những y bác sĩ có mặt ở đó đều không cầm nổi nước mắt. Mới 16 tuổi đầu, cô gái dại dột đã phải chịu nỗi đau sinh nở như những phụ nữ trưởng thành. Thai nhi khi đó có hình hài hoàn toàn là một đứa trẻ. Bác sĩ P. đã không bao giờ quên được khoảnh khắc người y tá quấn mảnh vải trắng tinh lên thi hài đứa trẻ và mang đi.
Để không còn chứng kiến những chuyện đau lòng
Tất cả những bác sĩ khi trao đổi với chúng tôi đều cảm thấy đau lòng khi phải chứng kiến mỗi ngày hàng chục thai nhi bị bỏ dưới tay mình. Nhưng công việc là công việc, dù không muốn, họ vẫn phải làm hàng ngày. Điều mà các bác sĩ như Q, như cô P. thực sự mong mỏi chính là trước khi quyết định “thử”, các bạn trẻ hãy nghĩ đến hậu quả của những việc mình làm. Đừng để phải gặp họ trong những tình huống trớ trêu như vậy trong bệnh viện.
Theo PhunuNet
Bình luận (0)