Coi làn da trắng là vẻ đẹp chuẩn mực, phụ nữ châu Á sẵn sàng chi nhiều tiền dùng sản phẩm làm trắng da bất chấp nguy cơ sức khỏe.
Fatima Lodhi là một giáo viên mầm non 28 tuổi tại Pakistan. Từ nhỏ, cô đã bị nhạo báng vì làn da ngăm đen của mình, thậm chí nhiều người ở đại học còn khuyên cô nên "mua sơn trắng để bôi lên da".
Câu chuyện của Lodhi chỉ một trong số vô vàn ví dụ về nỗi ám ảnh với làn da trắng của người châu Á. TheoCNN, một nghiên cứu gần đây chỉ ra hơn một nửa trong số 1.992 đàn ông và phụ nữ Ấn Độ từng mua sản phẩm làm trắng da, chủ yếu do chịu ảnh hưởng của truyền thông và quảng cáo.
Trên thế giới, nhu cầu sử dụng sản phẩm làm trắng da đang tăng lên nhanh chóng và tập trung tại châu Á, Trung Đông, châu Phi. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là mảnh đất màu mỡ nhất của các sản phẩm làm trắng da, chiếm hơn một nửa thị trường làm trắng da toàn cầu với lợi nhuận ước tính khoảng 7,5 tỷ USD năm 2017. Trong đó, Trung Quốc chiếm khoảng 40%, Nhật Bản 21% và Hàn Quốc 18%.
"Phụ nữ Á Đông thích tông màu da sáng bởi vì họ tin một làn da trắng có thể che giấu mọi khuyết điểm", Shuting Hu, nhà khoa học chuyên nghiên cứu các thành phần làm trắng da đồng thời là sáng lập viên của công ty SkinData Limited tại Hong Kong nhận định.
Giáo sư Evelyn Nakano Glenn, chuyên gia về phụ nữ và dân tộc từ Đại học California (Mỹ) thì lý giải: "Trong nhiều xã hội, đặc biệt là ở châu Á, màu da được xem như một dấu hiệu để phân biệt các tầng lớp trong xã hội. Với các cuộc xâm lược thuộc địa tại châu Á, làn da sáng của thực dân châu Âu đã vô thức trở thành một biểu hiện của địa vị cao, trong khi màu da sẫm màu vốn có của người châu Á là đại diện của tầng lớp thấp bị chinh phục".
Ảnh: CNN. |
Vì những lý do trên, dân châu Á sẵn sàng chi nhiều tiền cho các sản phẩm làm trắng da bất chấp cảnh báo khoa học. Trên thực tế, màu da do melanin sản sinh bởi tế bào da melanocyte quy định. Mỗi cá nhân có số lượng melanocytes khác nhau nên màu da cũng khác nhau và các sản phẩm trắng da chỉ đem đến hiệu quả nhất định.
Tiến sĩ Soyun Cho, giáo sư da liễu tại Đại học Y khoa Đại học Quốc gia Seoul cho biết da người châu Á chứa nhiều melanin hơn da người châu Âu nên việc lạm dụng sản phẩm làm trắng da có thể dẫn đến những hệ quả không mong muốn.
Căn bệnh phổ biến nhất mà mọi người thường mắc phải khi sử dụng sản phẩm làm trắng da là viêm da tiếp xúc, chủ yếu do dị ứng hoặc kích thích, dẫn đến đỏ, ngứa, phù nề và nhiệt. Dấu hiệu của bệnh thường xuất hiện sau hai tuần dùng sản phẩm làm trắng và có thể gây ra tăng sắc tố sau viêm.
Nguy hiểm hơn, nhiều sản phẩm làm trắng da còn chứa thành phần độc hại. "Các sản phẩm có hydroquinone, steroid hoặc thủy ngân dễ gây kích ứng, viêm và mòn da, sẹo; ảnh hưởng đến thận, gan, hoặc thần kinh của trẻ sơ sinh nếu được sử dụng trong thời kỳ mang thai và cho con bú", ông Hemal Shroff, phó giáo sư nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Tata ở Mumbai (Ấn Độ) cho biết.
Tuy vậy, Shuting Hu cho rằng vẫn có cách an toàn để làm trắng da. “Để da sáng hơn, ta không nên giết chết melanocytes mà hãy ức chế quá trình tổng hợp melanin hoặc đẩy nhanh việc loại bỏ melanin hiện có”, nhà khoa học khuyên.
Hu cũng khuyến cáo khách hàng tìm mua sản phẩm từ các đại lý uy tín, nghiên cứu kỹ thành phần đồng thời kiên nhẫn sử dụng sản phẩm đang dùng nếu không bị dị ứng. Lưu ý, sản phẩm chứa vitamin C thường không ổn định nên chỉ sử dụng trong vòng một tháng. Các loại mỹ phẩm chứa hydroquinone, hợp chất ức chế tạo melanin, chỉ dùng khi được bác sĩ kê đơn. Khách hàng cũng có thể tìm hiểu về quy định sản xuất mỹ phẩm làm trắng da tại các nước châu Á để biết về độ an toàn của chúng.
Bên cạnh đó, giáo sư Shroff cho rằng chính phủ nên hỗ trợ các chương trình xã hội xóa bỏ định kiến về làn da sẫm màu. Bản thân Lodhi cũng quyết định đứng lên chống lại phong trào làm trắng da. Thông qua các lớp học trực tuyến và những buổi chia sẻ tại trường học, cô mong muốn nâng cao khả năng lọc thông tin, củng cố sự tự tin và dạy cách thấu cảm, giúp trẻ em cảm thấy thoải mái hơn với làn da tối màu của mình.
Ngọc Khuê/Vnexpress
Bình luận (0)